"Em về ngay, anh không sống được nữa rồi!"

18 năm gắn bó bên nhau và có với nhau 3 người con, một ngày, khi đang trên đường chạy chợ mưu sinh, chị Ngô Thị Sâm (38 tuổi, Từ Sơn - Bắc Ninh) đã nhận được thông báo sét đánh từ chồng "Em về ngay, anh không sống được nữa rồi!". Cũng như biết bao cặp đôi khác, chị Sâm và anh Hồng - chồng chị đến với nhau vì tình yêu. Cuộc hôn nhân của họ cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng ngay cả khi khó khăn vật chất, anh chị vẫn động viên nhau cùng cố gắng. Thế rồi chị đã phải đối mặt cú sốc tinh thần lớn khi chồng đột ngột ra đi. 

Sau cuộc điện thoại của chồng, chị lao như bay về nhà nhưng tất cả đã muộn: “Mình thấy chân tay anh run bần bật, miệng ú ớ và dường như mắt anh không thể nhìn thấy được. Mình chỉ biết lao tới ôm chặt chồng và kêu khóc. Mình bảo các con gọi ông bà và các em chồng ra giúp đỡ đưa chồng đi viện. Song tất cả đã chậm khi đưa được đến viện. Các bác sỹ bảo nhà mình đưa anh về lo hậu sự. Bởi căn bệnh tai biến làm áp huyết tăng cao đột ngột khiến anh bị đứt mạch máu não. Cứ thế, anh trút hơi thở cuối cùng”. 

Sự ra đi của anh, quá bất ngờ với chị và tất cả mọi thành viên trong gia đình. Anh không kịp nhắn nhủ điều gì với chị cả. Khi chị chưa về nhà, anh chỉ kịp nhắn nhủ vài lời với cô con gái lớn: “Bố sắp chết rồi! Con phải biết thương mẹ, bảo các em học tập và phải thi đỗ vào Đại học”. 

Cú sốc mất chồng và nghị lực phi thường của những người vợ  1
Chị Sâm và 3 con gái.

Sau ngày anh mất: “Suốt cả tháng đầu tiên, 4 mẹ con mình thường mất ngủ. Mình không sao quen được nhà cửa đang có bóng dáng chồng thì giờ trở nên lạnh lẽo, tràn ngập mùi hương khói lan tỏa cùng tiếng cầu kinh của nhà Phật. Nhiều đêm nằm, nhìn 3 đứa con thơ ngủ, mình thấy sợ khi nghĩ về tương lai".

Cũng kể từ đó, cuộc sống của 4 mẹ con bắt đầu bước vào những ngày thực sự vất vả. Trước kia, có chồng giúp đỡ, chị dám làm ăn lớn, mua tận gốc, bạn tận ngọn nên có của ăn của để. Anh mất đi, chị không dám mạo hiểm nữa, chỉ mong đủ ăn cho bốn mẹ con. Nhờ sự yêu thương và giúp đỡ của nhà chồng, chị yên tâm chạy chợ nuôi các con ăn học, trả hết nợ nần. 

Hơn 4 năm sau ngày đối mặt với cú sốc mất chồng, người phụ nữ 38 tuổi này dần dần đã bình tâm trở lại. Nhìn về tương lai, thật lòng chị vẫn không biết có lo đủ cho các con cuộc sống yên ấm hay không, nhưng hiện tại, chị cũng được an ủi phần nào khi nhìn các con đang khôn lớn dần. Chị chỉ có một mong ước lớn lao đó là đủ sức khỏe để kiếm tiền nuôi con và cuộc sống của 4 mẹ con sẽ không phải đối mặt với thêm một biến cố nào nữa.

Người vợ trẻ đột ngột mất chồng khi con mới được 4 tháng tuổi

Đó là hoàn cảnh trái ngang của chị Phan Thị Chung (Nghĩa Đàn - Nghệ An). Ngày định mệnh đến với cuộc đời chị đúng 1 năm 1 tháng 11 ngày sau ngày cưới. Khi ấy, con chị mới được 4,5 tháng tuổi thì chồng chị đã vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn giao thông bất ngờ. Người vợ trẻ nhớ lại ngày đáng sợ đã đến với cuộc đời khi chị và con trai bé nhỏ đang ở ngoại. Đêm hôm ấy, anh gọi điện thông báo với chị anh đi sinh nhật bạn. Chị và con đi ngủ mà không đợi điện thoại chồng chúc ngủ ngon như mọi khi. Đến lúc chị ở trong phòng nghe tiếng dép của mẹ chị, cứ ngỡ trời sắp sáng, chị còn bảo với con "Hôm nay bố hư quá, về mà không thèm gọi điện chúc mẹ con mình ngủ ngon". Mẹ chị vào, bảo chị thu dọn đồ đạc của hai mẹ con rồi về dưới nhà nội, chị gặng hỏi mãi sao lại về giữa đêm hôm thế, mẹ chị mới nói thật "Chồng con bị tai nạn". 

