Dẫn người yêu về quê
Loan là công nhân ở Bình Dương, quê Nghệ An. Cách đây 3 năm, Loan dẫn một anh quê Bình Thuận cùng làm việc tại Bình Dương về quê ăn Tết. Anh bạn trai ở nhà Loan mấy ngày Tết và cùng Loan đi chúc Tết họ hàng nên ai ai cũng nghĩ họ sẽ lấy nhau.
2 năm sau, Loan lại dẫn một người bạn trai khác quê ở Bắc Giang về nhà. Khi Loan giới thiệu, ai cũng ngạc nhiên, đặc biệt là các cụ già. Nghe Loan giới thiệu bạn trai, cụ Chắt - người họ hàng xa - liền hỏi: “Ơ, thế còn cái anh cao cao nói tiếng miền Nam năm trước thì sao. Anh này là người mới à?”.
Kết quả của cuộc tình tưởng sẽ dẫn đến hôn nhân của Loan lại tan vỡ. Anh người yêu quê Bắc Giang sau cái Tết về thăm quê “vợ sắp cưới” đã tìm cách tránh mặt Loan. Loan hết sức đau khổ, muốn tìm gặp chồng chưa cưới để giải thích, để thanh minh nhưng cô đã không còn cơ hội.
Chuyện các cô gái chưa chồng hoặc sắp lấy chồng dẫn người yêu về quê ăn Tết là khá phổ biến. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa - Trung tâm tư vấn Linh Tâm (Tổng đài 1088 Hà Nội) - từng nhận rất nhiều cuộc tư vấn liên quan đến vấn đề này. Theo ông Hòa, nhiều cô gái có người yêu, đến ngày nghỉ cuối tuần hoặc những dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, có sở thích hết sức khờ khạo là dẫn người yêu về quê.
Các cô gái khi mang người yêu về thường nghĩ một cách đơn giản “về quê ăn Tết cho vui”. Họ không nghĩ được rằng, khi đưa bạn trai đến nhà họ hàng, dù giới thiệu là bạn trai đi chăng nữa thì bất kể ai cũng nghĩ đây là con rể, cháu rể tương lai. Thực tế thì khi đưa người yêu về quê thì kiểu gì cũng phải đi chào hỏi họ hàng. Có trường hợp vì nhà ở quê không đủ giường, lại nghĩ là sẽ lấy nhau nên không ít cặp ngủ cùng nhau tại nhà cô gái.
Vừa khổ mình, vừa khổ bố mẹ
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, hiện nay tình yêu trai gái dễ đến những cũng dễ tan chứ không như ngày xưa. Khi yêu, các cô gái thường không lường trước được những đổi thay này. Tâm lý của phái nữ khi yêu thì cái gì cũng tin. Vì tin nên không có phương án phòng bị cho mình. Việc dẫn người yêu về quê vì thế sẽ dẫn đến những hậu quả không mong đợi.
Khi cuộc tình tan vỡ sẽ gây nên những trục trặc cho bản thân cô gái và gia đình. Cô gái sẽ mang tai tiếng là lăng nhăng, còn gia đình bố mẹ sẽ xấu hổ bởi điều tiếng về con.
Ông Hòa cho biết, những câu nói vô tình của dân làng có thể khiến cho bố mẹ cô gái khó sống như: "Cái thằng kỹ sư đẹp trai sao năm nay không thấy? Thế cái anh năm ngoái đâu rồi, tưởng được ăn cưới đến nơi rồi chứ? Ôi cái con bé này, năm nay thằng này nhưng có khi sang năm lại thằng khác ấy mà, chắc gì!"...
Như trường hợp của Loan, không chỉ mình cô đau khổ mà bố mẹ cô cũng hết sức xấu hổ với dân làng.
Cũng theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, với nam giới, việc yêu năm, bảy cô thường thì không sao nhưng với các cô gái là cả một vấn đề. Dù các cô gái có giới thiệu là bạn trai đi chăng nữa thì cũng không ai tin. Họ luôn nghĩ: Đã đưa về nhà ra mắt họ hàng là đã xác định với nhau rồi. Vì thế việc thay đổi nhiều bạn trai sẽ khiến cho dân làng nghĩ cô gái đó lăng nhăng, là qua năm đến bảy anh rồi mới lấy một chồng...
Bởi vậy, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa khuyến cáo trong dịp tết Nguyên đán đang cận kề này, các cô gái chớ dại mà mang người yêu về nhà mình. Mình có thể về nhà bạn trai nhưng khi bạn trai có ý muốn về nhà mình thì nên tìm cách từ chối khéo, hoặc để dành một dịp khác, tránh ngày lễ Tết.
Tình yêu là thứ dễ thay đổi nhất nên các cô gái nên biết tự phòng thân, đừng đẩy mình vào tình cảnh dở khóc dở cười, không chỉ mất người yêu mà còn mang tai tiếng và khó lấy được chồng.