Hàng xóm sang chơi hỏi anh:

- Bà nội đâu rồi ạ?

- Ốm tha già thải, bà nội vừa già lại vừa ốm nên tha cho về quê an dưỡng luôn.

- Mệt nhỉ, giờ ai trông Nghé con?

- Vợ trông.

- Chị không đi làm à?

- May công ty vừa cho thôi việc hàng loạt nên tha hồ ở nhà.

- Thế thì cũng túng đấy, anh không lo à?

- Lo gì, hơi vất tý thôi, chả lẽ ngồi khóc, cố mà thích nghi với hoàn cảnh mới vậy.

- Thế thì chết!

- Chết thế nào được, sống dở chết dở ấy chứ! Nhưng vẫn phải sống, quan trọng là sống khỏe mạnh hay dặt dẹo thôi.

Nói xong anh cười phá lên như muốn xóa tan những âu lo suy nghĩ, những túng bấn cũng theo đó cuốn trôi cả đi.

Cô em họ gọi điện hỏi thăm bé con nhà anh biết làm gì rồi, anh khoe: “Vừa biết lẫy rồi!”. “Giỏi quá, thế cháu được mấy tháng rồi nhỉ?”. “Tám tháng”. “Ơ, em tưởng chỉ khoảng hai đến ba tháng là biết rồi chứ”, “Con nhà anh mới biết, vậy mới hay chứ!”. Thực ra là do mùa đông nó lười lẫy và quả thật nó cũng có vẻ chậm hơn so với bạn trang lứa.



Đồng nghiệp gọi điện hỏi thăm:

- Anh ốm thế nào mà nghỉ làm một tuần liền?

- Bị tai nạn xe máy!

- Người có làm sao không?

- Không hề, chỉ bị sơ sơ!

- Sao nghỉ lâu thế?

- À, gẫy hai cái răng cửa, đang chờ làm răng.

- Khổ thân!

- Việc gì đâu, hai cái răng ấy khấp khểnh lại còn bị ám khói, gẫy đi thay cái mới đẹp hơn, tranh thủ “đắm đò giặt mẹt”, anh cai thuốc luôn, giờ đang hổng, có hút thuốc được đâu.

Anh vẫn cười thật lớn!

Thi thoảng cả nhà lại trêu nhau:

- Em thấy không, cái Huyền bạn em, mẹ tên Hiền nên nó luôn ở hiền gặp lành.

Chị chớp chớp mắt đùa: Vâng, còn em lành nên em được gặp Thành (tên anh).

Anh vờ thở dài rồi cười toáng lên: Còn anh quá điêu toa nên gặp phải Hoa (tên chị).

Con gái út ốm, chị buồn đến phát sốt lên, đứng ngồi chẳng yên. “Người lạc quan” đã kịp trấn an: “Trẻ con đứa nào chả phải ốm vài bận, dần dần sức đề kháng của nó khác tăng lên, cứ lớn sồi sồi có khi lại lo ý chứ!”.

Cô người yêu của em ruột anh đi xuất khẩu lao động ba năm, hai nhà vốn đã “chạm ngõ, gửi trầu cau” hẹn khi về phép sẽ cưới, song chưa được nửa năm thì cô ấy nói lời chia tay vì có đối tượng mới, nhờ bố mẹ sang trả lễ. Cả nhà anh ai nấy buồn rầu, ủ dột vì có phần bẽ mặt với xóm giềng, bị mang tiếng một đời vợ. Anh vẫn “lạc quan”: “May chúng nó chưa đăng ký kết hôn, chưa con cái ràng buộc gì. Sớm vậy lại hay, nhớ truyện “Thế là mợ nó đi Tây” không? Mợ nó chả để cho đến lúc chờ đợi mòn mỏi hết hơi, hết lòng với nhà mợ xong mợ nó mới nói lời phụ bạc còn đau đớn hơn”.

Hôm chị bưng mâm cơm vào để rửa, vấp phải cái ghế đứa con nhỏ bày ra, chị giật mình, rồi xót ruột: “Vỡ hết cả rồi!”. Thằng con thật thà: “Vẫn còn mâm và đầy đũa kia mà mẹ”. Làm chị bật cười.

“Mưa phùn nhày nhụa thế này, khổ thật!”, chị chép miệng. Thằng con tỉnh queo: “Con nghe bà bảo, mưa phùn sẽ rất tốt cho đồng ruộng vừa cấy xong, bà vừa về cấy còn gì, dù sao nó cũng có ích”. Chị nghĩ thầm: “Trời, nó ông cụ non quá, lạc quan thật đấy, đúng là cha nào con nấy!”.

Bà hàng xóm sang chơi, khen: “Nhìn bố thằng cu thư sinh nhỉ?”. Chị đùa: “Vâng, thư sinh trói gà chẳng chặt”. Thằng con lớn cũng biết tiếp lời hài hước: “Thế nên nhà cháu có dám nuôi gà đâu!”.

- “Trường xa mà bắt thằng bé đi bộ, tiêu hết cả bữa sáng rồi còn gì!”.

- “Chính thế nên cháu toàn đi bộ tập thể dục, đến trường rồi mới ăn sáng cho đỡ hao”.

Sống cùng những người lạc quan, bản thân chị cũng cảm thấy vô cùng dễ chịu và yêu đời thêm biết bao nhiêu.