"Chiều thứ bảy rảnh rỗi là thời gian lãng mạn nhất, trốn được con, có thể đi đến tối mới về mà ông bà nội không quở trách, lại tha hồ thời gian để ăn uống, du hí", vợ anh Phúc cười kể.
Chị cho biết, cả tuần vợ chồng chị đều bận rộn, lại ở chung với bố mẹ chồng nên ít có thời gian riêng tư. Vì thế, họ đã "quy ước" chiều thứ 7 chỉ dành cho việc hẹn hò với nhau.
Ai đó nói rằng hôn nhân là nấm mồ của tình yêu nhưng với Trinh - phó phòng kinh doanh một công ty truyền thông ở Giảng Võ, Hà Nội thì sau 3 năm kết hôn, cô cảm thấy yêu chồng hơn cả những ngày đầu say đắm. Cô cho biết, một trong những sợi dây kết nối cô và chồng chính là thói quen viết thư cho nhau.
"Dù bận đến đâu chúng mình vẫn không quên ngày nào cũng viết cho nhau, có thể là thư tay, email, hay đơn giản chỉ là mẩu giấy nhớ gắn trên bàn ăn, kẹp vào trong sổ hoặc trong ví của nhau với những nội dung rất đơn giản như 'em luôn nhớ anh' hay 'anh phải đi làm sớm, em nhớ phải ăn sáng thật no nhé. Yêu em!'...", Trinh chia sẻ.
Cô tâm sự, nhờ thói quen được duy trì đều đặn này, cả hai cảm thấy luôn được quan tâm đến nhau. Nhiều khi, có tâm sự hay giận dỗi gì không thể nói thẳng được, họ trút hết lên bức email gửi cho "nửa kia" và cả hai lại sớm tìm được cách giải quyết.
Ảnh minh họa: Chinasmack.com. |
Một cặp vợ chồng ở Hà Nội - là thành viên của Webtretho lại có cách giữ tình yêu ngọt ngào khác. Người vợ có nickname Findus kể rằng, vợ chồng chị hay mua thiệp về lén viết cho nhau, bí mật đặt xuống gối hoặc ở đâu đó, khi mà người này vắng mặt thì người kia tìm thấy.
"Công nhận là nhận được thiệp viết tay hoặc thư tay của chồng - cảm giác sung sướng thật, cảm giác như mình đang chìm vào biển tình yêu của chồng vậy", chị thổ lộ.
Vợ chồng chị Trâm ở Thanh Xuân, Hà Nội thỉnh thoảng lại rủ nhau đi uống cà phê. Chị Trâm kể, thật ra, trước đây vợ chồng chị ở chung với bố mẹ và em chồng, nên mỗi khi mâu thuẫn, không muốn gây gổ ở nhà thì lại hẹn nhau ra quán. Không ngờ, sau lần đó, họ nhận ra, khung cảnh lãng mạn, điệu nhạc dìu dặt khiến cả hai bình tĩnh nên dù đang giận nhau cũng nói năng kiềm chế và dễ cảm thông cho nhau hơn. Không những thế, họ cũng nhớ về khoảng thời gian yêu đương với những buổi tối hẹn hò trong quán vắng.
"Từ đó trở đi, thỉnh thoảng, dù chẳng có việc gì cần phải 'nói cho ra nhẽ' chúng mình vẫn rủ nhau tới quán, hay đi ăn uống hoặc đơn giản chỉ chở nhau lòng vòng trên đường, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, và sau đó, cảm giác hai đứa gần gũi và yêu nhau nhiều hơn", chị Trâm chia sẻ.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, có nhiều đôi kết hôn lâu vẫn giữ được ngọn lửa tình yêu nồng ấm nhờ những thói quen rất giản dị và lãng mạn như viết thư, gửi thiệp, tặng hoa, quà hay tạo những bất ngờ nho nhỏ cho nhau. Trong khi đó, không ít cặp cặp vợ chồng thường ca thán rằng, sau mấy năm lấy nhau, họ cảm thấy "nửa kia" trở nên xa cách và tình cảm nhạt đi nhiều.
