Người con trai trong mối tình "đứt gánh" đó chính là Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu. Con người nặng nợ duyên tình luôn coi tình yêu là chính, sự nghiệp chẳng qua chỉ là bước đệm trên con đường chinh phục người đẹp. Chính người con trai trưởng của Tản Đà, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cũng phải thừa nhận: “Tản Đà đã sống hết mình cho tình yêu không lụy phong tục lễ giáo”.
Tản Đà vốn là người tài hoa nhưng cũng đào hoa không kém. Ngay từ năm 19 tuổi, ông đã yêu say mê và chịu đau khổ với mối tình đầu của mình. Ở cái tuổi mộng mơ và đầy khao khát ấy, chàng trai đất Ba Vì đã say mê một hình bóng giai nhân.
Sau khi cha mất sớm, mẹ bỏ đi theo nghiệp xướng ca, Tản Đà nương náu vào người anh cùng cha khác mẹ là phó bảng Nguyễn Tái Tích. Năm 1905, Tản Đà theo anh về Hà Nội, ở trọ phố Hàng Nón.
Ngày nào cũng vậy, trên đường đi học, chàng thư sinh họ Nguyễn đều đi qua phố Hàng Bồ và vô tình nhìn thấy người con gái xinh đẹp ngồi bán sách trên con phố này. Thành ra, con đường từ nhà đến trường đã trở thành con đuờng hoa mộng với thi sĩ. Nó là con đường tình yêu mà mỗi lần đi qua, tất cả tâm hồn Tản Đà đều để cả vào gian hàng sách.
Nói về người phụ nữ đã hớp hồn chàng trai này, người ta miêu tả đó là một giai nhân mày ngài mắt phượng, khiến tâm hồn thi nhân điên đảo ngày đêm. Trong mắt chàng thanh niên mộng mơ lúc đó, ngôi nhà của giai nhân đã trở thành một thiên đường diễm ảo cho kẻ si tình.
Và cứ thế, phần vì nhiệm vụ đi học, nhưng cái lớn lao hơn đã thúc đẩy Tản Đà đi qua lối đó chính là người phụ nữ bán hàng sách kia.
Rồi cái sự si tình của chàng trai rụt rè đã mang lại nghị lực để Tản Đà bước vào hàng sách, giả hỏi mua cây bút, thỏi mực hay vài thếp giấy hoa tiên với mục đích được nhìn vào đôi mắt giai nhân và đón nhận một nụ cười từ nàng.
Hình bóng của người thiếu nữ Hàng Bồ này còn in dấu cả trong văn thơ của thi sĩ: "Không biết có phải là tuyệt sắc hay không, mà tự con mắt mình khi bấy giờ thời như ngoài người ấy không có ai là con gái".
Chân dung thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Ảnh: Internet).
Thiếu nữ đó là ai mà chàng thư sinh kia lại si mê đến thế?
Nàng là Đỗ Thị Thăng - con gái đầu lòng của nhân sĩ lừng danh Hà Thành thời bấy giờ tên Đỗ Thận.
Nếu như tình yêu cuồng si của Tản Đà đã khiến ông mụ mị không còn nhận ra nàng đẹp như thế nào thì người đời miêu tả rằng, đó là cô gái có khuôn mặt trái xoan, da trắng, tóc dài, người nhỏ nhắn, xinh tươi, yêu kiều ngoan ngoãn, lại ăn nói dịu dàng, lễ phép. Không chỉ xinh đẹp, nàng còn sinh ra trong một gia đình gia giáo, biết đọc chữ nho, chữ quốc ngữ - điều hiếm thấy ở con gái thời bấy giờ.
Yêu người đẹp, Tản Đà ngày đêm mơ ước được kết tóc xe tơ với nàng. Tuy nhiên, khi vừa thưa chuyện với người anh Nguyễn Tái Tích thì chuyện tình này đã bị phản đối gay gắt. Lý do chính khiến ông phó bảng phản đối là vì gia thế nghèo, lấy đâu ra song mã mà cưới được con quan viên Hà Nội.
