Chào anh! Anh có vẻ bận rộn và ít chia sẻ cuộc sống riêng với mọi người…
Cô ấy thường nói và tôi ít phản ứng lại.
Tôi là người ngại va chạm. Tất cả những cuộc tranh cãi hoặc những điều gì đó liên quan đến việc phải đưa ra một quyết định, tôi thường không muốn mọi người phải nặng nề.
Không chỉ ngại va chạm với vợ, tôi ngại va chạm với tất cả mọi người. Trong một cuộc tranh luận, tất cả mọi người đều có những lí do để đúng. Họ mong muốn người đối diện chấp nhận ý kiến của mình một cách vô điều kiện.
Tôi nhận ra rằng: nếu cứ để mọi việc tranh cãi không đầu không cuối sẽ rất phiền phức và khó chịu. Chắc chắn sẽ phải có một người im lặng trước. Vì thế tôi luôn chọn giải pháp im lặng. Nếu có sự áp đặt ắt sẽ có những sai lầm. Điều gì sai sẽ hiện nguyên hình bản chất thôi, tại sao phải mất công phản ứng lại làm gì?
Cuộc sống có cái hay là: người nào thích nắm quyền quyết định và hay lấn át người khác sẽ là người phải gánh nhiều thứ. Người ta nói tôi là người đàn ông sợ vợ nhưng tôi thấy cuộc sống gia đình mình khá yên ổn vì điều đó.
Người đàn ông là hiện thân của phái mạnh, hiện thân của lý trí và quyền quyết định. Anh làm thế hóa ra anh là người khôn lỏi và ỷ lại sao? Thêm nữa, sự hiếu thắng của con người rất tai hại, nó sẽ dẫn đến sự đổ vỡ khi người đối diện không thể nào chịu nổi sự hiếu thắng đó. Anh nghĩ sao?
Giữa hai cách: một là giành quyền quyết định và áp đặt, bắt vợ vào thế bị động phải nghe theo mình; hai là im lặng và bao dung với vợ mình, tôi đã chọn cách thứ hai để ứng xử với vợ mình. Nhưng bao dung không bao gồm ý nghĩa: đúng sai mặc kệ.
Vợ tôi không thể sống riêng với tôi để cả ngày bắt nạt tôi. Cô ấy cũng đi làm, sẽ va chạm. Cô ấy không thể áp đặt mệnh lệnh của mình với tất cả mọi người. Sẽ có nhiều người đánh giá về cô ấy, sau lưng hay trước mặt. Có những lúc cô ấy than thở với tôi vì sao đồng nghiệp lại khó chịu thế, vì sao cái này, cái kia. Đôi khi cô ấy cũng phải trả giá cho cách cư xử của mình. Đó là lúc tôi nói chuyện với cô ấy và tôi đã trở thành anh hùng. Lúc người ta yếu, lúc người ta cần tìm một lí do, người ta sẽ dễ dàng công nhận sự yếu kém của mình hơn.
Đánh giá một cách công bằng và… không hề nói xấu vợ thì tôi khẳng định: trước đây vợ tôi khó chịu hơn bây giờ rất nhiều. Không có người vợ nào là không yêu chồng. Sự quá quắt là biểu hiện của thói ích kỷ. Hiểu được điều đó sẽ có “thuốc” để trị nó thôi.
Giờ tôi không dám đánh giá chủ quan anh là mẫu đàn ông như thế nào, nhưng tôi nghĩ, anh là một người đàn ông khá yêu vợ…
Hình như chị đang nói chuyện theo kiểu trái đất quay xung quanh mặt trời.
Xin lỗi! Ý tôi là sự bao dung, cách nhìn bình tĩnh của anh có sức cảm hóa vợ mình và có tác dụng xây dựng hạnh phúc gia đình đấy chứ?
Dù thế nào đi chăng nữa, vẫn có những lý do để người ta gọi một ông chồng nào đó là ông chồng sợ vợ…
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi cũng nói với chị thế này: dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những lí do để người đàn ông nên sợ vợ. Điều đó cần thiết để cân bằng một gia đình. Cảm giác người phụ nữ yếu đuối nhưng lại có tiếng nói trong gia đình sẽ giúp cô ấy yên tâm hơn.
Đó là sự nuông chiều và là liều thuốc tê giúp người ta ảo tưởng chứ không phải thuốc trị bệnh.
Tôi đã nói với chị từ đầu: không có cách ứng xử nào là tối ưu trong cuộc sống. Chúng ta làm với cái tâm và mong chờ mọi thứ có kết quả tốt chứ không phải đẩy người khác vào những hành xử sai. Người nào chọn cách ứng xử nào sẽ phải chịu trách nhiệm với cách ứng xử đó tới cùng.
Chị thấy đấy, khi tôi và chị tranh cãi về quan điểm, mọi thứ không muốn nhưng vẫn bị đẩy vào tình thế căng thẳng. Chị giữ quan điểm của chị, tôi giữ quan điểm của tôi. Và chắc chắn, chị không thể sống thay cuộc sống của tôi được. Trong cuộc sống giữa tôi và vợ, chỉ có tôi mới quyết định được sẽ chọn cách ứng xử nào với vợ mà tôi thấy phù hợp.
Cuộc sống ai cũng lần mò giữa những điều sai, đúng. Sai thì sửa, đúng làm tiếp. Đơn giản thế thôi.
Sai thì sửa, đúng làm tiếp. Sai đến mức nghiêm trọng dẫn đến ly hôn và… làm lại, ý anh có bao hàm nghĩa đó?
Tôi không loại trừ ý đó.
Vậy, nếu có một thông điệp gì đó cho những bà vợ, anh sẽ nói gì với họ?