Trong cách ứng xử của phương đông có văn hoá nể vợ. Các nhà Nho xưa dạy con trai rằng: “Làm người đàn ông tử tế phải biết nể vợ”. Giáo lý phong kiến ngày xưa dạy phụ nữ coi chồng là trời (chữ phu gồm chữ nhị, chữ nhân, chữ tâm và chữ nhị đứng trên chữ nhân thì thành chữ thiên, tức là trời)
Vậy mà các nhà Nho từ đời này sang đời khác vẫn dạy con cháu rằng làm người đàn ông tử tế phải biết nể vợ. Các cụ không dạy con cháu phải sợ vợ mà chỉ dạy là phải biết nể thôi. Điều này không trái với giáo lý phong kiến lại rất thuận với đạo lý làm người. Các bà vợ thật đáng để cho các đức lang quân phải nể trọng.
Người ta sinh ra từ một gia đình khác, được bố mẹ đẻ nuôi lớn lên, dạy bảo tử tế và khi có thể nhờ cậy được thì về sống ở nhà chồng. Có thể nói người phụ nữ suốt đời hy sinh vì chồng, con và gia đình nhà chồng. Các bà vợ cũng là những người mang nặng đẻ đau, chịu bao nhiêu vất vả khó nhọc để duy trì nòi giống nhà chồng. Họ cũng là người tề gia nội trợ, dạy bảo con cái, lo cơm ngon, canh ngọt và gìn giữ ngọn lửa ấm trong mỗi gia đình.
Nếu không có người vun vén gia đình thì đàn ông không làm được gì cả, không có thành công, không có sự nghiệp, không có tiền bạc. Họ có thể yên tâm phấn đấu vì phía sau họ có một người vợ đảm đang. Với tất cả những lý do trên, nhất định mọi người đàn ông có hiểu biết đều phải nể vợ. Gia đình nào chồng không biết nể vợ thì gia đình đó không có hạnh phúc.
Đàn bà có thể lắm điều nhưng hầu hết các ông chồng đều nhịn được, ấy là vì họ nể vợ chứ không phải sợ vợ. Đàn ông rất chuộng tự do và bao giờ họ cũng là phái mạnh nên nói họ sợ vợ là không đúng. Hầu hết các bà vợ cũng cảm nhận được điều đó. Phụ nữ luôn biết rằng đức lang quân không sợ mình, chỉ yêu thương và nể trọng thôi. Đây là một nhận thức tỉnh táo, giúp người phụ nữ giữ được sự đúng mực trong quan hệ vợ chồng, không vượt qua giới hạn cho phép, vì nếu vượt quá thì chồng sẽ không nể nữa, cũng không thương yêu nữa và như thế là chấm hết.
Trong gia đình, người vợ có thể quyết định nhiều vấn đề nhưng ông chồng vẫn là một thủ lĩnh, nếu không lớn hơn một chút thì ít nhất cũng ngang bằng bà xã của họ. Gia đình nào mà “lệnh ông không bằng cồng bà” thì đạo lý trong gia đình đó hư hỏng, nề nếp không ra gì và con cái khó nên người tử tế.
Bà mẹ nào cũng rất mực thương yêu con, thậm chí rất chiều con nhưng con cái lại chỉ e sợ bố và xem bố là một thần tượng, nên mới có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Vì thế, bảo vệ thần tượng người bố là cách ứng xử của những bà vợ thông minh nhất, hiểu biết nhất. Người vợ nào tinh tướng, coi mình là thủ lĩnh số 1 trong gia đình thì có nguy cơ người vợ ấy trở thành người đàn bà lăng loàn và không được chồng con yêu mến, kính trọng.
Để có được sự nể trọng của chồng không dễ đâu. Các bà vợ phải phấn đấu rất nhiều, phải ứng xử khôn ngoan và trước hết phải biết mình là ai và đang ở đâu.
Khánh Hoàng
Theo Giadinhnet