Ngày ấy, chị đi lấy chồng khi học năm cuối của trường sư phạm. Chồng chị là người cùng quê, đã thoát ly ra thành phố và công tác ở gần trường của chị. Anh không đẹp trai, nhưng được cái yêu chị và chịu khó làm việc. Đàn ông thì như thế là đủ, chị cũng chẳng mong gì hơn.
Khi đứa con đầu lòng đầy tuổi thì chị chính thức được nhận vào dạy học tại một trường phổ thông. Có thể nói rằng đó là những tháng ngày sống có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chị và đôi lúc chị đã tưởng rằng cuộc sống rồi sẽ cứ thế trôi đi êm ả như một dòng sông hiền hòa. Thế mà...
Bước ngoặt lớn nhất xảy ra với gia đình chị, đó là lúc ông giám đốc của cơ quan chồng bị chết đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Chồng chị khi ấy đang là cấp phó, nghiễm nhiên được thế chân vào cái ghế trống ấy. Vậy là trong một chốc mà cuộc sống của gia đình chị đã thay đổi hoàn toàn. Bắt đầu là những cái nhỏ nhặt như quần áo, vật dụng gia đình... Tiếp đến là xe cộ, nhà cửa và thậm chí cả lối sống.
Được sự gợi ý của chồng, chị viết đơn xin được nghỉ dạy học với một lý do hết sức ngộ nghĩnh là: Sức khỏe yếu! Cho đến bây giờ, nhiều khi nghĩ lại chị cũng không lý giải nổi tại sao lúc ấy chị lại suy nghĩ đơn giản như vậy. Khi ấy, chị chỉ biết những tập tiền mà chồng chị mang về nhiều gấp vài chục lần đồng lương giáo viên còm cõi. Thế là chị nghỉ.
Ai ngờ, chỉ 2 năm sau, chồng chị vào tù, tài sản bị kê biên. Chị phải lăn lộn ra chợ phơi mặt buôn bán kiếm tiền cho con ăn học và thăm nuôi chồng. Nhưng rồi, chị vẫn không sao giấu được nỗi hổ thẹn và nụ cười gượng gạo mỗi khi gặp lại phụ huynh của học sinh cũ. Những câu hỏi xã giao thăm hỏi về sức khỏe của họ như những lưỡi gao găm vào lòng chị. Giá chị không bị choáng ngợp trước đồng tiền, giá chị có một chút ít lòng yêu nghề, giá chị không xin nghỉ dạy với lý do hết sức ngớ ngẩn là sức khỏe yếu, thì có lẽ bây giờ chị đã không phải dở khóc, dở cười khi gặp lại những người cũ này.