Đến nhà chồng, mọi người vẫn chưa nói sự thật cho chị Chung biết, chỉ nhắc chị cho con bú rồi mọi người đưa đến chỗ chồng. Mãi sau hỏi thì mẹ chồng không nói chỉ khóc, chị mới ngờ ngợ có chuyện chẳng lành đã xảy ra với anh rồi, chị đau tưởng như chết đi được, trời đất như sụp đổ dưới chân chị. 

Cú sốc mất chồng và nghị lực phi thường của những người vợ  2
Chị Phan Thị Chung bên con trai.

Có một điều khiến chị hết sức bất ngờ đó là suốt những năm tháng yêu và lấy nhau, vợ chồng chị luôn lo sợ một ngày sẽ phải đối mặt với căn bệnh lạ lùng sẽ tái phát mà trước kia anh từng mắc phải. Đó là 
1 căn bệnh lạ mà các bác sĩ không ai chuẩn đoán ra đó là bệnh gì. Chỉ biết, lần đầu tiên anh trải qua lần phẫu thuật đúng ngày bạn bè thi đại học. Khi ấy, anh chỉ thấy nổi những mẩn đỏ khắp người, sốt cao và bục dạ dày. Cũng vì bệnh này mà nhiều lần anh nhất quyết đòi chia tay chị nhưng chị một lòng bảo vệ tình yêu của mình, chị muốn là người ở bên chăm sóc anh. Chính vì tâm lý này nên chị Chung thật sự sốc khi chồng bất ngờ ra đi không phải vì bệnh tật mà là bị tai nạn giao thông: "Ngày anh ra đi, nó đến quá sớm, quá bất ngờ. Điều đó làm mình thật sự sốc bởi tính anh khá cẩn thận khi đi xe. Không ai chứng kiến cảnh anh và người bạn thân bị tai nạn bởi khi họ phát hiện ra thì người chồng mình đã lạnh còn bạn anh ấy thì vẫn đang còn hơi ấm".

Những ngày sau khi chồng mất, đối với Chung luôn là cả một chuỗi ngày đau đớn hơn cả cực hình: “Mình đau đến mức không còn muốn sống nữa. Nhìn con trai mới hơn 4 tháng tuổi đã mồ côi bố, lòng mình lại đau như cắt. Nếu như không có con, có lẽ mình đã không sống nổi. Nhưng rồi mình tự an ủi mình rằng anh vẫn còn sống, vẫn luôn ở bên cạnh mẹ con mình. Mình làm gì cũng cứ tưởng tượng là anh ấy đang làm cùng nên mình cũng đỡ buồn hơn". 

Cũng có những lúc đau khổ và bế tắc quá, chị Chung muốn ôm con đi đâu đó thật xa khỏi mảnh đất này. Nhưng đó chỉ là cảm giác nhất thời bởi vì người mẹ trẻ này tự biết, giờ chị không sống cho riêng mình nữa mà phải sống vì con trai mình. Mặc dù được bố mẹ, người thân hai bên nội ngoại giúp đỡ nhưng với người phụ nữ này, sự ra đi của chồng vẫn là khoảng trống lớn trong đời mẹ con chị: "Những lần con ốm, ngồi ôm con một mình, mình mới thấm thía nỗi đau. Không có người cùng sẻ chia, mọi việc đều phải tự gánh vác một mình thật mệt mỏi nhưng mình không dám kêu than cùng ai kể cả với bố mẹ. Những lúc như vậy mình thấy tủi thân vô cùng và chỉ dám khóc về đêm. Sớm mai tỉnh dậy vẫn nói cười như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra".

