Dưới đây là nguyên văn bài viết:

"Chị tôi và tôi thân nhau từ khi còn rất bé. Đó là một điều tự nhiên bởi trong một gia đình đông con, hai chị em sát tuổi nhau thường thân nhau.

Anh Văn (tên gọi thân mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã kể lại là sau khi được ra tù năm 1931, anh ra Vinh và có một thời gian học chữ Hán với ông ngoại tôi (ông Hồ Phi Thống, một nhà Hán học uyên thâm) ở làng Quỳnh. Anh đã nhìn thấy Hà (bà Đặng Bích Hà, vợ của Đại tướng) và Hạnh chơi ở ngoài sân, cái sân đất bột vàng vàng mà mỗi khi trời mưa giông mùa hè lại có một mùi khét nắng cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Có thể nói những kỷ niệm chung giữa tôi và chị tôi đều gắn với những ngôi nhà và những khu vườn trong hành trình của một thời thơ ấu.

Bích Hà, tên của chị tôi có nghĩa là “ráng biếc”, (nằm trong một hệ khác hẳn với tên các đứa em sau, tên thuộc hệ hoa). Có lẽ vì chị tôi là đứa con duy nhất của ba mẹ tôi sinh ra ở chính quê nội và ba tôi (giáo sư Đặng Thai Mai, nhà lý luận văn học, nguyên bộ trưởng Giáo dục Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà) chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ba tôi thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà.

Em vợ kể về mối tình đẹp của Đại tướng 1
Hoa bạch trà trước sân nhà riêng 30 Hoàng Diệu của Đại tướng, loài hoa ông ưa thích.

Từ khi tôi lên 4 tuổi, gia đình tôi chuyển hẳn ra Hà Nội, thì ký ức chung với chị tôi bắt đầu xuất hiện, những thời điểm nhỏ li ti nhiều vô kể, đầu tiên là những ngày khai trường. Chị em tôi thường đi mua sách vở ở hiệu Taupin và cùng tìm thấy niềm vui dễ chịu của mùi thơm giấy mới. Ngay sau khi mua sách, chúng tôi thường nhân tiện chạy từ phố Tràng Tiền ra Bác Cổ nhặt những bông hoa gạo cánh dày màu đỏ sẫm, bỏ vào vạt áo rồi lên xe tay về nhà.

Cũng có nhiều ký ức chung “tội lỗi” hơn: những cuộc đi xe đạp giấu mẹ tôi ra phố Nhà Thờ để ăn thịt bò khô, điều bị mẹ tôi cấm đoán vì mẹ tôi nói đấy chỉ là da bò, thực ra chúng tôi chỉ thích ăn đu đủ nạo trộn với giấm hơi cay cay. Không hiểu sao phố nhà tôi có đủ các hàng quà: tào phớ, chí ma phù... nhưng không có thịt bò khô. Hai em gái tôi còn quá bé nên không đi xa được.

Có một lần không may chúng tôi bị một cô em tóm được và nó tuyên bố: “Ta ra mách mẹ”. Thế là hết chuyện. Nhưng tên gọi “te re mách” còn lại từ đấy. Mùa đông có những thú riêng. Khi ở phố Duvigneau (nay là đường Bùi Thị Xuân thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chỉ hai chị em tôi là đủ lớn để được ngủ trên cái giường giáp phố. Nghe thấy tiếng rao “phá xa” (lạc rang) là chúng tôi chui ra khỏi chăn thò tay ra cửa sổ mua.

Thực ra thế giới bí mật chung mà chị em tôi chia sẻ với nhau nhiều nhất là những cuốn sách truyện tiếng Pháp bẻ nhỏ, bìa có nhũ, giấy dày và ram ráp, chứa đầy những tranh đẹp, những cô công chúa, những hoàng tử và nhiều khi chỉ là con một ông chủ cối xay hay một cô chăn cừu bé nhỏ.

Khi phong trào Bình dân đã kết thúc, gia đình chúng tôi từ trung tâm chuyển đến một ngôi nhà ven hồ Trúc Bạch, có một khu vườn nhỏ, trong đó hai chị em tôi trồng một loại hồng rất bé, sau này chỉ có cô em gái út của tôi là còn mang lại cho tôi một loại hồng như thế. Căn nhà chỉ có hai phòng. Ba mẹ tôi và ba em nhỏ ngủ ở phòng ngoài, phòng trong của chúng tôi rất hẹp và dài. Sau này tôi luôn luôn nằm mơ thấy một căn phòng nhỏ và dài, chắc là vì trong rất nhiều đêm ở đấy, tôi và chị tôi, khi nhà ngoài đã đóng cửa tắt đèn, chúng tôi lại bật đèn đêm lên để đọc hàng chục cuốn sách của Dumas.

