Linh sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, lớn lên, cô được gả vào một gia đình khá giả hơn nhà cô rất nhiều. Cứ tưởng điều kiện gia đình chồng như thế, hai người lại có thời gian yêu lâu trước khi cưới, cô sẽ có cuộc sống sung túc, thoải mái. Nào ngờ, ngay khi về làm dâu nhà chồng, Linh đã "hết hồn" vì lối ăn nói và những thói xấu của bố chồng. Linh thấy bố chồng cô hội tụ đủ những phẩm chất mà có kể ra một trang sử hùng tráng cũng không hết: bảo thủ, gia trưởng, độc đoán, xét nét, hàm hồ, sĩ diện…
Ông cực kì thích xét nét và săm soi mọi thứ từ đầu đến chân của Linh. Có hôm cô lĩnh lương, tự thưởng cho mình một đôi giày mới. Mới bước chân vào nhà, ông đang ngồi chễm chệ ngay phòng khách, thấy Linh có đồ mới ông hậm hực lên tiếng: “Nuôi con cho nó lớn, nó khôn vào, khôn đâu chẳng thấy, chỉ thấy rước phải con vợ ngoi từ vũng bùn lên mà ăn mà diện. Còn chồng nó đến 1 năm cũng chẳng thấy có đồ mới gì”. Nghe những lời nói cay nghiệt, độc đoán của bố chồng mà đôi mắt Linh ngấn lệ vì tủi thân. Linh đâu dám cãi lại cũng chỉ bởi cô muốn cho gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Ngay đến cả những chuyện nhỏ nhặt nhất trong nhà, ông cũng đem cô ra mà phán xét, hoạnh họe đủ điều. Có bữa, Linh dọn ra mâm cơm có món giá đỗ xào tôm. Bố chồng cô đi xuống thấy vậy thì mắng cho cô một trận rồi tức giận đi vào phòng không thèm ăn trưa. Linh hốt hoảng vì không biết mình đã phạm tội gì nghiêm trọng mà phải để cho bố mắng thậm tệ như vậy. Hỏi mẹ chồng thì cô mới biết hóa ra nhà chồng cô có thói quen ăn giá đỗ phải bỏ gốc đi mà Linh không hay.
Chồng cô thấy bố mình mắng vợ nặng nề chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt không đâu thì anh lên tiếng: “Bố ơi, vợ con chưa quen với cách ăn của nhà mình, bố chỉ cần dặn là được thôi mà”. Vậy là lòng tự trọng của bố chồng Linh nổi lên, ông ném chiếc chén vương vãi khắp nhà rồi quát: “Mày là thứ để cho vợ leo lên đầu, nó nhỏ to gì với mày mà mày dám cãi lại tao”. Rồi ông quay sang cô mà chửi: “Mày mày xúi con tao chửi cả tao. Mày liệu hồn mà ăn ở”. Linh ức lắm bởi vì một chuyện cỏn con mà cô bị ông chửi thậm tệ, xúc phạm danh dự như vậy. Nhưng khi lên phòng, chồng cô lại an ủi cô nên cô đành nuốt nước mắt vào trong mà cố chịu đựng, nhẫn nhịn.
Ngay khi về làm dâu nhà chồng, Linh đã "hết hồn" vì lối ăn nói và những thói xấu của bố chồng (Ảnh minh họa).
Chưa kể, ông còn có tính sĩ diện hão phải gọi là nhất xóm nhất làng. Vợ chồng Linh cùng nhau gom góp tiền bạc làm ăn bao nhiêu năm mới dành dụm được vào xây nhà chung cùng bố mẹ cho hoành tráng. Đến ngày xây xong, ông đặt ghế ngồi trước nhà từ sáng đến chiều với mục đích chủ yếu là để khoe với hàng xóm. Ai đi qua đi lại ông đều kêu vào khoe tất cả đồ nội thất hay nguyên cái nhà này là do ông bà tự thiết kế, bỏ tiền mua sắm hết cả... “Mình đến mà phát ngán với cái lối sĩ diện ấy của bố chồng. Cái gì mà hay ho thì cũng chỉ của ông, của nhà ông mà thôi”, Linh thở dài ngao ngán.
Rồi đến chuyện cho con đi học cũng làm Linh đau đầu không kém. Bố chồng cô cực kì bảo thủ, bất cứ chuyện lớn bé gì trong nhà đều phải qua sự đồng ý của ông. Nếu ai gan lớn mà dám trái lệnh thì bố chồng cô sẽ chửi như tát nước vào mặt cho đến khi mệt mới thôi, không kể là con đẻ hay con dâu. Linh mếu máo tâm sự “Thằng nhóc nhà mình được 1 tuổi rưỡi thì mình bàn với chồng cho con đi nhà trẻ. Nào ngờ chồng mình mới mở miệng nói với cha mẹ thì ông nhảy đựng lên quát ‘Chúng mày điên à, nó chưa biết nói, đi nhà trẻ vậy nhỡ khi bị đánh cho thâm tím mình mẩy chúng mày có chịu được không’. Chồng mình bực lắm nhưng chẳng dám cãi lời vì chồng mình rất có hiếu với bố mẹ. Mình thì nghĩ phải cho con đi để cho có bạn có bè, biết múa biết hát chứ để ở nhà với ông bà nội, ông bà chiều quá lại đâm hư. Vậy là cuối cùng vợ chồng mình phải nhượng bộ, chờ cho con đến 3 tuổi mới cho đi trẻ”.
Sống chung nhà có ông bố chồng như thế, Linh nhiều lúc cũng muốn khăn gói về nhà mẹ đẻ lắm nhưng đạo làm con không cho phép cô làm vậy. Cũng may cô có người chồng yêu thương vợ con, rất tâm lý, an ủi vỗ về cô mỗi khi cô bị bố chồng mắng oan. Linh cho hay: “Bây giờ nếu bố chồng mà có chửi mình thì mình cứ làm như đang nghe ai hát vậy, mình không để bụng làm gì cho mệt người. Chỉ cần bên cạnh mình có một người chồng yêu thương vợ con, biết chăm sóc vun vén cho tổ ấm là quá đủ rồi. Từ ngày mình làm lơ như vậy thì cả chồng và mình đều cảm thấy dễ thở hơn. Mình không còn khóc hay rầu rĩ như ngày mới về làm dâu nữa ”.