Chị đã li hôn được khá lâu, theo tôi biết là khoảng gần 3 năm. Dứt bỏ cuộc hôn nhân từng đó thời gian, giờ nghĩ lại chị cảm thấy như thế nào?
Đó đơn giản là một việc đã qua, không hơn không kém. Hỏi tôi nghĩ gì về cuộc hôn nhân đó vào thời điểm này làm tôi bất ngờ.
Có thể cách đây khoảng 1 năm, nếu cô hỏi tôi về cảm giác trong hôn nhân, tôi vẫn còn nhớ một chút cảm giác. Nhưng giờ, lâu không nghĩ nên không còn phản xạ nghĩ về nó nữa.
Tôi không phủ nhận cuộc hôn nhân đó. Nó là một quãng đời của tôi. Để tôi nhớ lại cảm giác lúc đó và nói cho cô nghe nhé! Đó là cảm giác bế tắc, chông chênh, sợ hãi. Cứ như là tôi sống một cuộc sống của người khác chứ không phải cuộc sống của tôi. Vì cuộc sống của người khác mình mới không đoán định được gì. Cuộc sống của mình thì mình phải biết mình đi về đâu, làm gì chứ! (Cười).
Chị là người chủ động chia tay hay chồng cũ của chị?
Tôi là người chủ động chia tay. Nhưng nói thật, tôi sợ li hôn lắm. Sợ đến mức, tôi đã từng nghĩ mình sẽ kết thúc cuộc đời mình thay vì phải đối diện với cái án li hôn. Nhưng vì một cơ may nào đó tôi đã dừng lại được. Điều này tôi không chia sẻ cụ thể đâu. (cười)
Người đàn ông được phụ nữ chiều từ lúc sinh ra nên đến khi chết, anh ta chỉ biết đặc quyền của anh ta là được chiều, được quyền đòi hỏi (Ảnh minh họa).
Anh ấy là người đàn ông tệ bạc?
Đánh giá đàn ông tệ bạc trong gia đình khó lắm. Chẳng người chồng nào công nhận mình là người đàn ông tệ bạc đâu. Tôi nghĩ bản thân họ nghĩ họ đã làm những việc tốt nhất cho gia đình mình rồi.
Đàn ông đánh vợ cũng là vì dạy vợ ngoan theo ý mình. Đàn ông bỏ nhà đi nhậu nhẹt, đèo bòng bên ngoài cũng vì vợ không hiểu, không chia sẻ được với anh ta. Nói chung, anh ta có những lí do để phản ứng như thế. Anh ta là người đáng thương.
Phụ nữ là những người đàn bà lắm mồm, suy nghĩ nông cạn. Xã hội công nhận người đàn ông là trụ cột gia đình, nhưng trong gia đình, có một luật, còn hơn cả luật rừng. Đó là người đàn ông âm thầm “lừa đẹp” người vợ vào gánh vác cái trụ cột đó để anh ta “thảnh thơi” làm “trụ cột” bên ngoài xã hội.
Trụ cột gia đình là gì? Là trách nhiệm vơi con cái, là việc nhà, là lo bữa ăn, giấc ngủ cho cả gia đình, là đối nội, đối ngoại… Những trách nhiệm đó không phải là việc của phụ nữ hay sao? Đến giữ hạnh phúc gia đình được hay không cũng tại người phụ nữ cả.
Tôi cảm giác như tất cả người phụ nữ đã, đang và sẽ làm vợ đều bị lừa gạt bởi triết lý: Đàn bà giữ lửa cho gia đình. Lửa gia đình giữ được hay không là do cả hai người. Một người che chắn ngọn lửa và một người né cả một mảng to cho gió lùa vào, tôi đố cô có thể giữ cho lửa cháy ấm. Một là leo lét, hai là tắt phụt.
