Vu Lan là ngày dành cho chữ Hiếu, cho những ai may mắn còn có mẹ cha được hãnh diện cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Vu Lan còn là một ngày đại lễ trong Phật giáo, đó là ngày các nhà sư cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc, thái bình.
Trong những ngày an cư, kiết hạ, Hoà thượng Thích Thanh Tứ - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Hội đã có cuộc trao đổi về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này.
Thực hành hiếu thảo là con đường của Phật tử
Hỏi (H): Xin hòa thượng cho biết về nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan?
“Hiếu thảo với cha mẹ là một đức tính tốt đẹp được mọi người ca tụng, đức tính ấy được coi như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội” - Hoà Thượng Thích Thanh Tứ.
|
Đáp (Đ): Theo kinh Vu Lan Bồn, thì Mục Liên là một trong mười đệ tử tiêu biểu của Đức Phật. Ngài là thần thông số một, mẹ ngài là bà Thanh Đề khi sống đã làm nhiều điều ác. Sau khi bà chết, Ngài dùng thiên nhãn thông nhìn thấy mẹ mình bị đầy đoạ nơi địa ngục, nơi quỷ đói, gầy còm ốm yếu chỉ còn da bọc xương, ngày đêm đau khổ. Với sức thần thông của mình, ngài Mục Liên đã dùng bình bát đựng cơm đưa đến dâng mẹ nhưng do ác nghiệp quá nặng nên cơm, đồ ăn đều biến thành lửa đỏ than hồng.
Bất lực trước sự đau khổ của mẹ, ngài Mục Liên cầu xin Đức Phật chỉ dạy phương pháp để cứu mẹ. Vào ngày Rằm tháng Bảy, hãy đem đồ ăn thức uống ngon quý, hoa quả cúng Phật và Chư tăng trong mười phương, thì mẹ ông thoát khỏi khổ nạn. Mục Liên vâng theo lời Phật hồi hướng công đức về cho mẹ mình ở dưới địa ngục, khiến bà được thoát thân ngạ quỷ, vãng sinh tịnh độ.
H: Thưa hòa thượng, vậy điều gì là quan trọng nhất trong ngày lễ Vu Lan?
Đ: Tinh thần cốt lõi nhất trong ngày lễ Vu Lan, đó chính là chữ Hiếu. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người phật tử chân chính. Với họ: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu”. Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung.
H: Hoà Thượng có thể cho biết quan niệm về hiếu đạo của đạo Phật được thể hiện như thế nào?
Đ: Quan niệm hiếu đạo được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, mà không phật tử nào không biết, đó là kinh thường được các Phật tử đọc tụng vào dịp tháng Bảy, lễ Vu Lan.
Trong Kinh báo ân đó Đức Phật dạy ân đức cha mẹ có những điều như: Ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng, ân sinh sản khổ sở, ân nhường khô nằm ướt, ân bú mớm, ân tắm rửa, ân chăm sóc nuôi nấng, ân xa cách thương nhớ, ân thương mến trọn đời… Mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi và thương con cho đến giây phút cuối cùng của đời mẹ. Với những người mẹ dù có hơn trăm tuổi vẫn lo lắng cho những đứa con 80 tuổi của mình.
Chữ Hiếu nằm ở tấm lòng thành kính
H: Thưa hòa thượng, hình như mấy năm trở lại đây, các phật tử, dân chúng tổ chức lễ Vu Lan ngày càng long trọng. Điều đó có thể hiện được rằng chữ Hiếu ngày càng được coi trọng hay không?
Đ: Không hẳn là như vậy, chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, ở cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau. Ân đức của cha mẹ là trời bể, người con có làm gì đi nữa, lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái.
H: Trong lễ Vu Lan dân chúng mua rất nhiều vàng mã để đốt cho người đã mất, mong được phù hộ độ trì cho người sống an bình, thịnh vượng. Theo Hoà thượng, điều đó có đúng với tinh thần nhà Phật hay không?
Đ: Lễ Vu Lan báo hiếu tổ tiên cho nên tất cả mọi gia đình đều có sửa lễ để báo hiếu ông bà cha mẹ là đúng. Nhưng nhiều gia đình từ chỗ tín ngưỡng đi vào mê tín, sắm sửa rất nhiều vàng mã để đốt cho người chết, rất tốn kém. Như vậy là không nên. Đó không phải là tinh thần của đạo Phật.
H: Với các nhà sư, công việc trong ngày Vu Lan là gì?
Đ: Đó là ngày của chư phật hoan hỉ, chư tăng tự tứ. Hằng năm, các sư có 3 tháng an cư về mùa hạ (ở yên một chỗ) từ ngày 16/4 đến ngày 16/7. Trong 3 tháng đó các sư phải tụ tập, tụng kinh cho quốc thái dân an. Cầu nguyện cho các anh hùng liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh, gia tiên các họ được giải thoát. Đặc biệt trong 3 ngày, từ 11 - 13/7 các sư tụng kinh lễ niệm cả ngày cũng vì mục đích trên. Đến ngày Rằm tháng Bảy thì các sư làm lễ Tự Tứ (Tán Hạ).
Ngày Vu Lan còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. Các chư tăng chú nguyện cho những linh hồn tội lỗi, lầm lạc, tạo những điều kiện thuận lợi cho chúng sinh phát khởi thiện tâm của chính mình. Ngày lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân có thể được coi là ngày tình thương Việt Nam vì con người, vì cuộc sống hiền hòa, an lạc, tiến bộ cho nhân loại.
H: Là người trụ trì chùa Quán sứ, Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Hoà thượng mong muốn điều gì cho lễ Vu Lan năm nay?
Đ: Tôi mong muốn mọi người hiểu rõ nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan, phải sống đúng tinh thần nhân đạo của ngày này, nếu ai còn cha, còn mẹ, nếu ở xa chúng ta hãy trở về thăm bố mẹ. Hãy chung tay, góp sức giúp đỡ những trẻ em nghèo, những người già không nơi nương tựa. Tấm lòng thành kính với người đã khuất rất quý báu, nhưng hãy làm những điều thật thiết thực đối với những người thân, những người kém may mắn xung quanh mình khi họ còn sống.
Xin cảm ơn Hoà thượng!
Thu Hà
Theo Giadinh.net