Thế là tôi xuống nước năn nỉ, chiều chuộng nàng từ việc lớn đến việc nhỏ. Có lẽ vợ không biết rằng, đàn ông sợ nhất là vợ đòi ly hôn, và cũng khó chịu nhất khi nghe vợ nhắc đến hai chữ đáng ghét ấy. Một lần nghe nhắc đến chuyện chia tay là chồng như mất ăn mất ngủ, buồn phiền và nặng lòng biết bao.
Vậy mà, muốn chồng không đi nhậu, về nhà sớm, vợ cũng nhắn tin “dội bom” kiểu: “Hôm nay anh về sớm đi. Nếu về trễ, sẽ thấy đơn ly hôn để sẵn trên bàn, em không nói thách đâu”. Tất nhiên là chồng hoảng lên, tức tốc chạy về, lại thấy vợ đang vui vẻ chơi đùa với con như không có chuyện gì. Có lần, chồng bộc bạch: “Thật khó khăn mới đến được với nhau, gắn bó với nhau bao nhiêu năm, sao em có thể dễ dàng nói ra hai từ “ly hôn” như thế, không sợ vợ chồng mình ly hôn thật hay sao?”. Vợ vẫn tỉnh bơ: “Đã từng gắn bó, mà hết gắn bó thì chia tay thôi, có gì mà nặng lòng?”.
Một anh bạn của tôi có cách giải quyết nhẹ nhàng hơn. Vợ đòi chia tay, anh thủng thẳng phân tích: “Nếu không còn sống chung, chắc là anh sẽ nuôi con vì thu nhập anh cao hơn em. Nhà này sẽ chia đôi. Em có thể đến thăm con hai lần trong một tuần, rồi chắc anh và em cũng khó mà qua lại gia đình hai bên…”. Anh phân tích đến đâu, vợ anh "thấm nhuần" đến đó. Thấy chẳng những chồng không hoảng, mà còn tỏ ra lạnh lùng khi nói về chuyện chia tay, vợ anh hết dám “lạm dụng” việc dọa dẫm ấy nữa.
Cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng ly hôn hơn; bình đẳng giới cũng giúp phụ nữ tự chủ hơn trong hạnh phúc của mình. Thế nhưng, đâu phải vì thế mà xem chuyện ly hôn là một điều hết sức bình thường.
Dẫu sao, ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng, nên đừng gieo mầm tư tưởng ly hôn khi cuộc sống vợ chồng vẫn còn trong tình trạng không quá bi đát.