Những tình huống dở khóc, dở cười
Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn không phải vì có con mà vì thiếu thời gian dành cho nhau.
Có nhiều người cho rằng, sự ra đời của đứa con là nguyên nhân khiến quan hệ vợ chồng bị rạn nứt. Nhưng thực tế, qua các nghiên cứu thì lý do dẫn đến ly hôn không phải là vì đứa con, mà là vì họ thiếu thời gian dành cho nhau.
Đứa con ra đời đã khiến cho những khoảnh khắc riêng tư giữa hai người ngày càng ít đi. Khó khăn về kinh tế, thiếu sự chia sẻ, những áp lực cuộc sống làm cạn kiệt dần những “tài nguyên” có hạn của tình yêu. Cơ hội để hai người quan tâm đến nhau không còn, thì thậm chí họ không hiểu người kia cần gì nữa. Nhiều người cảm thấy có chồng có vợ cũng như không (!?). Rồi sau đó việc cãi vã, bạo hành, ngoại tình và bóng ma ly hôn xuất hiện.
Thực ra, đứa trẻ đâu có đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm đến nó 24/24 giờ mỗi ngày. Vì vậy, vợ chồng vẫn có thời gian dành cho con và vẫn có thời gian cho nhau nếu biết tổ chức cuộc sống một cách hợp lý.
Điều này không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ tái tạo những khả năng họ từng có trước đây, tức là làm lại cái họ đã từng làm lúc ban đầu: âu yếm vuốt ve, trò chuyện thân mật, vui chơi giải trí và quan hệ tình dục. Những nhu cầu này nhất thiết phải được đáp ứng trong hôn nhân nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng tình yêu trong quan hệ vợ chồng.
Nhưng làm sao họ có thể thoả mãn được nhau khi lúc nào đứa con nhỏ cũng quấn bên người? Và nhiều khi sự có mặt của đứa trẻ là một trở ngại.
Người ta ví mối quan hệ vợ chồng và con cái như ba đỉnh của một tam giác: vợ - chồng - con. Nhưng đó không phải là tam giác đều, mà quan hệ vợ chồng là đỉnh tam giác quyết định. Bởi vì nếu nó tan vỡ thì gia đình sẽ chia lìa và đó mới là nỗi bất hạnh lớn nhất của con cái.
Chuyện kể rằng, có một đôi vợ chồng muốn “yêu nhau”, nhưng chờ mãi mà đứa con 3 tuổi không chịu ngủ. Rồi khi thấy thấy con nằm im trong lòng mẹ, chồng ghé tai vợ thì thào: “Nó ngủ chưa?”. Nào ngờ đứa bé cũng thì thào: “Chưa bố ạ!”. Lát sau vợ chồng cũng ngủ nốt.
Lại có đôi khác để hai đứa con lên 4 và 8 tuổi ngủ chung giường. Bố mẹ đang say sưa làm “chuyện ấy” thì đột nhiên thằng bé ngồi nhỏm dậy nhìn bằng đôi mắt trợn tròn kinh ngạc. Người chồng quát khẽ con: “Nằm xuống ngủ đi”. Nhưng vì nó cứ ngồi nhìn nên anh ta nghiến răng: “Bảo có nghe không, bố tát cho cái giờ”. Bất ngờ có tiếng thằng lớn nói đế vào: “Bố tát cho nó cái... Cứ nằm xem cũng được còn phải ngồi dậy”. Cả hai vợ chồng ngượng đến nỗi từ đó không bao giờ dám làm chuyện ấy trước lúc nửa đêm.
Để tình yêu lấp đầy khoảng trống
Khi hai người lớn nói chuyện, có một đứa trẻ ở giữa, lúc nghịch cái này, lúc đòi cái nọ hoặc hỏi điều kia thì họ không thể nói được câu chuyện có chất lượng vì luôn bị phân tán và cắt ngang.
Những cử chỉ âu yếm của họ càng khó thực hiện vì đứa trẻ nhìn thấy làm cụt hứng. Vì thế sự giao tiếp giữa họ thường hời hợt, chỉ toàn những chuyện vụn vặt của cơm áo gạo tiền, thiếu chiều sâu, khó có thể đi vào những ngõ ngách tâm hồn của nhau, càng không thể đạt tới độ tinh tế những rung động của trái tim.
Và thế là giữa họ dần xuất hiện một khoảng trống, cái khoảng trống mà xưa kia luôn được lấp đầy bởi những lời thì thầm khẽ như hơi thở, những vòng tay mơn trớn vuốt ve như không muốn rời ra.
Các nhà khoa học Mỹ tính rằng, để một cuộc hôn nhân đằm thắm, thời gian vợ chồng dành riêng cho nhau ít nhất là 15 giờ mỗi tuần và rải đều trong tuần chứ không chỉ tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời gian ấy nhất thiết không được có trẻ con hay bạn bè.
Đó là chưa kể với những cuộc hôn nhân bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, thì thời gian hàn gắn còn phải nhiều hơn.
Theo Giadinh