Những điều hiếm thấy của quý bà Hoàng gia này được dân chúng Nhật Bản ai ai cũng ngưỡng mộ. Người phụ nữ đặc biệt và hiếm có ấy chính là Hoàng hậu Nhật Bản Michiko, 80 tuổi.
Từ dân thường trở thành hoàng hậu và cuộc sống nhiều lễ nghi nơi hoàng cung
Sinh ra tại Toyo, Michiko là con gái cả của Shōda Hidesaburo - Chủ tịch danh dự của Công ty Xay bột Nisshin. Tuy bà là tiểu thư đài các của một nhà tư bản giàu có, nhưng bà chỉ có thân phận thường dân.
Hoàng hậu Michiko khi chưa kết hôn
Năm 23 tuổi, Michiko bất ngờ gặp Hoàng thái tử Akihito tại một sân quần vợt được tổ chức ở một khu nghỉ mát mùa hè sang trọng. Cuộc gặp gỡ này khiến Hoàng thái tử Akihito không thể rời mắt khỏi cô gái trẻ trung, duyên dáng, tao nhã và một tâm hồn đầy nghị lực này.
2 năm sau đó (1959), Thái tử đã bỏ qua nhiều cô gái thuộc tầng lớp danh giá quý tộc khác để quyết định chọn Michiko trở thành người bạn trăm năm của mình. Một đám cưới vương giả của 2 người đã diễn ra. Và đám cưới khác biệt tầng lớp này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong xã hội Nhật bấy giờ.
Hoàng thái tử Akihito không thể rời mắt khỏi cô gái trẻ trung, duyên dáng, tao nhã và một tâm hồn đầy nghị lực này.
Là một cô gái thường dân, nên sau khi kết hôn, Michiko đã phải điều chỉnh cuộc sống theo nếp vương giả. Nhưng người phụ nữ này vẫn giữ những thói quen khi còn là dân thường. Là công nương, Michiko đã rất vất vả để theo kịp những quy định khó khăn của hoàng gia cũng như đối phó với vô vàn thành kiến của giới quý tộc.
Hai vợ chồng hoàng hậu Michiko trong chuyến viếng thăm Paris
Đặc biệt, cô dâu mới này không ít lần khổ sở với Hoàng hậu Nagako - mẹ của Thái tử Akihito. Bà là một nhân vật điển hình của tầng lớp quý tộc xưa cũ, luôn đánh giá thấp nàng công nương xuất thân từ dân thường. Không những thế, các thầy tu đạo Shinto đầy quyền lực luôn chỉ trích việc gia đình Michiko theo đạo Công giáo và việc bản thân công nương được giáo dục trong trường Công giáo. Thậm chí, những người trông nom hoàng gia cũng đối xử với Michiko hết sức khắt khe và nhiều lần quở trách bà.
Thậm chí, cuộc sống của công nương Michiko còn gặp nhiều khó khăn hơn khi chồng bà - ông Akihito chính thức lên ngôi Nhật hoàng vào năm 1989. Khi ấy bà chính thức trở thành Hoàng hậu Nhật Bản và đã phải đánh đổi với sự tự do của chính mình.
Khi ấy, cuộc sống trong hoàng cung với bao nhiêu quy định khắt khe đặt ra từ bao thế hệ mà một vị hoàng hậu không thể làm khác. Chẳng hạn, muốn có một chuyến đi đến Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày; trong bất kỳ lần xuất hiện chính thức nào trước công chúng, bà cũng phải đi sau chồng... ba bước. Hoàng hậu phải thay kimono ba lần mỗi ngày… Bà không có tiền riêng, thậm chí ngay cả việc gọi một cú điện thoại cho người thân hoặc bạn bè cũ, Hoàng hậu Michiko cũng phải xin phép.
Nhiều người cứ ngỡ, hoàng hậu của một đất nước giàu có nhất nhì thế giới sẽ phải sung sướng lắm nhưng với quý bà này, cuộc sống hoàng gia luôn không phải màu hồng.
Thổ lộ về nỗi lòng thời gian đầu làm dâu hoàng tộc, Hoàng hậu Michiko đã nói trong một cuộc họp báo rằng bà luôn cảm thấy buồn bã và lo lắng vì sợ không bắt kịp được cuộc sống mới, sợ không thỏa mãn được kỳ vọng của những người chung quanh. Sức ép nặng nề trên càng không hề giảm bớt với bà khi chồng bà lên ngôi vua vào năm 1989.
Người hoàng hậu vẫn tự tay nuôi dạy các con mà không cần người hầu
Dù sống cuộc sống vương giả trong hậu cung của một mẫu nghi thiên hạ, nhưng bà mẹ 3 con này vẫn luôn muốn tự tay nuôi dạy các con mình khôn lớn. Hàng ngày, là một phụ nữ đầy quyền lực nhưng Michiko vẫn tự tay chuẩn bị những bữa ăn cho 3 con của mình mà không cần phải nhờ cậy đến những người hầu đặc biệt của Hoàng gia.
Nhiều người trong hoàng gia để kể lại rằng, vì không muốn 3 con yêu của mình lớn lên trong vòng tay của cung nữ và người hầu cận như chồng mình trước đây, công nương Michiko đã tự tay làm cơm trưa và cẩn thận gói cho các con mang đến trường.
Đây là điều trước nay chưa hề có ở một vị hoàng hậu Hoàng gia trước đó. Chính vì điều này, nhiều người trong hoàng gia đã xem đó là điều bất thường. Và với cương vị một người con dâu "lạc loài" như vậy, bà đã nhiều lần bị Hoàng thái hậu mắng. Song trước những lời la rầy của "bề trên", Hoàng hậu Michiko vẫn nhẫn nhịn im lặng và tiếp tục nuôi dạy các con theo cách của mình.
Bằng lòng kiên trì, hoàng hậu đã Michiko vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống làm vợ, làm dâu ở hoàng cung. Ngoài ra, cùng với chồng mình, bà luôn tạo ra hình ảnh một cặp vợ chồng bình dị, cùng nhảy với nhau, chơi đùa với con cái và ăn mặc hợp thời trang.
Hoàng hậu Michiko đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp toàn vẹn về cả nhan sắc lẫn trí tuệ, tâm hồn, đức độ.
Bên cạnh đó, bà cũng trở thành hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất vì đã cùng chồng viếng thăm dân chúng nhiều nơi nhất.
Tất cả những điều bình dị này đã khiến Michiko đã trở thành một Hoàng hậu được nhân dân Nhật Bản vô cùng yêu mến. Bà được coi là người đã thổi làn gió mới, làm mềm mại những nét cứng rắn, bảo thủ của một trong các hoàng tộc lâu đời nhất thế giới và đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp toàn vẹn về cả nhan sắc lẫn trí tuệ, tâm hồn, đức độ.