“Chàng” hơn chị 18 tuổi, vốn là… thầy giáo của chị. Đang xưng hô giữ lễ “tôi” và “em”, chỉ sau gần một học kỳ hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, bỗng một ngày nọ thầy lúng túng tặng hoa cho trò (trong khi theo lẽ thường thì… ngược lại mới phải!). Sau hoa là sách, rồi đến vé xem phim. Ngồi sau xe thầy trên đường đến rạp chiếu phim, tim trò nhiều phen muốn rớt ra khỏi lồng ngực vì sợ bạn bè… phát hiện (!?). 

Khi chuyện tình thầy trò cứ như vết dầu loang, lan nhanh khắp cả khoa thì cũng là lúc ra trường. Bạn bè ghen tị, sướng nhé, chả phải lo xin việc, chẳng phải sợ về quê, đã có thầy lo hộ… Nhưng chị yêu thầy, chẳng phải vì mấy lí do ấy, mà đơn giản, chẳng vì lí do nào hết. Đến khi cưới cũng chẳng biết vì sao! Thầy – đã quen dẫn dắt kiến thức, nay dẫn dắt luôn tương lai cho trò. Còn trò – mới chỉ vừa hai mốt tuổi, vốn được giáo dục phải nghe lời cha mẹ và thầy cô, nay vẫn răm rắp nghe theo lời thầy một cách… vô điều kiện.

Cưới xong, thành vợ, nhiều khi vẫn cứ quen miệng, gọi chồng bằng “thầy”. Chuyện! “Nửa chữ cũng là thầy”, nữa là đây dạy cả năm học, lại thêm một tập luận văn, dễ gì mà tự nhiên thành… chồng (!?). Trò (là vợ) còn quen thêm nhiều “lệ” nữa, coi chồng cứ như… thầy, bất cứ chuyện gì, chỉ nghe kết luận từ chồng. Bạn bè thắc mắc, sao cứ nghe chồng răm rắp thì “phản biện” tắp lự: “Chồng nói đúng thì phải nghe chứ sao?”. Chồng (hình như) cũng đã quen làm thầy trên lớp, nay ở nhà vẫn giữ nguyên phong độ, nào giảng giải, lập luận, rồi tiện đà “hướng dẫn dư luận” luôn. Nhà chị lúc nào cũng thuận hòa, “trên kính dưới nhường”, khiến mấy đứa lấy chồng trẻ lần nào đến chơi cũng xuýt xoa ganh tị. 

Con thì hai gái, công việc thì chẳng kiếm được nhiều tiền, đã thế lại nghỉ việc gần chục năm chỉ ở nhà chăm con, chồng nuôi. Ấy thế mà chồng chẳng kêu ca một lời! Hễ nhắc đến con rể, là mẹ chị lại tỏ ra thành kính (chả gì thì rể cũng chỉ kém mẹ vợ có… nửa con giáp): “Dễ gì mà kiếm được người chồng hiểu biết, tốt tính như thế. Cố mà vun vén vào con ạ!”.

Có phúc lấy được chồng già 1
Trẻ nữa cũng chẳng thể làm gì được, khi còn hai cô con gái và cả một người chồng chẳng có nhiều cớ để mà ghét bỏ.

Vun vén mãi, thì cũng đến lúc con cái lớn khôn, cũng phải có việc làm cho khỏi thấy mình thừa thãi. Chị lại tiếp tục đi làm trong ánh mắt nhìn đầy vẻ… bất an của chồng. 

Chồng khi ấy đã vừa tròn… “ngũ thập tri thiên mệnh”! Còn chị, mới ba mươi hai. Chẳng quen vất vả, chẳng phải toan tính (đã có chồng lo hộ), sẵn bản tính hồn nhiên vô lo. Thế nên ra ngoài, nhiều người cứ tưởng… chưa chồng. Ai săn đón, ai vồ vập, tuy ở nhà mà chồng biết cả. Hễ cứ tin nhắn là chồng lại lộ rõ bồn chồn, hễ nghe điện thoại là chồng lại tỏ vẻ quan tâm. Hóa ra, chồng cắm “chân rết” khắp nơi quanh vợ, rặt những học trò cũ mẫn cán, tỏ rõ nhiệt tình “tay trong” ngầm cảm ơn thầy ngày xưa cho em điểm…

 Rồi một ngày, chị bỗng thấy tù túng, bỗng muốn… phá cách. Vì thấy chẳng có lý do gì để chị phải cố làm mình già đi, cho vừa vặn với… chồng. Chị vừa từ tiệm cắt tóc về, chồng đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi… khó chịu ra mặt. Tối, chồng cằn nhằn: “Em cắt tóc trông như trẻ con ấy. Là mẹ trẻ con rồi, nghĩ gì mà để kiểu đầu kỳ cục!”. Rồi chừng như bức xúc dồn nén, chồng bồi thêm: “Mà em chọn màu sắc cũng rất có vấn đề, sao lại có thể mặc cái quần đỏ chót cứ như để dụ bò tót ấy ra đường được nhỉ?”

Cơn giận bùng lên nhưng chị cố kìm lại được. Thao thức cả đêm, nghĩ cách tháo dần cái vòng kim cô tự xiết vào đầu mình (và từng thỏa mãn khi làm thế). Chẳng lẽ đã ngoài ba mươi tuổi, mà chị vẫn chưa đủ trưởng thành để được quyền tự quyết định kiểu tóc hay phong cách thời trang của riêng mình?

Chiến dịch làm đẹp với tiêu chí “trẻ, trẻ nữa, trẻ mãi” bùng lên một thông điệp ẩn chứa mầm khiêu chiến của cô vợ trẻ chưa từng một lần làm trái lời chồng đã khiến nhà chị giống như vừa có một cơn lốc quét qua. Chồng từ chỗ cáu bẳn, bực bội đã chuyển thành lo lắng, buồn bã. Bạn chị đến chơi thì thào, trông ông xã cậu dạo này “tan hoang” quá…

 Mải mê đi tìm “chính kiến”, chị chả kịp nhận ra, chồng đã thôi không còn nhìn vợ âu lo, ngừng tỉ tê với mẹ vợ, hết tâm tình với bạn vợ và chẳng thèm thủ thỉ với con gái. Mỗi khi thấy chị bày tỏ quá đà, chồng chỉ im lặng đầy độ lượng. Nhìn vợ ăn diện se sua, ánh mắt của chồng ánh lên vẻ bao dung, tuồng như chồng đang nheo mắt: “Để xem bao giờ thì em chán!”

Rồi chị chán thật! Vì dù có cố mấy, ở nhà chị vẫn cứ… trẻ hơn chồng (chừng 18 tuổi) nhưng ra đường vẫn chỉ là đàn bà ba mươi. Trẻ nữa cũng chẳng thể làm gì được, khi còn hai cô con gái và cả một người chồng chẳng có nhiều cớ để mà ghét bỏ.

Đứa bạn thân cười rúc rích, thế giờ cho làm lại thì có lấy “chồng già” nữa không? Chị nghĩ mãi vẫn không ra, thế lấy chồng trẻ thì mình được thêm gì?