May mắn bạn vớ được ông chồng chăm chỉ hay lam hay làm, yêu chiều vợ con hết mực. Nhưng nếu không may vớ phải những ông chồng lười hơn “em chã”, lại hay ngắm nghía "gái đẹp" thì bạn nên xác định “cải tạo” hắn thật triệt để. 

Ban đầu, Thảo cũng “điên” lắm mỗi khi chồng cứ hết nghiêng bên này, ngó bên kia để… ngắm gái. Định mắng cho chồng một trận nhưng cô bấm bụng đợi về nhà. Dù biết chồng có tật đó từ ngày yêu nhau nhưng cô vẫn an ủi mình khi nào có vợ và con thì anh sẽ bỏ dần được thói quen xấu đó. 

Thế nhưng 1 năm trôi qua, mức độ không hề giảm mà còn tăng lên. Đã thế, Thảo quyết thay đổi mình để “dạy chồng”. Tận dụng gương mặt quyến rũ, gợi cảm, Thảo chú ý hơn tới ăn mặc. 

Mở đường cho vài anh đồng nghiệp đẹp trai tán hươu tán vượn qua điện thoại và đương nhiên cô cố tình để yên những tin nhắn đó cho chồng đọc. Thành, chồng cô hết hồn khi mỗi ngày có hàng chục tin nhắn “đong đưa” và hoa tươi được gửi đến cho vợ.

Tuyệt chiêu này sẽ hiệu quả hơn khi bạn "một mình một giang sơn" (Ảnh minh họa)

Anh tức điên lên mỗi khi ra đường cùng vợ, “ngồi cạnh chồng mà miệng nàng cứ ‘leo lẻo’ ‘ôi, anh kia mới đàn ông làm sao! Tay cuồn cuộn thịt săn chắc'. Cô ấy làm tôi phát điên." Anh bực mình chia sẻ.  

Thấy chồng khó chịu ra mặt, Thảo lại càng được thể, cười phớ lớ rồi hăng máu khen “trai” hơn. Rút kinh nghiệm, Thành chẳng còn dám ngắm gái. 

Rồi như Mai Nguyệt (Hà Đông), lấy chồng được 2 năm, ai nhìn vào cũng thấy đây là gia đình kiểu mẫu, chị quá sướng khi lấy được Thắng, anh chồng chăm chỉ việc nhà, yêu thương vợ con. 

Đôi lần, bố mẹ đẻ của chị còn phải phát ngượng khi từ quê lên chơi thấy con gái đang nằm chình ình đọc báo còn ông con rể lại đang nai lưng ra lau nhà. Ai cũng xin chị bí quyết chọn chồng, chị cười hỉ hả: “Chọn là chọn thế nào, phải luyện đấy.”

Chị chia sẻ, "một lưu ý tối quan trọng đó là bạn cần kết hợp nhịp nhàng giữa những đòn tâm lý ngọt nhạt với những pha hành động quyết liệt. Các ông thường rất sỹ, khi được vợ nhỏ nhẹ rót mật vào tai, anh ta “sướng”, mình nói gì anh ấy chẳng làm theo."

Chị tuyên bố rõ ràng với anh xã trước khi cưới: “Anh là người sướng nhất khi cưới được em. Lấy anh xong, em đã phải hy sinh đủ mọi thứ: tuổi trẻ, sắc đẹp, cuộc sống tự do của em. Vì thế, anh phải 'bù đắp’ cho em.”

Rồi chị “nhồi nhét” vào đầu anh rằng, việc nhà không hề thiếu nam tính mà ngược lại nó rất nhân văn, vân vân và vân vân. 

Chị Đan (Long Biên) cũng chung tư tưởng “luyện chồng”. Chị nói: “Đừng bao giờ coi đây là việc riêng của mình mà hãy coi đây là cõi thiên đường của chồng. Nếu nghĩ người vợ luôn phải nấu ăn giỏi mới giữ được chồng thì chưa chắc đã chuẩn, với suy nghĩ đó người vợ mãi mãi biến thành đầu bếp riêng của chồng thôi. Tôi luôn dành những lời khen tặng cho chồng. Động viên anh ấy nấu những món ăn đơn giản và dễ làm. Tôi cứ mặc định, khi nào đến món rau muống luộc, cá rán, trứng tráng là tôi sẽ ới anh yêu ngay. Dần dần, anh xã cũng thấy háo hức mỗi lần vợ “nhờ” vào bếp. Rồi có hôm, anh xã còn xung phong đi chợ nấu cơm nữa.”

Đàn ông là chúa hay ở bẩn, nhiều khi họ cứ khoán cho vợ, rồi yên tâm sẽ có quần áo thơm tho mỗi khi mở tủ. Chị Ngọc có cách trị chồng như sau: “Mình cứ để mặc xác ông ấy, cho đống quần áo ấy ngồn ngộn lên, bát đũa tung tóe, phòng ốc hôi hám, chăn màn luộm thuộm. Và đương nhiên, ông ấy sẽ cằn nhằn chê bai vợ. Lúc đó mình sẽ nói ‘em cũng có công việc của mình, con em chăm. Em cần sự giúp đỡ của anh’. Vài lần như vậy, anh ấy không còn coi đây là việc của mình."

Công việc luyện chồng chứa đầy may rủi và cần sự giúp đỡ của thời gian. Một lưu ý quan trọng cho người sử dụng đó là, chiêu này chỉ hiệu quả khi bạn "một mình một giang sơn" còn nếu bạn là thành viên mới tinh trong gia đình nhiều thế hệ thì e hơi khó thực hiện.