Nhà tâm lý cho rằng, thực tế, lý do khiến "tình yêu đội nón ra đi" sau hôn nhân không phải vì thời gian gây nhàm chán mà chính bởi người trong cuộc đã chủ quan với hạnh phúc của mình, không quan tâm đến nhu cầu của "nửa kia". Người chồng có thể vì mải mê với sự nghiệp, vui thú với bạn bè hay những thú vui riêng mà ít quan tâm đến gia đình, chẳng còn những hành động, lời nói chinh phục người phụ nữ nữa. Còn người vợ có thể vì quá bận bịu với việc nhà, con cái, cũng chẳng chú ý làm đẹp bản thân và không còn ngọt ngào, tinh tế với chồng như những ngày còn yêu.
Bà Hà cho biết, việc "hâm nóng" hôn nhân cần làm ngay từ khi tình cảm còn nồng ấm, chứ không phải đợi đến khi nó nguội lạnh rồi mới tìm cách vớt vát. Và việc này cần sự ý thức và cố gắng của cả hai người, chứ nếu một người cố thổi lửa, mà người kia vẫn "nguội" hoặc còn tìm cách dập lửa đi thì cũng vô nghĩa.
Sau 5 năm kết hôn, chị Na (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), chán nản với cuộc sống chung của mình, nhất là từ khi sinh con xong. Chị cảm thấy hai vợ chồng chẳng còn quan tâm đến nhau nữa và "tình yêu" như một từ xa xỉ. Chị thì quay chong chóng với việc nhà, chăm con, đi làm. Anh cũng mải mê với công việc cơ quan, bạn bè. Có lúc, chị cảm giác, nếu như không có con chung thì hai người chẳng có gì liên quan.
Gần đây, cảm thấy khó mà tiếp tục sống như vậy, chị Na đề nghị hai người ngồi lại nói chuyện. Đáp lại, anh chỉ cáu kỉnh: "Đang yên đang lành, em lại muốn gây sự gì đây?". Tủi thân, chị Na chẳng thể nói thêm được gì nữa. Chị cũng tìm cách viết thư cho chồng, nhưng anh chẳng tỏ thái độ gì sau khi đọc xong. Những lời rủ đi xem phim hay đưa con đi chơi cuối tuần của chị được anh đáp lại bằng một câu quen thuộc: "Anh không thích" hay "Anh bận lắm".
Cứ như vậy, chị Na cảm thấy chán nản và chẳng muốn cố gắng thêm nữa. "Anh ấy cho rằng cuộc sống vợ chồng êm ả thế này là ổn, anh ấy không cờ bạc, trai gái là quá tốt rồi, mình còn đòi hỏi gì thêm? Mình cần một cái gì đó mới mẻ, cần cảm thấy mình vẫn còn yêu và được yêu. Còn như bây giờ, chồng xa lạ quá, không còn sự đồng cảm nào với suy nghĩ, tâm tư của mình", chị Na chia sẻ.
Muốn cải thiện mối quan hệ vợ chồng bắt đầu đi vào guồng quay nhàm chán, anh Thanh (Hà Đông, Hà Nội) rủ vợ đi nghỉ tại một resort ở miền trung. Nhưng kế hoạch của anh không thành vì mới đi được nửa ngày thì chị kêu nhớ con quá rồi than thở "đi chơi mà không có con thì chẳng ý nghĩa gì". Sau đó, mỗi khi chồng đề nghị cả hai cùng đi massage, tắm bùn... thì chị lại kêu ca là giá quá đắt mà có gì hay ho đâu khiến anh chẳng còn cảm hứng. Chuyến đi nghỉ của hai người kết thúc sớm hơn dự kiến vì câu than vãn của chị: "Như dở hơi, đến đây để suốt ngày chỉ có ăn, ngủ, rồi lượn lờ, mà tốn kém bao nhiêu, thà ở nhà còn sướng hơn".
Để hâm nóng tình cảm vợ chồng, nhà tâm lý Hồng Hà cho rằng, hiệu quả nhất vẫn là ngay từ khi mới kết hôn, các đôi cùng xây dựng nề nếp gia đình với những hoạt động chung thường xuyên như ăn tối, chia sẻ việc nhà, đặt lịch cuối tuần hay tháng vài lần đi chơi bên ngoài, đi ăn tối, xem phim... Thỉnh thoảng hãy gợi lại những kỷ niệm đẹp giữa hai người, có liên quan đến khung cảnh hiện tại để vợ chồng gắn bó với nhau hơn.