Anh Ba không còn cha mẹ, chị Hai thì đã theo chồng sang Mỹ định cư nên chẳng có ai cấm đoán tình yêu của anh. Họ hàng, làng xóm, người thân khuyên bảo thế nào anh Ba cũng một mực chỉ lấy chị Út mà thôi. Họ bảo anh là thằng khùng. Mấy cô gái có cảm tình với anh trước đây hầm hè nhau, bây giờ xúm lại mỉa mai, chê bai anh khùng thật rồi. Sau phút ngỡ ngàng khi nghe anh Ba nói “Tôi thương Út, Út có chịu làm vợ tôi không?”, chị Út đã bật cười mắng: “Cậu khùng hả? Nói chơi gì kỳ vậy, cậu có tin tôi đánh cậu không?”. Nhưng tiếng cười của chị chợt ngưng bặt khi bắt gặp đôi mắt của anh Ba nhìn chị thật tha thiết. Môi anh run run, lắp bắp: “Tôi nói thiệt đó. Tôi thương Út từ lâu rồi...”

Anh thương chị từ cái ngày anh nhìn thấy chị ngồi bón cháo cho mẹ anh khi bà ốm nặng. Anh thương chị khi giữa đêm mưa gió một mình trèo lên mái nhà chằng buộc chỗ dột. Anh thương chị ngày Tết mặc áo vá vai. Anh thương cái bóng người đàn bà cô đơn ngồi làm bánh sớm khuya. Anh thương mái tóc dài đen óng luôn bị búi chặt sau gáy. Anh thương chị đến đau nhói trái tim khi nhìn lũ trẻ ngồi quanh giường mẹ ốm, sụt sịt: “Má đừng có chết nghen má, đừng bỏ chúng con một mình...”. Ngày chị Ba cùng 4 đứa trẻ lít nhít dọn đến ở nhờ khu vườn rộng nhà anh thì anh Ba đang học năm thứ hai khoa Nông nghiệp, đại học Cần Thơ. Chồng chị Út là thợ xây, trong lúc làm giẫm phải đinh bị nhiễm trùng máu mà chết, để lại cho chị 4 đứa con, khi ấy đứa út mới được 8 tháng tuổi. Bà cùng cảnh góa bụa, thương cảm cảnh mẹ con chị nheo nhóc nên cho ở nhờ. Bọn trẻ ngoan lắm, đang mùa quả chín mà chúng chẳng hái trộm, quả chín rụng chúng cũng không dám ăn mà lượm đem vào trả bà. Bà cho chúng mới dám ăn. Mẹ chúng làm bánh vừa đưa mối vừa bán ở chợ. Một mình quần quật suốt ngày chẳng có thời gian dành cho con. Lũ trẻ như biết mẹ là chỗ dựa duy nhất của chúng nên rất thương mẹ. Mẹ ra chợ thì thôi, hễ mẹ ở nhà là chúng xúm xít quanh mẹ, cũng biết rửa lá, lau lá, cũng biết trông bếp, nghiền đậu...
 

Từ ngày có mẹ con chị Út đến ở, mẹ anh Ba vui hẳn lên. Lần nào về thăm nhà, anh cũng nghe mẹ kể về mẹ con chị hàng xóm. Rồi từ lúc nào, hình ảnh người đàn bà lam lũ, chịu thương chịu khó, rất đỗi dịu hiền cứ ẩn hiện trong óc anh để anh so sánh chị với các cô bạn gái xung quanh anh. Tốt nghiệp, anh được cô bạn có bố là cán bộ tỉnh xin cho một suất làm ở Sở Nông nghiệp nhưng anh từ chối, xin về huyện cho gần nhà. Cô bạn giận quá mắng anh là khùng. Từ khi anh Ba về, bọn trẻ nhà chị Út vui lắm. Anh mua cho chúng bao nhiêu truyện để đọc, anh đưa chúng đi chơi. Anh còn cùng chúng xây một cái bể lớn để nuôi cá lấy tiền đi học, anh dạy chúng cách chăm sóc cá con...

Anh đã sang tuổi 27, thằng lớn nhà chị Út đã sắp tốt nghiệp phổ thông mà anh Ba cứ trốn con gái như trốn nợ. Mẹ anh sốt ruột, gặng hỏi mãi mà anh chỉ nói: “Con không thấy ưng cô nào thì làm sao cưới người ta làm vợ được”. Người con gái như thế nào anh mới ưng? Anh Ba không nói nhưng hình bóng chị Út cứ chập chờn trước mắt anh. Năm anh Ba 29 tuổi thì mẹ anh mất. Bà ốm liệt giường 3 tháng trời. Những ngày đó, chị Út cùng mấy đứa trẻ thay nhau trông bà chẳng khác gì bà ngoại chúng. Chúng nói: “Má nói không có ngoại thì má con chúng con chết rục xương ngoài đường rồi...”

 Ai cũng bảo anh Ba khùng. Chị Út cũng tin anh bị ma nhập mà khùng nên nói nhảm. Nhưng khi anh kể hết những điều anh nghĩ như moi trái tim mình ra trước mặt chị thì nước mắt chị chảy thành dòng theo lời tỏ tình tha thiết của anh. Mãi 1 năm trời kiên nhẫn cùng sự giúp đỡ của 4 đứa con chị Út, anh Ba mới thuyết phục được chị. Chị gật đầu mà lòng vẫn bối rối, lo anh thay lòng đổi dạ, lo mẹ con chị là gánh nặng cho anh... Nỗi lo cháy lòng ấy dịu đi theo năm tháng khi càng ngày chị càng được anh yêu hơn, khi chị sinh được cho anh một cô công chúa xinh xắn, đáng yêu.

Đã qua 15 mùa thay lá, đơm hoa, tình yêu của anh với chị vẫn chẳng hề thay đổi. Có người hỏi chị có bùa gì mà khiến anh sống chết vì chị. Chị ít chữ, không biết mình có bùa gì, chị chỉ biết nhủ lòng: Hãy sống bằng trái tim yêu thương chân thành sẽ nhận được tình yêu, hạnh phúc.