Tôi chỉ có thể nói, không nên đánh giá bất cứ người đàn ông nào tệ bạc. Khi mọi thứ trở thành bản chất, trở thành tư duy cố hữu của tất cả đàn ông thì chả có anh nào tệ bạc cả.
Chị nói có vẻ cay đắng!
Tôi chỉ phân tích dựa trên những gì tôi biết thôi.
Nhiều người nhận xét: Phụ nữ bây giờ dám li hôn nên nền tảng giá trị gia đình mới không bền vững. Phải chăng, sức chịu đựng của người phụ nữ kém?
Phụ nữ li hôn là quy luật tất yếu để cân bằng cuộc sống. Sức chịu đựng của người phụ nữ không phải là vô biên nên có thể nói là kém cũng được.
Nhưng sự thật là, sức chịu đựng kém hay không thì hậu li hôn người phụ nữ cũng rất vất vả để thích nghi với cuộc sống. Không một người phụ nữ nào xác định lấy chồng để li hôn, hoặc có nhưng ít. Nghĩa là cuộc sống hôn nhân phải khốn khổ hơn nhiều cuộc sống hậu hôn nhân thì người phụ nữ mới phải li hôn.
Lỗi tại ai, theo chị?
Lỗi tại hệ thống giáo dục tư duy. Người đàn ông hư là do người phụ nữ. Người đàn ông được phụ nữ chiều từ lúc sinh ra nên đến khi chết, anh ta chỉ biết đặc quyền của anh ta là được chiều, được quyền đòi hỏi. Ít bà mẹ ý thức dạy con trai phải chia sẻ, lắng nghe và bảo vệ phụ nữ.
Rồi khi cô gái yêu, cô ta chiều người yêu. Tình yêu giúp cô ta nghĩ rằng cô ta có thể chiều, chăm sóc người đàn ông suốt đời như một người mẹ. Tai họa thay, cô ta là một người phụ nữ, là một người vợ với người đàn ông đó chứ không phải mẹ anh ta.
Rồi cô ta thấy mình cố gắng bao nhiêu cũng chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc đời anh chồng. Cô ta chỉ biết một vài “thằng bạn thân” của chồng, còn lại bạn bè, đồng nghiệp của chồng như thế nào cô ta không được quyền can thiệp. Cô ta không biết chồng làm gì. Mọi thứ cô ta cần làm là ngoan ngoãn, không thắc mắc và không đòi hỏi.
Đấy! Cuộc sống như thế, dù cô có là thánh sống thì cô cũng phải lên tiếng bức bách thôi. Và lỗi ư? Tôi nghĩ lỗi tại đàn bà. Đàn bà nhẹ dạ cả tin và luôn nghĩ mình là tất cả đối với một người đàn ông nào đó. Cái các chị nghĩ khác với cuộc sống. Và khi các chị không chủ động được thì bi kịch xảy ra.
Tôi đã từng là một người đàn bà như thế. Bị lừa đẹp vào những trách nhiệm cao cả. Rồi khi cảm thấy bất hợp lý, cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Khi đụng vào vấn đề tôi mới biết mình chẳng là cái gì cả.
Trước đây, tôi hay đổ lỗi cho chồng. Bây giờ, tôi hiểu bản thân tôi đã xuất phát một con đường sai. Biết làm sao được? Dẫu sao tôi cũng đã đi rồi.
Một góc nhìn hay của một người phụ nữ sống cuộc sống hậu hôn nhân. Chị chia sẻ gì với các chị em cùng cảnh ngộ?
Tôi đã chia sẻ hết rồi! Ai nghĩ gì, phản ứng thế nào hoặc thấy có gì cần thiết cho mình thì còn tùy thuộc vào cách mọi người nhìn nhận.
Cảm ơn chị! Chúc chị luôn vui vẻ như cách chị đã lựa chọn!
Phụ nữ lúc nào cũng nhiệt huyết, tận tâm trong vai trò người vợ, người mẹ nhưng cũng phải có những lúc các chị có khoảng thời gian dành cho riêng mình.