Còn nhớ, trước khi cưới, không ít lần bố mẹ ra sức ngăn cản Tính đến với Trang. Đơn giản vì tính tình Trang đanh đá, hễ có gì không ưa là làm “loạn” cả nhà.

Chưa cưới nhau mà mỗi lần qua nhà Tính, cô chỉ đạo mọi việc từ A-Z, ngay cả mẹ chồng cũng bị “nạt” dù lúc ấy cô mới là dâu hờ. Điều đó khiến mẹ Tính sống chết bắt Tính phải bỏ Trang. Nhưng nghĩ, Trang chỉ “khẩu xà tâm Phật”, thẳng tính nên dễ mất lòng người khác. Vì vậy, dù bị phản đối, Tính vẫn “rước nàng về dinh”.

Và hậu quả bây giờ là Tính luôn phải “chào thua” vợ trong mọi trận chiến. Trong mắt thiên hạ, anh trở thành người chồng nhu nhược dưới "ách thống trị" của cô vợ ghê gớm.

Hai vợ chồng bàn bạc xây nhà, có vợ giúp thì cũng tốt, nhưng giúp như Trang chắc không có bà vợ thứ 2 nào làm được. Từ mọi việc cơm nước cho thợ, trông coi tiến trình xây dựng đến vay mượn để làm thêm đều do một mình Trang quyết hết.

Chưa dừng ở đó, mặc dù Tính đã thuê người về thiết kế cho ngôi nhà, nhưng Trang vẫn không ưng ý. Cô yêu cầu phải sửa nhà bếp theo ý cô, bể nước phải ở chỗ này. Rồi cô liên tục chê thiết kế dở ngay trước mặt thợ làm Tính nhiều phen mất mặt mà đành im lặng.

Nhà xây xong, đến màu sơn, rèm cửa, kê giường tủ ở đâu... Trang cũng quyết định toàn bộ. Hễ Tính muốn làm chỗ này, Trang lại ngay lập tức chuyển đồ đi chỗ khác với hàng ngàn lí do biện luận hùng hồn. Dù đúng hay sai Tính cũng phải theo ý cô.

Xây nhà là một chuyện, sinh con năm nào, tuổi gì cũng phải do cô lựa chọn khiến Tính vô cùng chán nản.

Chồng nhu nhược vì lấy phải vợ ghê gớm 1
Tìm việc 2 tháng mà không thấy hy vọng, Tính đành ngậm ngùi ở nhà và mọi việc diễn ra đúng ý sắp đặt của Trang (Ảnh minh họa)
.

Để sinh được con trai, Trang nhờ bác sỹ tư vấn nào là canh trứng, canh ngày, canh giờ… Cô bắt Tính nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của mình, thành ra đến lúc “lâm trận” Tính chẳng còn hứng thú gì. Aanh đáp ứng vợ như một cái máy mà trong đầu toàn nghĩ chuyện đâu đâu.

Mỗi lần anh mở miệng định góp ý, giải thích, ngay lập tức Trang đã "chặn họng": “Em biết anh định nói gì rồi, không bàn nữa, em đã quyết thì cứ thế mà làm” hay “Anh xem, có việc gì anh làm là hợp lý đâu, lần nào em cũng phải sửa”. Sau nhiều lần như vậy, anh ít chia sẻ với vợ hơn.

Cho đến một lần, công ty Tính làm ăn khó khăn, Tính bị cho nghỉ trong đợt giảm biên chế. Trong khi đó, công việc kinh doanh của Trang lên như diều gặp gió. Cô từ nhân viên được tiến cử lên trưởng phòng và đang được đề xuất lên chiếc ghế phó giám đốc còn trống.

Nhân việc này, Trang dứt khoát: “Nhà mình một tay em cũng kiếm đủ nuôi 2 bố con anh. Anh ở nhà chăm sóc cu Bin, chăm lo cơm nước cho em là được rồi”. Nói là làm, hôm sau Trang liệt kê hàng dài danh sách ăn gì, mua ở đâu, chăm con thế nào... và đưa cho Tính lo, còn cô chỉ tập trung lo toan kinh tế.

Tìm việc 2 tháng mà không thấy hy vọng, Tính đành ngậm ngùi ở nhà và mọi việc diễn ra đúng ý sắp đặt của Trang. Tính vốn ít nói giờ lại càng ít nói hơn. Anh chép miệng, thôi thì vợ lo kiếm tiền, mình lo chăm con, âu cũng là lẽ thường tình!

Nhưng cũng từ ngày đó, hễ bực tức ở công ty Trang lại về nhà “đá thúng đụng nia”, liếc xéo rồi chửi khéo Tính khi anh chưa kịp nấu xong bữa cơm, khi con khóc, con quấy, khi mấy cái áo chưa kịp giặt…

Hàng trăm thứ chuyện lặt vặt nhỏ tí cũng khiến Trang tức giận. Vậy mà Tính cũng không nói gì. Nếu Trang có hỏi thì anh chỉ buông vài lời quen thuộc: “Em làm gì cũng được” hay “Mọi việc đều do em quyết”, khiến máu nóng trong người Trang càng được đà sôi lên. Cô giận dữ: “Vậy tôi ly hôn cũng được phải không?” mà Tính vẫn im lặng.

Một hôm, mẹ chồng lên chơi, thấy Tính đang lúi húi lau nhà, xót con bà nạt: “Cái Trang đâu không làm mà lại để thằng Tính làm thế này. Đàn ông con trai lo việc lớn chứ sao lại lúi húi ở nhà như đàn bà thế…”.

Chưa kịp nói hết câu, Trang khó chịu ra mặt: “Tiền nhà này một tay con lo, anh ấy có mỗi việc ở nhà làm mấy việc đó thôi, có gì ghê gớm đâu. Con còn nhiều khách hàng, hợp đồng đang chờ, không rảnh để làm mấy việc đó”.

Mẹ Tính tức sôi máu mà không nói được câu nào. Bà tức giận quay sang trách con trai: “Từ mai đi tìm việc ngay, mày định làm chồng hay làm vợ?” rồi sa sầm mặt mày bỏ về. Trang cũng bỏ vào phòng nhưng vẫn không quên cằn nhằn: “Anh làm nhanh lên, được ngày nghỉ mà cũng không yên thân”.

Tính định nói gì đó, song anh lại thôi. Nếu anh không quá nhu nhược có lẽ vợ anh đã không trở nên ghê gớm đến vậy. Ngay ngày mai, anh sẽ đi tìm việc thôi. "Nhất định là phải đi làm" - Tính nghĩ thầm.


Cảm giác bất lực ùa về, anh thấy mình thật đúng như lời vợ nói: "Anh là người chồng nhu nhược!".Chồng nhu nhược vì lấy phải vợ ghê gớm 2