Với những cô gái không may kém nhan sắc, chuyện “chung thân” là một nỗi lo của họ và cả phụ huynh. Vì vậy, nhiều cô gái tuy còn rất trẻ đã có ý tìm chồng.

Xấu nên phải lấy chồng sớm?

Các bạn lớp cấp ba của Thủy “sốc toàn tập” khi nhận được thiệp cưới của cô bạn xấu gái nhất lớp này. Gặp nhau tại bữa cơm thân mật, bạn nào cũng hỏi “bác sĩ bảo cưới” hay sao mà gấp thế, Thủy cười: “Làm gì có. Tớ mà được xinh như các bạn thì cũng chẳng lấy chồng sớm làm gì. Nhưng cưới bây giờ, tớ còn được là gái trẻ và xấu. Chứ để ít năm nữa, tớ thành gái vừa già vừa xấu thì ai dám lấy?”.

Tâm lý “xấu thì nên lấy chồng sớm” khá phổ biến ở những cô gái kém nhan sắc. Vì thế nhiều cô tuy mới mười chín, đôi mươi, hoặc đang học dở đại học, đã đua nhau lấy chồng. Thanh Hương, nhân viên kinh doanh một công ty ở Hà Nội, nói: “Giờ soát lại các bạn thuộc lớp cũ hồi cấp hai, cấp ba, các bạn thời đại học, và để ý nhiều lớp mình quen, thì thấy những cô kém sắc nhất lại lấy chồng sớm nhất. Nhiều bạn là hoa khôi khi lấy chồng thì các bạn kia đã con lớn cả rồi”. Còn Thủy tâm sự với các bạn rằng sau đám cưới, cô thấy yên tâm rằng đã có một tấm chồng. Từ giờ có thể an lòng học hành phấn đấu tiếp, rồi sinh hai đứa con, thế là cuộc đời không phải lo gì nữa.
 
 
Nhiều vị phụ huynh cũng lo về đường hôn nhân của cô con gái không được thần sắc đẹp ưu ái nên đã phải “ra tay” sớm. Họ để ý tìm kiếm, săn đón các chàng trai “phù hợp”, nhờ người mai mối… Chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu gia đình khá giả. Thúy Kiều, 33 tuổi, sống ở Cầu Diễn, Hà Nội, tâm sự: “Mình từng oán bố mẹ sao lại đặt cho mình cái tên của giai nhân trong khi mình xấu thế này. Nhưng phải nói thật là nếu bố mẹ không có điều kiện, chưa chắc mình đã có gia đình hạnh phúc như bây giờ”.

Bố mẹ Kiều lo kiếm rể từ khi con gái mới học năm thứ nhất đại học. “Đối tượng” họ nhắm đến là một chàng trai người cùng xã, cũng đi học ở Hà Nội như Kiều. Vốn có quen biết, ông bà lấy cớ đi lại thành thân thiết, tạo điều kiện cho hai trẻ quen thân nhau. Rồi họ đánh tiếng muốn làm thông gia, và sẽ giúp hai trẻ có cơ ngơi, công việc ở Hà Nội. Nhà trai đang lo mình nghèo không lo được cho con, lại thấy nhà gái cũng chân tình nên vun vào cho con trai. Chàng trai thấy Thúy Kiều tuy không xinh nhưng ngoan ngoãn, học giỏi, đảm đang… nên cũng ưng bụng. Kiều mới học năm thứ ba thì cưới. Hai vợ chồng sống trong căn hộ chung cư ông bà ngoại mua cho, kèm thêm một số vốn khá lớn để mở công ty. Tuy có thể gọi là hôn nhân sắp xếp nhưng hai người lại rất yêu nhau và hạnh phúc với hai đứa con cả nếp lẫn tẻ.

“Săn” chồng bằng mọi giá

Với những cô gái kém nhan sắc đã cứng tuổi, chuyện tình duyên càng khó khăn hơn, như trường hợp của Bích Đào, đã 34 tuổi vẫn độc thân. Sau mười mấy năm chờ con gái thành gia thất, bố mẹ Đào quyết định rằng họ phải can thiệp. Bố Đào, giám đốc một công ty, vốn cũng rào đón một nhân viên nghèo nhưng anh chàng không mặn mà. May gặp lúc anh ta gặp rắc rối lớn vì khoản nợ khổng lồ của người mẹ ham đánh bạc, ông bèn “tấn công” và cũng được thở phào khi trở thành bố vợ.
 

Còn Thảo Nguyên, 28 tuổi, Hà Nội, không may mắn có bố mẹ giàu nên phải tự lực cánh sinh. Hết hy vọng vào các cuộc hẹn hò, xem mặt rồi các chàng trai lại biến mất, cô quyết định trói một chàng bằng mưu mẹo. “Đối tượng” là một người bạn của anh trai cô. Với kịch bản “xưa như trái đất” là chuốc rượu “đối tượng” trong cuộc vui rồi dìu chàng vào phòng, nhưng Thảo Nguyên đã cẩn thận để cái thai hơn ba tháng mới thông báo cho gia đình chàng biết. Bố mẹ chàng thất vọng vì Nguyên nhan sắc kém nhưng cũng mừng vì sắp có cháu nên đã ra sức ép ông con trai duy nhất đã 40 tuổi vẫn thích độc thân phải cưới Nguyên.

Mải lo “săn” chồng, những người như Đào và Nguyên quên mất rằng lấy được chồng chưa phải là “xong”. Thế nên sau đám cưới, họ đã phải rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì sự ghẻ lạnh của người chồng mà họ hoặc gia đình đã phải dùng mưu mới ‘trói” được.

Tự “nâng giá” cho bản thân

Bên cạnh những trường hợp vừa kể, có vô số cô gái kém sắc vẫn có được tấm chồng ưng ý và sống hạnh phúc. “Em biết mình không xinh, nhưng chẳng bao giờ tự ti hay lo lắng về điều đó cả, vì em biết mình có nhiều nét đẹp khác”, Ngọc Linh, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội, tâm sự. Để bù cho điểm trừ về nhan sắc, cô chăm chỉ học hành để trở thành người phụ nữ giỏi giang, năng động. Do chịu khó ‘nghiên cứu” về thời trang, cách thức làm đẹp cộng với phong thái tự tin, thoải mái có được nhờ việc giao tiếp nhiều và lối sống vui vẻ nên dần dần, mọi người quên mất là cô xấu. Nhiều người thậm chí còn nhận xét là Linh rất duyên dáng. Cô chẳng khó khăn gì để tìm được một ý trung nhân.

"Khi cho điểm một cô gái, ngoài hình thức, người ta còn để ý cả tính tình, trí tuệ, tâm hồn", Linh nói "Em không xinh nhưng lại đáng yêu. Đáng yêu thì làm sao ế chồng được chứ!".
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!