Trong vở "Các cô thiếu nữ mơ mộng điều gì", hai cô tiểu thư Ninon và Ninette mặc váy dài trắng và hồng tựa trên ban công nhìn lên bầu trời xanh thẫm đầy sao, tại sao vòm sân khấu Nhà hát lớn lại có thể lấm tấm sao và đẹp đến thế? Tôi không bao giờ xác định được thời điểm của buổi diễn ấy cho đến cách đây dăm năm, một hôm chị tôi gọi điện nói rằng chị vừa soạn lại giấy tờ, (thỉnh thoảng chị tôi lại soạn lại giấy tờ tranh ảnh trong các vali cũ không biết bao nhiêu lần mà kể, tất cả những thứ đó đã đi theo chị tôi suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp). Chị tôi nói: “Hạnh ạ, cả một cuốn nhật ký chỉ còn lại một tờ, trên đó có ghi: Hôm nay đi xem kịch Musset, sắp mở màn thì có còi báo động, Hạnh rất nerveuse (bứt rứt) vì sợ không được xem kịch, sau đấy may quá lại báo yên”.

Vậy là buổi xem kịch rất hay đó diễn ra vào năm 1943 khi Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội và chúng tôi sắp phải đi tản cư. Trong suốt thời gian dài ở Hà Nội, thật lạ tôi chỉ còn giữ lại một hình ảnh của anh Văn ngồi bên lò sưởi ngôi nhà phố Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng), anh đang vừa đọc sách vừa xát bàn tay vào lòng bàn chân, đấy là một cách tập dưỡng sinh của anh.

Em vợ kể về mối tình đẹp của Đại tướng 2
Hai vợ chồng tướng Giáp trong một lần đến lớp học tình thương dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ của nghệ sĩ nhân dân Tường Vy.

Đến Sầm Sơn, tôi đã phải đi học ở trường duy nhất sơ tán về đấy là trường Sarraut. Tôi và chị tôi thường đi dọc con đường tuyến hai của Sầm Sơn, suốt từ ngôi nhà ở chân núi gần đến Độc Cước cho đến ngôi trường ở cuối thị xã gần Rừng Thông. Suốt con đường rải cát, hai bên là các bụi găng xén rất đẹp, chị tôi không bao giờ ngừng nói cho tôi các thứ chuyện trên đời, còn tôi thì yên lặng nghe là đủ.

Ở Sầm Sơn, thú vui lớn nhất của tôi và chị tôi lại không phải là đi tắm biển vào những ngày nắng rực rỡ, biển trong suốt màu ngọc lục bảo, mà là đi chơi vào những ngày mưa. Vào một buổi chiều, cơn bão mới tan, mưa vẫn còn bay lất phất, tôi và chị tôi mặc áo mưa đầu trần đi chân đất trên cát ướt đầy rong rêu và những mảnh vụn đen, chị tôi nói đấy là những mảnh của các con tàu bị đắm. Sau đó nhìn ra đường chân trời, biển đỏ đục ngầu rất hung dữ, chị tôi nói: “Chị muốn là con trai, vì là con gái khó có sự nghiệp”. Tôi yên lặng, đối với tôi, sự nghiệp hay ý nghĩa cuộc đời chưa là gì hết.

Hai chị em tôi tham gia những hoạt động từ thiện do cô con gái đầu của ông Lê Thước tổ chức. Vào đầu năm 1945, thị xã Sầm Sơn vốn trước đây mang một bề ngoài sung túc, bỗng thấy đầy người chết đói. Rồi bỗng nhiên vào một ngày tháng 8 rất đẹp, cách mạng nổ ra ở cái thị xã yên tĩnh ấy. Nhưng chúng tôi cũng không kịp biết gì nhiều về Sầm Sơn sau đó, vì ba tôi có lệnh của Trung ương gọi ra và hai chị em tôi được ra Hà Nội trước với ba tôi. Sau này rất nhiều năm, khi Sầm Sơn chỉ còn là ký ức đẹp của thời thơ ấu, vào một thời kỳ rất khó khăn của đời chị, chị tôi không bao giờ phàn nàn mà chỉ có một lần nói với tôi: “Dù sao Sầm Sơn cũng vẫn là lost paradise” (thiên đường đã mất).

Rồi mẹ tôi và các em ra Hà Nội. Chúng tôi được ở một biệt thự rất đẹp: biệt thự Les Saules. Anh Văn đã trở về và Bác Hồ cùng các anh khác trong Trung ương thỉnh thoảng vẫn xuống họp, có khi ngồi ngay ngoài vườn, bên cạnh một bên là cái đình tạ mái bằng, có hoa tigôn phủ đầy trên nóc, và bên kia là một cái ao, ven ao là những cây lệ liễu.

