Sau cưới, chị phân công cho chồng làm những việc “đối ngoại” vì chị không quen xã giao. Còn việc nhà, chị làm cả vì “anh giữ sức mà đi làm”. Sáng chị dậy sớm nấu đồ ăn cho chồng, đổi đủ món phở, xôi, bún miến như “nhà hàng”, chiều có cơm đủ món canh, xào, nướng, rán…
Chồng chị đi làm đã có quần áo là lượt để sẵn trên mắc, giày được đánh bóng, tối về có nước lạnh uống mùa lạnh, nước ấm ngâm chân mùa đông… Hai đứa con ra đời cũng một tay chị chăm ẵm, bú mớm. Con lớn, 5h dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, chị đèo con lớn đến trường tiểu học, con bé qua mẫu giáo, tạt qua chợ mua đồ ăn cho tươi ngon mới đi làm.
Từ cô giáo dạy giỏi cấp thành phố, chị Cúc phải lui về làm thư viện vì không có đủ thời gian soạn bài. Chị cũng “tiện thể”, “quen tay” làm nốt những việc đối nội, đối ngoại hai bên họ hàng thay chồng...
Bạn bè phản đối, cho rằng chị làm hư chồng con. Nhưng chị Cúc một mực: “Hy sinh cho chồng con, đi đâu mà thiệt. Chắc chắn chồng con sẽ luôn ghi nhận công lao của mình”.
Với bản tính nhân hậu nhún nhường, không ít người phụ nữ âm thầm hy sinh cho chồng con chẳng hề kêu ca, phàn nàn gì, cũng chẳng đòi hỏi quyền lợi cho mình. “Đây là những phụ nữ luôn muốn chứng minh rằng họ thật sự qúy giá, với một hy vọng nếu mình cư xử hoàn mỹ, nếu mình cho nhiều thì ắt hẳn chồng con mình cũng đối đãi tương tự” – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định.
Chị đau đớn: “Bỗng chốc tôi trở nên vô hình trong mắt chồng con”. Suốt ngày đứng lên ngồi xuống lau nhà, 5 đốt xương sống của chị Cúc đổ sụm. Ông chồng và ba đứa con tôi thản nhiên đi làm, đi học khi thấy chị ngồi lặng trên ghế không đứng dậy được. Đến chiều, họ lại lần lượt đi qua trước mặt chị.
“Tôi chỉ cho và cho, miệt mài hầu hạ chồng con bằng tất cả sức lực, bằng cả trái tim và khối óc, đến nỗi họ tưởng tôi là… con trâu sắt, không biết mệt mỏi, không biết đau buồn. Bây giờ thì tôi mặc kệ, tôi đã mệt mỏi lắm rồi, mệt mỏi và thất vọng với cả bản thân mình. Tôi chẳng làm gì nữa” – chị Cúc giận dữ.
Hẫng hụt và sự đổ vỡ không chỉ đối với chị Cúc mà với mọi thành viên trong gia đình. Quen với sự chăm sóc của mẹ, các con chị xao xác, vụng về kéo nhau đi ăn quán. Chồng chị cũng chẳng biết gỡ rối từ đâu chỉ trách chị “dở chứng”. Rốt cuộc vẫn không phải điều chị mong muốn. Đó là ngõ cụt của việc cho và nhận không cân xứng giữa các thành viên trong gia đình.
Sự nguy hiểm trong việc cho quá nhiều là chị em luôn chờ đợi một sự trả lại ngang bằng của chồng con. Nhưng sự chờ đợi này là vô vọng khi chính bạn lại tạo cho họ một thói quen chỉ biết nhận. Điều này dễ tạo ra sự ức chế, bất bình cho người phụ nữ.
Nếu một ngày kia bạn nhận ra những gì bạn hy sinh cho chồng con không được đánh giá đúng mức thì có thể những mệt mỏi do công việc, do giận dữ kìm nén mà trước bạn vẫn cố nín nhịn sẽ bùng cháy thiêu đốt cuộc hôn nhân của bạn. Người phụ nữ sẽ chán chường buông xuôi, kéo theo sự xáo trộn trong một gia đình mà xưa nay vẫn không được tạo cho thói quen tự lập.