37 cặp tình nguyện đã được đưa vào phòng nghiên cứu, được gắn vào cánh tay một thiết bị để tạo ra vết phồng rộp 8mm trên da. Mỗi cặp đều được ghi hình quá trình họ trò chuyện với nhau để các nhà nghiên cứu phân tích về kỹ năng giao tiếp, sự mệt mỏi, sự kiệt sức hay phẫn nộ, sự ghét bỏ nhau trong quá trình giao tiếp giữa đôi bên… Sau 12 ngày, các nhà nghiên cứu nhận thấy vết phồng rộp lành lại nhanh hơn ở những cặp có sự chủ động và tích cực trong giao tiếp, còn ở các cặp phản ứng tiêu cực, vết thương chậm lành hơn. Theo nhóm nghiên cứu, vết thương trên cơ thể mau lành lại hơn ở những cặp giao tiếp tốt hơn có liên quan đến chất oxytocin. Trưởng nhóm nghiên cứu, Janice Kiecolt-Glaser cho biết: “Oxytocin là hormone mang tính chất bảo vệ. Ở những cặp giao tiếp tốt nhất thì vết thương mau lành nhất, tương ứng với mức độ oxytocin trong máu cao nhất”.

Theo Tara Parker-Pope, tác giả cuốn sách Khoa học đem lại cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn (For better: The science of a good marriage), những cơn stress bắt nguồn từ mối quan hệ hôn nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hơn cả stress ở nơi làm việc. Giáo sư Debra Umberson (đại học Texas) nghiên cứu về mối quan hệ vợ chồng và stress cho biết: “Nhìn chung, các cặp bị stress về hôn nhân có hoạt động của hệ miễn dịch kém hơn, huyết áp và nhịp tim cao hơn. Stress trong hôn nhân nguy hại vì đó là bệnh kinh niên, kéo dài và bạn không thể dứt khỏi nó được hoàn toàn vì bạn phải đối diện những vấn đề đó hằng ngày". Cũng theo giáo sư Debra Umberson, một cuộc hôn nhân xấu sẽ khiến phụ nữ bị ảnh hưởng về thể chất nhiều hơn nam giới.

Để cãi nhau mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các cặp có thể tham khảo những gợi ý sau: theo tác giả Parker-Pope, chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những gì mình tranh cãi. Chẳng hạn, nếu nhà cửa dơ bẩn, bạn sẽ nói những câu đại loại như: “Nhà dơ quá, anh không chịu giúp em dọn dẹp gì cả” hoặc: “Em muốn chúng ta học cách làm sao cho nhà sạch sẽ hơn”. Umberson cho rằng: “Các yếu tố chỉ trích hay yêu cầu đều làm cho ngôn từ của bạn gây ra căng thẳng”.

Ví dụ khác: vợ vừa nướng bánh xong, gian bếp như bãi chiến trường nên khi bước vào bếp, bạn chú ý ngay đến sự nhếch nhác chứ không chú ý đến bánh ngon. Tuy nhiên, khi đó bạn có thể nói là: “Mùi thơm tuyệt quá, anh không thể đợi lâu hơn để được ăn mấy cái bánh này. Mà sao ở đây có vẻ bừa bộn nhỉ?”. Tác giả Parker-Pope khuyến cáo: “Nếu bạn cho là cách nói của mình với bạn đời không gây ra hệ lụy gì, hãy nhớ lại kết quả nghiên cứu của đại học Ohio. Hãy nghĩ về những vết phồng rộp lâu lành thế nào sau những lời phê bình, sau sự cáu kỉnh vợ chồng dành cho nhau. Những gì mình thể hiện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và chồng/vợ nên chúng ta biết cách tranh luận để sống vui khỏe hơn”.

Chuyên viên tư vấn hôn nhân và gia đình William Doherty (giáo sư Khoa học xã hội về gia đình của ĐH Minnesota) khuyên: khi tranh cãi, đừng nổi nóng với người thích la hét. Nếu bạn kết hôn với một người hay làm ầm ĩ thì đừng la hét trở lại. Hãy mạnh mẽ mà không cần ồn ào. Ví dụ, bạn có thể đáp lại bằng giọng bình tĩnh: “Anh không đồng ý cách cư xử của em. Nếu em vẫn tiếp tục thế này, anh sẽ đi nơi khác”.
 
Theo CNN/PNO