Tôi và chị tôi khám phá ra nhà kho của chủ nhân cũ: bác sĩ De Massias, bố của Nicole, bạn của chị tôi ở Sầm Sơn. Tôi lại tiếp tục có nhiều sách để đọc và khi ba tôi làm Bộ trưởng bộ Giáo dục thì hai chị em tôi thường đi xe tay lên ngôi nhà ở phố Hàng Bài để dự các cuộc họp cho tiện. Lúc đi và lúc về đều đi qua phố Khâm Thiên, một đường phố bình thường mà sao Văn Cao có thể biến thành hư ảo một cách khủng khiếp đến thế trong bài thơ "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc". Nhưng đấy là để nói về một thời đen tối đã qua. Còn bây giờ đối với một người ngưỡng mộ lý tưởng như tôi, cuộc sống bên ngoài rạng rỡ chưa từng thấy.

Cũng rất êm ả là tình yêu giữa anh Văn và chị tôi. Từ êm ả là một cái gì sáo mòn nhưng tôi thấy đúng như vậy. Bởi vì tình yêu lúc ban đầu thường rất sôi nổi, nhưng chị tôi vẫn thế, vẫn có thì giờ chia sẻ mọi điều với tôi. Chị tôi vẫn dành thời gian cho mọi người và cho mọi hoạt động xã hội. Vả chăng anh Văn cũng rất bận và cũng ít khi có thể về nhà. Còn tôi, tôi cũng rất bận và mối quan tâm lớn nhất của tôi là tham gia các hoạt động của Đội Thiếu nữ Tiền Phong.

Nhưng những ngày rất đẹp rồi cũng qua. Những ngày cuối cùng trước kháng chiến, tôi chỉ quan tâm đến việc liệu có được ở lại Hà Nội cùng với các bạn trong Đội Thiếu nữ hay không, tới mức tôi không hề biết rằng đám cưới của chị tôi đã được quyết định, vì anh Văn sẽ lên Việt Bắc, còn gia đình chúng tôi sẽ về khu bốn.

Hôn lễ đã được tổ chức rất đơn giản ở ngay phòng ngoài của ngôi nhà phố Hàng Bài, chỉ có ông Trần Duy Hưng (thị trưởng Hà Nội đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và là chủ tịch lâu nhất của UBND TP Hà Nội) và bà Thục Viên (đại biểu quốc hội đầu tiên của Việt Nam) tham dự. Thật kỳ lạ, tôi đã không nhớ tôi đã chia tay với chị tôi như thế nào, mà chỉ còn nhớ lại ngày cuối cùng tôi ở lại một mình trên gác của ngôi nhà Hàng Bài, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy có một biến cố lớn sắp xảy ra mà tôi không thể làm gì trước biến cố ấy. Tôi sẽ phải ra đi trong khi các bạn tôi ở lại Hà Nội.

Sáng hôm sau, tôi cùng ba mẹ tôi và các em rời Hà Nội, tôi chỉ còn rất ít thì giờ để cảm thấy một chút bâng khuâng. Tôi rời Hà Nội mà không có chị tôi bên cạnh, rời bỏ thành phố và cả thời thơ ấu của tôi nữa. Tôi đã 16 tuổi.

Thực ra tôi chỉ xa chị tôi khoảng bốn năm. Đầu năm 1951, cả gia đình tôi đi bộ ra Việt Bắc, chúng tôi đến Quẵng, đầu tiên ở ngay gần nhà chị tôi, sau chuyển đi cách một đoạn đường. Tôi đã học xong dự bị đại học ở Thanh Hoá và lần đầu tiên xa nhà, tôi đến dạy ở trường Tân Trào gần thị xã Tuyên Quang.

Sau ít tháng, ba mẹ tôi lại chuyển trở về khu bốn, lần này là về quê nội. Chị tôi đã thống nhất với ba mẹ tôi là sẽ giữ tôi lại ở Việt Bắc. Tôi đã 21 tuổi, cũng đã đến lúc không thể bám theo mẹ tôi mãi. Tôi phải theo nghề nghiệp và cũng như mọi người sẽ phải thành lập gia đình. Tôi di chuyển theo các ngôi trường có thể gần nhất với nơi ở của chị tôi.

Em vợ kể về mối tình đẹp của Đại tướng 3
Đại tướng và phu nhân tranh luận bức ảnh nào đẹp.