Mặt khác, ông Nguyễn Tái Tích lại tự tôn vì gia đình trâm anh thế phiệt, đời đời khoa bảng nên không muốn kết giao với phú thương.
Tuy nhiên, vì quá say mê người đẹp, Tản Đà đã làm trái ý anh trai. Ông nhờ đến một người bạn lo việc mối mai và đã được nhà gái đồng ý.
Chí tiến thủ cùng mộng giai nhân thôi thúc, năm 1912, Tản Đà quyết tâm về thành Nam tham gia khoa thi Nhâm Tý với niềm hy vọng tràn trề sẽ lấy được tấm bằng cử nhân để đến cưới thiếu nữ họ Đỗ. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, năm đó, Nguyễn Khắc Hiếu thi hỏng.
Tản Đà trở về Hà Nội mong gặp giai nhân cho bớt u sầu. Nhưng cay đắng thay, vừa khi đi qua phố Hàng Bồ thì ông nghe tiếng pháo nổ rền vang trong ngày vu quy tại chính nhà người yêu. Quá ngỡ ngàng, Tản Đà tìm người hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện thì biết Đỗ Thị sắp bước lên xe song mã về làm dâu nhà một quan huyện.
Ông rơi vào tột cùng đau đớn khi cùng lúc gặp hai thất bại lớn cả trong sự nghiệp và tình duyên.
Nỗi buồn đau khi chứng kiến người tình đi lấy chồng mãi không nguôi ngoai, đến mức Tản Đà bỏ cả ăn uống, sống một cách điên cuồng, buông thả và hành hạ bản thân. Ông bỏ đi lang thang khắp nơi.
Rồi khi chán nản, ông bỏ về Hòa Bình những mong sẽ quên lãng được mối tình tan vỡ. Sau đó, Tản Đà về ở Sơn Tây nhưng vẫn chưa thoát khỏi tâm trạng chán nản cực độ. Ông từng có ý định tu tiên để thoát khỏi cõi trần tục. Bản thân ông cũng thừa nhận lúc này mình đang rơi vào sự khủng hoảng tinh thần.
Trong lúc hoảng loạn về tâm lý, ông sinh ra oán trách mọi người xung quanh. Trước là trách ông phó bảng Nguyễn Tái Tích đã lạnh lùng khiến nhà gái tức giận, sau là trách Đỗ Thị phụ bạc, tham danh lợi mà bỏ quên người cũ. Nhưng sự thật là trước khi đi thi, gia đình Đỗ Thị đã ra điều kiện Tản Đà phải đỗ cử nhân, ra tri huyện họ mới gả con gái cho.
Thậm chí, ông còn nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kỵ với người chồng của Đỗ Thị. Ông mãi ôm những kỷ niệm về người yêu với lòng chung tình và buồn bã. Mối tình đầu đầy si mê này đã in dấu trong nhiều vần thơ tình day dứt lòng người của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Gần 10 năm sau, năm 1917, khi viết tác phẩm “Giấc mộng con”, thi sĩ còn bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi 7 giờ tối, Hiếu đi học qua, thường thấy dắt em bé chạy ra trước cửa. Tiếng guốc nhẹ khẽ chạy rền trên gạch lát, nghe lâu đã quen tai".
Ngoài giai nhân Hàng Bồ, theo ông Nguyễn Khắc Xương, còn ít nhất ba mối tình thực nữa mà Tản Đà đã ghi lại trong thơ. Đó là mối tình với cô con gái út tri phủ Vĩnh Tường, cô nữ sinh 13 tuổi ở Nam Định, và cô đào Liên - người sắm vai Tây Thi trong vở kịch "Cô Tô tàn phá" do ông soạn giả kiêm đạo diễn.
Nghe những câu chuyện trên, người ta tin Tản Đà không nói ngoa khi ông nhận mình là "giống đa tình". Và cũng phải thừa nhận thêm rằng, đó còn là chàng trai quá chung tình.
Hé lộ mối tình đầu câm lặng của Hàn Mặc Tử