Cuộc chiến câu tiền mẹ chồng
Cả hai vợ chồng chỉ là nhân viên văn phòng, lương ba cọc ba đồng nên với anh Tiến, chị Huyền, tiền luôn là vấn đề nóng bỏng.
Bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh mà anh chị thường xuyên thì thụt với nhau bàn tình chuyện sẽ “xử” ngôi nhà mà cả gia đình đang sống như thế nào.
Chị Huyền có quan điểm nhà to hay bé không quan trọng, quan trọng là có chỗ chui ra, chui vào với túi tiền nặng trịch.
Vì vậy, chị tính khi bố mẹ mất, chị sẽ bán ngôi nhà này, mua một căn hộ. Số tiền còn lại, chị kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm.
Anh Tiến chỉ có một chị gái nên chị Huyền chắc chắn, các cụ sẽ cho anh thừa kế toàn bộ ngôi nhà. Chị chồng được hưởng tiền mặt hoặc vàng bạc.
Nhưng chị không cam lòng nhìn khoản tiền lớn vào tay chị chồng dù anh Tiến được phần hơn.
Chị giải thích: “Mình được cái nhà thật đấy nhưng bao giờ nhà mới thực sự vào tay mình? Còn lâu. Trong khi, bà ấy được đã được lĩnh tiền đều đặn”.
Thế là chị lên kế hoạch kích chồng “câu” tiền của mẹ.
Bị tiền làm mờ mắt, nhiều nàng dâu xúi bẩy chồng "chiến đấu" với anh em ruột (Ảnh minh họa)
Từ đó diễn ra cảnh lúc thì anh vay mẹ tiền mua xe máy, khi thì anh xin mẹ tiền mua liền một lúc 20 hộp sữa cho con,… Mà ai cũng biết, anh vay nhưng chẳng biết ngày nào trả.
Thấy em trai cật lực “câu” tiền của mẹ, chị Tiên đứng ngồi không yên. Vừa lo cậu em tiêu tiền quá trán, vừa lo mẹ sẽ dồn hết tiền cho em, chị cũng “chơi chiêu”.
Chị chưa thực sự muốn mua mảnh đất ở Gia Lâm nhưng vì cần cái cớ tiêu tiền, chị quyết định “ôm” đất. Mẹ chị chẳng có lý do gì để từ chối cho con gái vay tiền để làm việc chính đáng như vậy.
Biết chị chồng có ý đồ, chị Huyền đêm ngày nghĩ kế xui chồng tiếp tục “câu tiền” bố mẹ.
Cũng vì lợi lộc nhưng gia đình anh Sơn, chị Ngọc có tới 4 anh em nên cuộc chiến tranh giành tiền có vẻ khốc liệt hơn. Ai cũng cố gắng tìm ra lý do thích hợp để bố mẹ xuất tiền.
Vừa đau đầu tìm lý do thích hợp, chị Ngọc vừa nỗ lực lấy lòng mẹ chồng. Chị thường xuyên mua quà tặng bà, đưa bà đi thăm thú chùa chiền, đi mát xa,..
Bằng những chăm sóc đầy tính toán, chị được mẹ chồng yêu chiều nhất. Và các đề xuất xin tiền của chị thường được bà duyệt sớm nhất.
Kết thúc “cuộc chiến” bằng cách nào?
Mẹ anh Tiến rất tinh ý. Bà sớm nhận ra các con đang lao vào cuộc chiến bòn rút tiền của bà.
Rất hiểu tính con trai, bà biết, anh Tiến là người cù lần, anh không đủ khả năng nghĩ ra nhiều mưu kế như vậy. Bà chắc chắn, chị Huyền đứng đằng sau mọi chuyện.
Bà âm thầm tìm hiểu và biết được chị Huyền dùng tiền của bà để ăn chơi và gửi về quê. Bà đoán nếu bà làm to chuyện, chắc chắn, cuộc hôn nhân của con trai sẽ gặp nhiều sóng gió.
Dù rất giận chị nhưng vì các con, bà phải hành động ngược lại điều bà mong muốn.
Bà kéo con dâu ra tâm sự. Bà khuyên các con nên sống đoàn kết, yêu thương nhau hơn là chỉ nghĩ đến chuyện tài sản, tiền nong.
Hiểu được ý mẹ chồng, chị Huyền hối hận và chủ động chấm dứt cuộc chiến “câu” tiền của mẹ.
Không bị vợ thúc ép, xúi bẩy, anh Tiến cũng chẳng nghĩ tới chuyện vòi vĩnh mẹ nữa. Và anh cảm thấy cuộc sống bình yên hơn rất nhiều.
Gia đình anh Sơn, chị Ngọc không có được may mắn như vậy. Vì quá đông người, mỗi người lại một ý nên chuyện tranh giành tiền nong sớm khiến gia đình anh chao đảo.
Ai cũng cho rằng mình được nhận ít tiền hơn nên có thời điểm cả 4 gia đình nhỏ cãi nhau ỏm tỏi. “Đỉnh điểm” của cuộc chiến là lúc 4 anh em quyết định từ mặt nhau.
Nhưng vì “có máu có xót”, sau một thời gian “cửa không qua, nhà không lại”, anh Sơn thấy nhớ các em vô cùng.
Anh mất nhiều đêm suy nghĩ và rút ra kết luận: “Thực ra, 4 anh em trai sống với nhau, mọi chuyện đều rất yên ổn. Tình hình chỉ rối tung khi 4 nàng dâu xuất hiện. Bà nào cũng mắc bệnh tị nạnh nên xúi bẩy chồng làm bậy. Anh em tôi có muốn thế đâu nhưng các bà ấy nói nhiều quá nên đành phải ngheo theo. Rồi mọi việc cứ bị cuốn vào guồng mà chúng tôi không thể dứt ra được”.
Bây giờ, anh Sơn quyết tâm tìm cách hàn gắn tình cảm anh em và kiên quyết với vợ: “Cấm không được xúi bẩy, chia rẽ tình cảm gia đình. Nếu còn tiếp tục, tôi sẽ ly dị”.
Tiền bạc luôn là vấn đề lớn của mọi gia đình