Mỗi lần có thể, chị tôi đều cho người đến đón tôi về nhà. Chị tôi ở những lán cao và thoáng. Lúc ấy chị tôi đã có hai cháu, cháu thứ hai mới được mấy tháng, tôi thường nằm cạnh nó trông cho nó ngủ và đôi khi nếu có chiến lợi phẩm, tôi lại gặm chocolate, một thứ thật hiếm hoi thời ấy.

Chị tôi rất bận vì vừa phải làm việc ở văn phòng với phải chăm sóc gia đình. Tôi thật khó hình dung cô con gái xưa kia ở Hà Nội là chị tôi lúc bấy giờ đã thành người phụ nữ bận rộn và chịu khó. Chị tôi vẫn chăm sóc tôi và có thể nói chị đã có ý kiến quyết định trong vấn đề hôn nhân của tôi. Anh Văn rất bận nhưng có lúc, anh vẫn đưa cho tôi đọc quyển "Trường kỳ kháng chiến" của anh Trường Chinh và còn giảng giải cho tôi nữa. Đầu óc lông bông của tôi cách xa những điều ấy hàng trăm dặm.

Chỉ có một đêm thức giấc, lúc chừng 3h sáng, tôi thấy lán bên cạnh vẫn đang sáng đèn, tôi thấy anh Văn ngồi thức trên bàn làm việc, đôi mắt nâu rất trong của anh vẫn sáng rực. Chắc anh đang đọc một mệnh lệnh rất quan trọng, còn anh thư ký trẻ mắt nhắm nghiền, tay vẫn đánh lia lịa trên máy chữ. Tôi không hề biết là những trận đánh lớn sắp bắt đầu.

Đến nay đã rất nhiều năm trôi qua. Cuộc đời của mỗi chị em chúng tôi đã trải qua những thăng trầm, những vui buồn như nó vẫn thường có trong cuộc đời mỗi người. Cách đây không lâu, tôi đến chơi với chị tôi. Chị bây giờ ít nói hơn trước nhiều. Chị đang soạn lại những sách báo cũ (như xưa kia chị soạn lại thư và ảnh).

Chị dừng lại và nói với tôi: “Chị thương Hồng Anh lắm” (con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên, nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái). Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn nói: “Dù sao Hồng Anh cũng đã ngoài 70”. Chị nói: “Nhưng ba nó vẫn còn sống mà nó đã mất, đó là một điều đau lòng”.

Trước khi về tôi hỏi: “Cuối cùng thì ý nghĩa cuộc đời là thế nào hả chị?”. Chị tôi đáp: “Ý nghĩa cuộc đời của chị là đã có anh Văn”. Trên đường về, tôi nhớ lại ước nguyện của chị tôi vào một buổi chiều sau cơn bão ở Sầm Sơn, đã từ lâu lắm. Tôi nghĩ chị tôi vẫn đã đạt tới ước nguyện đó, bởi sự nghiệp không chỉ là phần rực rỡ đầy hào quang, mà có thể chỉ là rất khiêm nhường âm thầm, miễn là có ích; đó vẫn là sự nghiệp cao quý. Tôi nhớ có lần chị tôi đã nói với anh Văn rằng: “Chúng ta vẫn có thể về dạy Sử và tiếng Pháp mà”.

Tôi gặp anh Văn ít lâu trước khi anh vào bệnh viện. Anh ngồi trong phòng, anh vừa tập thiền xong, mặt anh thanh thản một cách lạ thường, đôi mắt nâu và to vẫn trong suốt. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời: những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội...; còn vinh quang, tôi có cảm giác là anh đã đặt nó ở đâu đấy trong phòng, tôi không biết nữa. Một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước; cho đến gần đây, anh cũng đã làm mọi điều anh có th); nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh.

Còn đối với chị tôi, đó là mối tình đẹp nhất mà tôi được biết. Hôm vừa rồi, đứa cháu gái của tôi nói với tôi: cách đây dăm bảy năm, có một lần mẹ nó đến dẫn bà Hà đi cắt tóc. Lúc bà ra đi, ông hỏi: “Mấy giờ Hà về?” Bà Hà trả lời: “Hà sẽ về muộn, anh ăn cơm trước đi”. Ông đặt tay lên tay bà và nói rằng: “Anh sẽ đợi”. Một mối tình qua bao năm tháng vẫn nguyên vẹn như thời ở Liễu trang.

Tháng 12/2006, chị em chúng tôi mang hoa đến chúc mừng ngày hôn lễ kim cương của anh chị. Anh Văn nói: “Đối với anh, ngày nào cũng là ngày hôn lễ kim cương”.


Em vợ kể về mối tình đẹp của Đại tướng 4