Tình yêu chân tình từ cô gái miền sơn cước
Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nơi cô gái Lê Thị Trang (SN 1987, ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang ngày đêm chăm sóc người chồng bại liệt vì tai nạn giao thông (TNGT).
Đã ba năm trôi qua, chị Trang vẫn miệt mài tập vật lý trị liệu cho chồng, hy vọng ngày nào đó "ảnh lại khỏe mạnh như xưa". Từng giọt mồ hôi rơi trên má, những cử chỉ âu yếm ngọt ngào, hai đôi mắt nhìn nhau trong niềm hạnh phúc.
Trang sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở miền sơn cước Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Ở cái tuổi bạn bè cùng trang lứa tới trường, Trang đành nghỉ học để phụ giúp bố mẹ già chuyện đồng áng và nhường phần tới trường cho các em thơ.
Năm 16 tuổi, Trang xin bố mẹ ra Đà Nẵng làm công nhân trong một công ty dệt may để có tiền phụ giúp bố mẹ. Với những đồng tiền ít ỏi của công nhân, Trang tằn tiện, tích góp từng đồng tiền nhỏ nhặt. Cứ 3 tháng, Trang lại gửi về cho bố mẹ một khoản tiền dư sau bao ngày chắt góp. Trang sở hữu một khuôn mặt khá xinh, hiền hậu, thật thà dễ mến. Nhiều chàng trai muốn ngỏ lời yêu nhưng cô gái chưa một chút nghĩ ngợi cho hạnh phúc riêng.
Tuy nhiên, trong một lần đi làm về, Trang bất ngờ gặp một chàng trai trẻ tên Phan Châu (SN 1990, ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Ngay cái nhìn đầu tiên, Trang có cảm tình với chàng trai này. Trang chia sẻ: "Anh Châu được sinh ra bởi người mẹ mù lòa, không người thân thích. Hai mẹ con sinh sống trong vòng tay của những người hàng xóm tốt bụng. Hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe mẹ ngày càng sa sút, học hết lớp 9 thì anh nghỉ học. 15 tuổi, anh một mình xuống phố làm đủ mọi nghề từ rửa chén bát nhà hàng, chạy bàn, rồi phụ hồ trong các công trình xây dựng. Số tiền anh làm của chỉ đủ mẹ con rau cháo qua ngày".
Sau nhiều lần tiếp xúc, chia sẻ với nhau những nỗi vui buồn trong cuộc sống, hai người trở nên thân thiết. Tình yêu của họ nảy nở từ sự chia sẻ và cả sự đồng điệu của hai tâm hồn.
Trang tâm sự: "Em có cảm tình với anh, vì thấy anh hiền lành, ăn cục nói hòn và rất thương mẹ. Nhưng khi đó tụi em chỉ yêu nhau thế thôi chứ bọn em cũng chưa tính đến chuyện tương lai, vì cả hai gia đình đều khó khăn. Em muốn giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học, còn anh Châu cũng muốn kiếm tiền để cho mẹ đỡ khổ".
Nhưng tình yêu mới nhen nhóm chưa đầy bốn tháng, sau ngày Trang nhận lời yêu thì tai nạn ập đến với Châu trong một buổi chiều đi làm về.
Anh bị hôn mê, bất tỉnh, khó qua khỏi. Trang chia sẻ: "Khi nghe tin anh bị tai nạn, em nghe như sét đánh bên tai, bỏ dở công việc tại xưởng may, chạy đến bệnh viện nơi anh Châu đang được cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết anh Châu chấn thương cột sống, dập tủy, sự sống là mong manh".
Khi nghe tin, người mẹ mù của anh Châu khụy xuống, ngất lịm đi, Trang cố nén nỗi đau để cầu xin bác sĩ còn nước còn tát cứu giúp người yêu. Người mẹ mù lòa tội nghiệp đi khắp nơi, vay mượn tiền, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người để cứu sự sống cho đứa con trai. Với số tiền dành dụm sau mấy năm làm công nhân ở xưởng may, Trang cũng dồn hết để cứu người yêu.
Từ hôm đó, Trang cũng xin nghỉ việc tại xưởng may để dành thời gian thay người mẹ mù chăm sóc Châu tại bệnh viện. Suốt 22 ngày đêm, anh Châu nằm bất tỉnh tại khoa cấp cứu, Trang luôn túc trực ở bên anh và cầu nguyện cho anh qua khỏi cơn thập tử nhất sinh.
"Mỗi lần như thế em đặt tay anh Châu vào lòng mình. Em hy vọng anh nghe lời cầu nguyện của em để nhanh chóng khỏe lại" - Trang kể. Nằm bất động trên giường bệnh suốt thời gian dài, sự sống của Châu như chỉ mành chỉ treo chuông. Nhưng như phép nhiệm màu, sự níu kéo tha thiết của hai người phụ nữ thân yêu và anh Châu dần tỉnh lại.
