Lính phòng không là phi công trẻ
Vừa ly hôn, chị Minh Thảo (nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội) đã có ngay một “cậu em” lẽo đẽo đi theo tình nguyện làm xe ôm miễn phí. Cậu em này làm cùng cơ quan, trót thầm thương trộm nhớ chị từ hồi mới vào làm, nay có cơ hội nên chả dại gì lại không tấn công. Với những chiêu ‘teen hết mình” như vẽ lời yêu thương ở Bến Hàn Quốc, một nụ hôn dưới mưa hay lời tỏ tình trong ánh nến lung linh tại một quán ăn lãng mạn…, trái tim tưởng như khô cằn của chị Thảo được hồi sinh.
Chẳng bao lâu, bố mẹ chàng biết chuyện và có những can thiệp mang tính kinh tế đối với cậu ấm. Ngày các cụ chính thức đưa "tối hậu thư" sẽ tịch thu "con BMV" mới cứng vừa tậu cho cậu con trai nếu còn tiếp tục quan hệ với Thảo là ngày chàng phi công trẻ chính thức nói lời chia tay với bà chị. "Hóa ra tình yêu đối với mình không bằng con xe bốn bánh hào nhoáng kia”, chị than thở.
Lính phòng không là "giai quá lứa”
Đó là những anh chàng mải học hành, sự nghiệp hoặc kén cá chọn canh nên quá băm xấp xỉ chục năm rồi mà vẫn “sớm tối đi về mặc ai”. Những tưởng các chàng này tuy thiếu tình yêu nhưng có thừa điềm đạm, chín chắn, lại học hành hiểu biết hơn người thì quả là của quý hiếm, nhưng không hẳn vậy.
Thu Hằng, 33 tuổi, nhân viên một công ty tư vấn du học ở Hà Nội, kể: Một anh chàng như vậy vừa bị cô cho đi tàu suốt bởi đằng sau vẻ bề ngoài đạo mạo là một con người ích kỷ, thiếu sự cảm thông. “Khi tình yêu sắp đến đoạn chín muồi, chỉ chờ ngày tổ chức hôn lễ thì chàng rành rọt đưa ra tuyên bố hết sức nghiêm túc là anh muốn yêu em, cưới em chứ không cưới cả cô con gái 6 tuổi của em, khiến mình thực sự choáng váng. Những tưởng đã chấp nhận đến với mình là phải thông cảm với hoàn cảnh của mình, ai ngờ…”, Hằng tâm sự.
Lại có những chàng quá lứa vẫn “mơ về nơi xa lắm” với mẫu người yêu có tiêu chuẩn cao vời vợi: trẻ trung, xinh đẹp, có học thức, công ăn việc làm ổn định, lại con nhà lành… Với những chàng này, việc dan díu với những người phụ nữ lỡ dở trong hôn nhân chủ yếu chỉ vì tình dục, bởi họ cho rằng phụ nữ đã trải qua một cuộc hôn nhân sẽ có nhiều kinh nghiệm trong “chuyên ấy”, và cũng dễ dãi hơn. Việc quan hệ với phụ nữ đã ly hôn được họ coi như bước tạm nghỉ giải lao trên con đường "chiến chinh" tìm vợ chưa biết lúc nào có hồi kết. “Điều đó khiến những người phụ nữ đứng đắn, tự trọng như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm vô cùng”, Thanh Mai, nhân viên kinh doanh của một hãng đồ uống, chia sẻ.
Lính phòng không là trai mồ côi vợ
Khi gặp những người đàn ông thuộc nhóm này, chị em thường nghĩ hoàn cảnh giống nhau sẽ sinh ra đồng cảm, từ đó đến sự đồng điệu trong tâm hồn là khoảng cách không xa. Nhưng nhiều khi đó chỉ là mơ hão. Hãy nghe Thu Thủy, giám đốc một công ty truyền thông ở Đống Đa, Hà Nội, kể về người đàn ông mà cô từng đinh ninh là bến đỗ cuối của cuộc đời mình: “Trong lúc tìm hiểu nhau, anh ấy không ít lần đưa bạn bè về nhà mình tụ tập ăn uống mà không hề đưa mình một xu. Sau đó anh ấy ngỏ ý muốn cả hai xây tổ ấm tại nhà mình, còn nhà anh ấy và toàn bộ tài sản sẽ chính thức sang tên cho hai cậu con trai riêng. May mà mình tỉnh táo dập tắt luôn cuộc tình đó khi dấu hiệu đào mỏ vừa mới nhen nhóm”.
Lại không ít người đàn ông quan niệm phụ nữ đã ly hôn sẽ không được quyền giận dỗi, đòi hỏi như những cô gái trẻ mà ngược lại phải biết chiều chuông người đàn ông của mình. Tóm lại họ muốn có một ôsin mang tên “vợ”.
Qua mấy câu chuyện trên, có thể bạn sẽ hỏi: Yêu phải lính phòng không trẻ, già hay từng có vợ đều có thể có kết cục xấu, vậy chẳng lẽ chị em đã ly hôn không nên "dính dáng" đến lính phòng không? Chẳng lẽ phải chịu cô đơn hoặc "lăng nhăng" với các chàng có vợ hay sao? Không phải thế. Vấn đề là rất nhiều đàn ông cho rằng họ sẽ dễ lợi dụng phụ nữ đã ly hôn, hoặc ép các chị ở vào thế bất lợi. Vì vậy, khi muốn "làm lại cuộc đời" với một người đàn ông mới, chị em nên tỉnh táo để nhận đúng người thực sự yêu và tôn trọng mình, cho dù anh ta là "phi công trẻ", "trai quá lứa" hay "mồ côi vợ".