Trong số hàng chục nghìn lao động bị mất việc, có rất nhiều người là trụ cột của các gia đình. Họ phải bươn chải tìm công việc tạm bợ để đắp đổi. Gia đình chị Xuân ở huyện Hóc Môn, TP HCM đang ngập trong khốn khó. Chồng chị vốn là trụ cột gia đình, nhưng từ khi cả hai anh chị bị mất việc cách đây hơn một tháng, ba đứa con phải nghỉ học để phụ mẹ bán cà phê vỉa hè, anh chuyển sang chạy xe ôm. Khách ít mà xe nhiều, anh bị “đồng nghiệp” đánh do giành khách, phải nằm viện. Tiền bốn mẹ con phụ bán cà phê, hơn nửa được dành lo thuốc thang cho anh, phần còn lại chỉ đủ rau mắm qua ngày.

 
Anh Trần Tâm, trước đây là công nhân Công ty giày da Huê Phong, quận Gò Vấp, bị mất việc hồi tháng 12/2008, bộc bạch: “Tôi phải chạy vạy đủ việc để kiếm sống, hiện làm công nhật cho một công trình xây dựng. Có bữa ốm đau, nhưng nào dám nghỉ. Một ngày không làm, không có tiền mang về nuôi vợ con, tôi cảm thấy như mình có tội”.
 
Mục tiêu mưu sinh đặt lên đầu, chuyện tình cảm vợ chồng bỗng trở thành “xa xỉ”. Căn phòng trọ chật chội của gia đình chị Hòa ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM, trước đây luôn tràn ngập tiếng cười. Không khí thay đổi hoàn toàn khi anh bị công ty sa thải, chị mất việc làm. Cầm trong tay tháng lương cuối, anh chị nhìn nhau ứa nước mắt. Trích từ ngân quỹ còm được 200.000 đồng, chị xoay sang ngày bán trái cây ở cổng trường học, tối bán trứng vịt lộn ở vỉa hè. Anh gắn biển xe ôm vào chiếc xe, ra đầu đường chờ khách. Đã hai tháng, hai vợ chồng gần như không nhìn thấy mặt nhau…

“Từ ngày mất việc, suốt ngày suốt đêm, trong đầu tôi chỉ luôn nghĩ làm sao có tiền để mua rau, mua cá”, chị Mỹ Hạnh ở quận 12, TP HCM, tâm sự. Mỗi ngày, chị phụ bán quán 16 tiếng, từ mờ sáng đến nửa đêm, về tới nhà đã mệt lả. “Tôi chỉ nhìn thấy mặt chồng lúc anh đã ngủ. Cả tuần vợ chồng không nói với nhau một tiếng, ông ấy có khúc mắc gì, tôi cũng chẳng biết. Chưa kể, mệt mỏi quá, chuyện chăn gối không ai dám nghĩ đến. Nếu tình cảnh này kéo dài, không rõ có ổn không”.
 
Trong số những người mất việc, có rất nhiều người đang là trụ cột gia đình.
 
Gánh nặng áo cơm càng lớn dần khi thời gian thất nghiệp kéo dài, làm biến dạng tình cảm gia đình, thậm chí là nguồn cơn của đổ vỡ. Trước đây,vợ chồng anh Quang, chị Thoa (công ty Dona Pacific, Đồng Nai) chưa bao giờ to tiếng với nhau. Thế nhưng sau đó cả hai mất việc, chị phải ở nhà trông con nhỏ, anh bươn chải làm thuê. Một ngày, không thấy chồng đưa tiền, chị buột miệng hỏi. Đang tuyệt vọng vì rỗng túi, anh nổi nóng. Xung đột bùng phát như ngọn lửa không thể dập tắt.

Khi đưa đơn ly hôn lên tòa án, anh Quang tâm sự: “Quả thật tôi tài hèn sức mọn, nhưng không thể sống với người không biết thông cảm. Nhiều ngày tôi phải nhịn đói làm việc nặng nhọc, thế mà…”. Còn chị thì nức nở: “Chỉ vì nhìn con đói lả trên tay, em xót quá…”.  Sau khi được tòa hòa giải, anh chị đã hiểu ra rằng, phải thật cẩn trọng bởi đây là lúc hạnh phúc dễ đổ vỡ và vợ chồng dễ làm tổn thương nhau nhất.

Một triết gia đã nói: “Sống là phải biết chấp nhận”. Mỗi thành viên trong gia đình cần biết chấp nhận thực tế và tìm cách để chia sẻ khó khăn với các thành viên còn lại. Cùng quan điểm như vậy, đa số các cặp vợ chồng công nhân vẫn tin ngày mai sẽ tươi sáng. Những bức xúc cơm áo gạo tiền có thể còn kéo dài, nhưng tình yêu và hạnh phúc gia đình mới là giá trị vĩnh cửu. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vĩnh, anh Đào Tiệp, công nhân khu công nghiệp Tân Bình, cho rằng: “Đâu phải chỉ ngày hôm nay mới gian khó. Khi còn ở quê, vợ chồng cũng tháng ba ngày tám quanh năm. Thời cha mẹ, ông bà ta ngày xưa còn  khó khăn gấp mấy, mà vẫn vượt qua được đó thôi”.

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Việt Cử, trung tâm Tư vấn hướng nghiệp - tâm lý - giáo dục trẻ, quận Bình Thạnh, đàn ông bao giờ cũng muốn mình là trụ cột gia đình. Việc họ không gánh vác nổi gánh nặng kinh tế là ngoài ý muốn, người vợ cần biết chia sẻ, yêu thương. Người chồng cũng nên tìm mọi cách xoay xở để lo cho gia đình, nếu vì khó  khăn mà bất mãn hay la cà nhậu nhẹt thì thật đáng trách. Khó khăn thật ra cũng là thuốc thử cho tình yêu và hạnh phúc gia đình.
 
Theo Báo Đất Việt