Bé Bin đã được 3 tuổi, nhưng mỗi lần nhắc lại kỉ niệm chồng chăm mình đẻ là Ngân lại cười xòa. Cô là giáo viên một trường miền núi nên đi làm khá xa, đường lại ghập ghềnh. Có lẽ vì thế mà khi thai nhi mới 34 tuần tuổi đã vội đòi ra đời.
"Vì sinh non nên mình bị sót nhau, phải nạo tận 2 lần mới được chuyển ra phòng hồi sức. Con trai mình thì được chuyển thẳng qua khoa nhi nằm lồng kính nên cả nửa tháng sau mình mới được gần bé. Trong nửa tháng chờ đợi đó, chồng mình ở cạnh túc trực ngày đêm để chăm sóc. Nói thật, đó là những ngày mình cảm nhận rõ nhất tình yêu anh dành cho mình” - Ngân tâm sự.
Những ngày tháng nằm trong bệnh viện sau sinh là thời gian cô cảm nhận rõ tình yêu chồng dành cho cô (Ảnh minh họa).
Ngày Ngân sinh, khoa sản bệnh viện gần như chật kín người. Vì thế, thay vì chuyển cô vào phòng hậu sản thì cô y tá lại đưa Ngân vào phòng chờ sinh. Chính qua "sự cố này" mà Ngân đã cảm nhận rõ tình yêu mà chồng dành cho cô: "Mình nằm đây tới ngày thứ 3 nhưng bác sĩ cũng không biết, cứ tưởng mình đang chờ sinh như bao nhiêu người khác. Nhìn vợ đau đớn mà không có thuốc uống, chồng mình xông đại vào khu sinh em bé hỏi, thế là bị mấy cô ý ta mắng cho một trận. Chưa dừng lại, sáng hôm sau, anh còn sang phòng khác, canh bác sĩ đến giờ khám để gọi sang phòng chờ sinh khám cho mình. Vị bác sĩ hẹn chút nữa nhưng anh cứ nắm tay kéo đi, làm ông ấy giận quát lên: 'Có ai bỏ vợ anh chết đâu mà anh làm quá lên vậy?'. Bao nhiêu bực bội mấy ngày tích tụ, anh cũng lớn tiếng quát lại: 'Gặp vợ ông như thế, ông có xót không?'. Vị bác sĩ đành phải theo chồng mình về khám cho mình trước. Nghe kể lại mà mình cười ngất luôn, nhưng cũng cảm động lắm vì thấy được chồng rất yêu thương, quan tâm”.
Nhờ sự sốt sắng thúc giục của chồng mà chiều hôm đó, Ngân được chuyển sang phòng dành cho bà mẹ sau sinh. “Khi sang phòng này, nghe mọi người chỉ cách chăm sóc, vệ sinh cho thai phụ, chồng mình vội vã đi mua một chai dung dịch vệ sinh và quyết định tự tay làm cho vợ. Thấy thế, ai trong phòng chờ cũng bảo mình may mắn khi có một người chồng chăm chỉ, chu đáo như vậy. Mình cũng ngại, bảo anh thì anh cười xòa, bảo làm cho vợ mà ngại gì, đâu phải ai xa lạ đâu. Không ngờ, vì lần đầu làm việc này nên anh pha nước rất nóng. Báo hại mình la oai oái, còn tưởng phỏng rồi, còn anh thì đỏ mặt ngượng ngùng, miệng liên tục xin lỗi vợ”, Ngân cười tươi kể lại.
Mỗi khi nghe chuyện những ông chồng chăm vợ đẻ của các chị trong cơ quan, Hạnh lại mỉm cười nhớ lại ngày mình sinh bé Ken. Khi Hạnh sinh, ông bà nội bận chăm cháu ngoại, còn ông bà ngoại thì đều đang ốm nên 2 vợ chồng phải tự lo cho nhau.
“Mình đẻ mổ nên yếu lắm, không thể tự làm được gì, mọi việc đều phải nhờ chồng. Vì thức đêm nhiều quá nên anh ấy cứ đặt lưng xuống là ngáy khò khò. Sợ vợ cần gì mà mình ngủ mất nên anh ấy nghĩ ra cách lấy dây cột vào cổ tay mình, một đầu buộc vào tay anh. Mình cần gì thì chỉ cần kéo dây là anh dậy ngay. Tối đó, mình muốn đi vệ sinh nhưng kéo dây mãi chồng cũng không dậy nổi. Mình lấy sức kéo một cái thật mạnh, không ngờ, dây đứt luôn. Thế là mình phải nhờ một bác ở giường bên gọi giùm. Anh dậy mà mặt còn ngái ngủ, dìu mình đi mà 2 mắt nhắm nghiền, nhìn thấy mà thương” - Hạnh kể.
Mỗi khi nghe chuyện những ông chồng chăm vợ đẻ của các chị trong cơ quan, Hạnh lại mỉm cười nhớ lại ngày mình sinh bé Ken (Ảnh minh họa).
Khi xuất viện về nhà, cũng không có ai đỡ đần nên chồng Hạnh buộc phải "lăn vào bếp" nấu nướng cho cô. Theo lời Hạnh, chẳng mấy khi chồng cô nấu ăn, mà lúc ấy lại là nấu ăn cho vợ đẻ nên anh vô cùng lúng túng. Sau mấy tiếng nghiền ngẫm trên mạng, hỏi ý kiến vợ, gọi điện về cho bà nội, bà ngoại, anh đã biết phải đi chợ mua gì để nấu cho vợ tốt sữa. Tuy nhiên, đến khi thực hành thì chồng cô vẫn không tránh khỏi lúng túng.
"Anh thường xuyên nêm món mặn, món nhạt. Nhớ có lần, vì mải coi trận bóng đá nên anh để nồi cá kho tiêu cháy mất. Mình giận không ăn cơm thì anh xách xe đi. Lát sau anh đem về một tô bún giò và một ly trà sữa, 2 món mình thích nhất. Bún thì mình ăn được còn trà sữa thì anh uống vì mình chưa uống được đá. Ngày nào đi làm về anh cũng tay xách nách mang đủ thứ thức ăn. Hôm nào về sớm thì anh mua đồ về nấu, hôm bận việc về muộn, anh lại tạt qua chợ mua tạm bát cháo hay cái bánh cho mình ăn chống đói, chờ anh nấu ăn. Rồi không hiểu anh học ở đâu mà mua cả chân giò nấu cháo bắt vợ ăn đêm, ăn ngày, báo hại mình ở cữ mà cứ tăng cân vùn vụt. Nhìn cơ thể mình thì hơi buồn và lo lắng, nhưng cứ nhìn thấy chồng là mọi thứ tan biến, chỉ thấy yêu và hạnh phúc ngập tràn thôi” - bà mẹ một con nhớ lại.
Rồi lần khác, khi thay quần áo, chợt Hạnh nhận ra có vệt phân của con mình trên tay áo. Hỏi ra mới biết, chồng cô đem hết quần áo bỏ vào máy giặt chung nên có tình trạng vương vãi như vậy. Nhìn anh gãi đầu gãi tai mà Hạnh vừa thương vừa giận, vừa thấy hạnh phúc khi có ông xã chăm chỉ, đáng yêu, hết lòng vì vợ con đến thế.