Chồng chỉ quan tâm đến bản thân

Là con một nên dù không được sinh ra trong gia đình khá giả nhưng anh Tùng Lâm vẫn được chiều chuộng hết mực. Ngay từ nhỏ anh đã coi mình là cậu ấm. Bố mẹ phải răm rắp thực hiện mọi yêu sách mà anh đưa ra. Tới khi lấy vợ, anh vẫn giữ nguyên tính nết ích kỷ đó.

Chị Hà, vợ anh sớm nhận ra bản tính ích kỷ của anh. Nhưng vì quá yêu nên chị chỉ nghĩ đơn giản cứ cố chiều anh là xong chuyện. Khi yêu, mọi chuyện cũng không đến nỗi nào. Nhưng cuộc sống gia đình làm đảo lộn tất cả. Đặc biệt kể từ khi có con, trách nhiệm mới và các công việc không tên xuất hiện ngày càng nhiều. Lúc này, chị không thể không cần đến sự giúp đỡ của chồng. Nhưng điều mà chỉ nhận lại chỉ là những lời cằn nhằn.

Anh luôn thể hiện mình như một người đàn ông thành đạt và đe nẹt vợ: “Có mỗi việc đẻ con, nuôi con mà cũng không làm được. Chẳng lẽ anh lại đẻ thay em. Đường đường là một thằng đàn ông, việc của anh phải là kiếm tiền, chăm lo sự nghiệp chứ không phải đổ bô, thay tã cho con”.

Sự nghiệp nghe có vẻ to tát chứ thực sự dù đã gần 30, anh Lâm vẫn chỉ là nhân viên quèn. Ấy vậy mà, ngày nào cũng tờ mờ tối anh mới có mặt ở nhà. Hôm thì anh kêu nhiều việc, lúc thì anh than hệ thống máy tính hỏng mà chỉ anh mới sửa được. Mãi sau này, qua một người bạn, chị mới biết, chiều nào anh cũng ở lại chơi điện tử với mấy em đồng nghiệp chưa vợ.

Cô chán nản khi chồng hờ hững, ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân (Ảnh minh họa)

Việc mua sắm trong gia đình cũng vậy. Trong khi anh Lâm liên tục đổi điện thoại di động cho hợp mốt thì chị Hà khốn khổ với cục gạch cũ rích, bị con ném hỏng lên hỏng xuống. Dù chị không cằn nhằn nhưng anh vẫn giải thích anh là đàn ông ngoại giao nhiều nên không thể xuề xòa được. Còn chị Hà là nhân viên văn phòng bình thường, không tiếp xúc với khách nhiều nên chẳng cần lấy le với ai.

Ở trường hợp khác, không chỉ ích kỷ với bố mẹ, với vợ, anh Tiến còn ích kỷ với cả con. Anh tự cho mình là số một trong gia đình. Vì vậy, mọi ưu tiên đều phải để cho anh. Ngay cả con cũng chỉ được xếp ở hàng thứ hai.

Gia đình anh Tiến cũng có của ăn của để. Nhưng một lần, sau khi gom hết tiền mặt mua căn hộ chung cư, gia đình anh cạn két. Đúng thời điểm đó, máy tính của con anh hỏng mà cháu lại cần gấp, cùng bạn thực hiện một dự án về bảo vệ môi trường để dự thi. Nhưng anh nhất định không chịu nhường con khoản tiền đó vì đơn giản anh phải đóng tiền mua thẻ golf.

Anh quát con: “Mấy cái trò dự thi vớ vẩn năm nào mà không có. Mày cứ tập trung vào học cho tốt đi. Học mới là quan trọng. Thi thố ích gì. Học giỏi đi cuối năm tao mua máy tính xịn cho”.

Chị Tâm, vợ anh Tiến biết tính chồng nên lẳng lặng tất tả đi vay mua cho con chiếc máy tính để cháu làm dự án với bạn. Thấy vợ mua máy tính mới, anh Tiến cũng không bận tâm, với anh, cứ việc của mình ổn là được. Chuyện còn lại vợ lo thế nào cũng xong.

Vợ héo mòn vì cô độc

Khi còn đang đắm đuối trong bể tình, chị Hà thấy việc chịu đựng tính ích kỷ của anh Lâm là một nét đáng yêu. Nhưng càng về sau, chị càng thấy lo ngại. Mọi công to việc lớn trong gia đình đều dồn xuống đôi vai nhỏ bé của chị. Lo hết việc nhà, chị lại quay sang cung phụng “ông giời to”. Anh Lâm coi đó là việc đương nhiên phải thế vì anh là số một. Mọi quyết định trong nhà đều tuân theo nguyên tắc có lợi cho anh không, có làm anh thoải mái không?

Nhiều lần tâm sự mà không lay chuyển được chồng, chị Hà vô cùng chán nản. Và rồi chị đi tìm niềm vui bên ngoài một cách rất tự nhiên. Chị có bồ. Đó là đồng nghiệp của chị. Chị chẳng cần tìm hiểu xem anh ta có yêu chị thật lòng hay không mà chỉ cần biết anh ta quan tâm đến chị, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng chị.

Càng ngày, cô héo mòn vì cô độc (Ảnh minh họa).

Chị bồ bịch đến cả năm trời mà anh Lâm không hề hay biết vì về nhà, chị vẫn cung phụng, vẫn nín nhịn anh như ngày nào. Còn anh Lâm chỉ biết suy nghĩ cho bản thân nên không nhận ra sự đổi thay của chị. Cuộc sống gia đình diễn ra lặng lẽ, nhạt nhẽo. Chị Hà không muốn ly dị vì con và vì chị cũng lờ mờ cảm nhận cái tình yêu với đồng nghiệp kia chỉ đơn giản là một cuộc chơi, một cuộc chơi chị không muốn nhưng không nỡ chối từ vì mình quá cô đơn.

Không giống chị Hà, chị Tâm không tìm niềm vui bên ngoài mà lại quyết định ra đi. Anh Tiến chết lặng khi nhận được lá đơn ly dị nóng hầm hập chị để trên bàn. Chị nói sự ích kỷ của anh đã giết chết tình yêu và kiên nhẫn của chị. Chị sẽ ra đi cùng con để mặc anh dùng tiền thỏa mãn các sở thích riêng của mình.

Đến lúc này, anh Tiến mới giật mình suy nghĩ. Anh van xin chị đừng bỏ anh, anh sẽ thay đổi vì gia đình. Hiện tại, anh Tiến đang trong “án treo”. Chị Tâm cho anh một  cơ hội mặc dù chị biết “non sông bất di, bản tính bất dịch”.