Mong ước lớn nhất hiện nay của người mẹ đơn thân này ngoài có đủ sức khỏe để làm việc nuôi con lớn nên người còn là có thể xây được nhà riêng dù nhỏ để đưa chồng về thờ phụng.

Mất chồng sau 4 năm chiến đấu với bệnh ung thư

Là người phụ nữ mạnh mẽ, yêu thương chồng vô hạn nhưng chị Hương Giang (33 tuổi, Hoàng Mai - Hà Nội) vẫn phải hứng chịu nỗi đau đớn mất đi người chồng yêu quý. 6 năm hôn nhân nhưng có tới 4 năm vợ chồng chị đã phải đối mặt với căn bệnh ung thư đại tràng của chồng. 

Khi con trai đầu lòng chào đời, niềm vui chưa dứt thì chỉ 13 ngày sau khi sinh, chị nhận được tin dữ về bệnh tình của chồng. Tâm trạng của chị lúc ấy là vô cùng sốc, ôm đứa con mới 13 ngày tuổi còn đỏ hỏn trên tay, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Nhưng rồi khi đã bình tâm lại, chị nghĩ khóc cũng không giải quyết được vấn đề gì. Chị đã động viên chồng đừng sợ và đừng lo lắng quá. Thời điểm phát hiện ra bệnh của chồng cũng là lúc bệnh ở giai đoạn cuối, đã di căn hạch nên quá trình điều trị ung thư của anh vô cùng vất vả và gian nan. 

Chị đã phải cùng với người thân bên nhà chồng đưa anh đi khám, mổ, truyền hóa chất và xạ trị hết ở Bệnh viện 108 lại đến Bệnh viện K2 Tam Hiệp, Bệnh viện Việt Đức và sang cả Bệnh viện bên Trung Quốc. Quá trình điều trị, do tác dụng của hóa chất và hóa trị nên anh rất mệt, chán ăn, xuống cân và thay đổi tính nết. Anh hay cáu gắt và dễ nổi nóng. Tinh thần của chồng chị cũng ngày càng suy sụp, mệt mỏi, có lúc anh cứ khóc suốt, chẳng chịu ăn, chịu nói. 

Cú sốc mất chồng và nghị lực phi thường của những người vợ  3
Vợ chồng chị Giang cùng con trai.

Hơn 4 năm sát cánh bên chồng, cùng anh nhiều lần vào viện ra viện, chị cũng bao lần hy vọng rồi lại đau đớn thất vọng. Chưa kể, đó là những chuỗi ngày dài mệt mỏi và tốn kém vì tiền của trong nhà cứ cạn kiệt dần. Chị nhớ lại: "Thời điểm ấy, chồng ốm đau, con còn nhỏ, công việc thì bỏ bê và nghỉ làm triền miên. Có những lúc mình như muốn ngã quỵ và muốn buông xuôi tất cả. Buồn lắm nhưng chưa bao giờ mình khóc trước mặt chồng. Mình luôn cố tỏ ra mạnh mẽ và nghị lực. Nhưng cứ quay mặt đi là mình lại không cầm lòng được”. Có những lúc chăm chồng, chị Giang mệt mỏi và kiệt sức nhưng chị gần như không dám ngủ vì sợ chồng ra đi bất cứ lúc nào. 

Cuối cùng, sau 4 năm điều trị, anh vẫn bỏ lại chị, bỏ lại đứa con trai nhỏ và những người thân thương của mình. Ngày anh mất, với chị chẳng có nỗi đau, sự hụt hẫng nào lớn đến như vậy. Lúc đó chị còn ước cho dù anh phải nằm một chỗ trên giường bệnh, hôn mê không còn biết gì nữa thì chị vẫn còn được nhìn thấy anh, sờ vào người anh. Hàng ngày, chị cứ lẩn thẩn mở tủ quần áo lấy những bộ đồ mà anh hay mặc ra ngồi nhìn và khóc. Hay mỗi lần thấy con vẫn bi bô nói cười, lòng chị lại quặn đau...

Hơn 3 năm sau ngày chồng mất, hiện tại cuộc sống của chị Giang và con đã dần thăng bằng trở lại. Chị nghĩ: Mình phải tiếp tục sống. Mình đã phải cất nỗi nhớ chồng vào tim, nén nỗi đau mất chồng để đi làm, đi học trở lại, để có tiền nuôi, dạy con và bảo đảm cuộc sống của hai mẹ con”.