Ngày Châu tỉnh lại trong sự vỡ òa vui sướng của hai người phụ nữ. Trang và mẹ Châu chỉ biết ôm nhau khóc mà không nói nên lời. Sau bao ngày lo lắng hy vọng, cuối cùng lời nguyện cầu của họ cũng được đền đáp.
Những ngày điều trị tại bệnh viện, chi phí phẫu thuật và thuốc men tốn hàng chục triệu đồng. Thấy sức khỏe anh Châu tiến triển tốt, nhưng tứ chi vẫn bất động, Trang chuyển Châu qua bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng TP Đà Nẵng để tập các bài vật lý trị triệu. Sau đó, vì nhà nghèo, chi phí ở bệnh viện tốn kiếm nên chị xin chuyển anh Châu về nhà tự tập vật lý trị liệu cho anh.
Tình yêu vượt qua nghịch cảnh
Trang không quản ngày đêm chăm sóc cho người yêu. Cô gạt đi mọi lợi ích của bản thân, hy sinh tương lai của người con gái, làm chỗ dựa cho người mẹ mù lòa và người con bị liệt. Trang tâm sự: "Em thấy mẹ con họ neo người quá, em không đành lòng bỏ mặc mẹ con anh ấy".
Nhiều lúc trái gió trở trời, vết thương nhức nhối, anh Châu chỉ muốn chết đi để cho người mẹ đỡ khổ và giải phóng cho người yêu. Mỗi lần như thế Trang lại an ủi, vỗ về anh Châu: "Anh cứ sống được ngày nào hay ngày đó, mẹ và em sẽ không bỏ mặc anh đâu, anh sống là hạnh phúc nhất đối với cả mẹ và em".
Suốt hai năm ròng, hình ảnh một cô gái trẻ hàng ngày miệt mài tập vật lý trị liệu cho chồng dường như đã quá đỗi thân quen với những người hàng xóm. Họ thầm cảm phục hai người trẻ, chỉ có tình yêu và nghị lực phi thường mới giúp hai người nương tựa vào nhau, chiến đấu với tật nguyền, vượt lên số phận.
Cứ nghe ở đâu có vị thuốc tốt, Trang không quản ngại khó khăn, vượt hàng trăm cây số để lấy về chữa trị cho anh Châu. Khoảng thời gian ở bên anh Châu, Trang không dám nói với mẹ ruột ở quê là mình đã nghỉ làm công nhân, để chăm sóc người yêu bị tai nạn. Vì cô sợ mẹ mình phải buồn lo, nghĩ ngợi.
Sau này biết chuyện, lúc đầu mẹ Trang không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bà sợ con gái mình sẽ phải chịu thiệt thòi. Vượt qua bao rào cản và những lời dị nghị, 10/6/2012, đám cưới Trang và Châu diễn ra trong ngôi nhà nhỏ cuối xóm nghèo.
Đám cưới đơn sơ, chỉ có vẻn vẹn có ba mâm cơm, không hình cưới, không họ hàng, bạn bè cũng không. Chú rể chỉn chu trong bộ áo sơ mi trắng ngồi trên chiếc xe lăn, Trang bẽn lẽn trong bộ áo trắng, quần Jean giản dị, trong sự chứng kiến của hai người mẹ, cùng đàn em nhỏ.
Đám cưới đơn sơ vậy, nhưng là ngày hạnh phúc nhất của Trang và anh Châu. Vượt qua bao sóng gió, thử thách để đi đến bến bờ. Hôm đó, hai người phụ nữ lớn tuổi chỉ biết lặng lẽ, gạt đi nước mắt mà cầu phúc cho đôi trẻ.
Mẹ Trang thấy được tình cảm cao đẹp mà con gái dành cho Châu, dẫu rằng trong thâm tâm bà xót xa cho cô con gái. Còn người mẹ mù lòa, cả một đời khổ cực, chỉ biết bật khóc sau khi Trang quyết định lấy đứa con trai tội nghiệp của mình làm chồng. "Con Trang trời ban cho nhà tui đó, không có con Trang chắc thằng Châu đã chết lâu rồi" - bà lần mò đôi tay già nua, ôm Trang vào lòng mà khóc.
Hàng ngày, Trang muốn như ngày dài ra để mình có thể làm hết mọi công việc. Từ sáng sớm những người hàng xóm đã thấy Trang chở mẹ chồng đến trung tâm Hội người mù quận Liên Chiểu trên con đường gồ ghề, sỏi đá. Và cũng trên con đường đó, đến 11h đêm Trang lại chở mẹ về.
Trong một ngày, một tay Trang làm việc tất bật chăm lo cho chồng, rồi đi phụ quán cơm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Những ngày trái gió, trở trời, mình và các khớp xương lại hành hạ Châu, Trang thức cả đêm, ngồi bên xoa bóp cho chồng.
Chia tay Trang, chúng tôi thầm khâm phục cô gái trẻ, chỉ có tình yêu đến từ người phụ nữ nhân hậu, giàu tình yêu thương mới có thể trở thành đôi mắt cho người mẹ chồng mù lòa, đôi chân cho người chồng khuyết tật.