Hai người tiến tới hôn nhân và bạn bảo đó là... do số phận!

Khi tìm hiểu, từ chỗ ghét cay ghét đắng, bạn phát hiện ra anh ta cũng có nhiều điểm ấn tượng, rồi cả hai yêu nhau từ lúc nào không biết. Đám cưới diễn ra vui vẻ. Có ai hỏi về cuộc hôn nhân này, bạn bảo là… do số phận. Nhưng, nghiên cứu của các nhà khoa học lại nói rằng, hôn nhân không hẳn là do số phận sắp đặt.

Sự tình cờ mang đến những... đứa con

Ăn mãi một món bạn sẽ thấy phát ngấy, nhưng trong hôn nhân, nó nhiều khi lại là điều hoàn toàn ngược lại. Anh bác sĩ cùng trực chung những đêm dài lạnh lẽo ở bệnh viện, chàng giáo viên dạy chung một mái trường trong nhiều năm, thậm chí anh hàng xóm hay cho mấy quả táo, có khi họ “nhảy” từ đồng nghiệp, bè bạn sang... vai vế làm chồng mình lúc nào không biết!

Giáo sư Hazan và các đồng nghiệp tin là cũng giống như đứa bé rất quyến luyến mẹ của nó, chúng ta “quyến luyến” nhau theo… cùng một cách thức như thế. Đối với đứa bé, đó là cách bảo đảm một môi trường để sống còn, còn đối với người lớn thì ve vãn người “trong tầm tay” cũng là cách chúng ta tìm thấy an toàn và tin tưởng trong cuộc sống.

GS Hazan nhận xét: “Sự gần gũi là cái lõi của của quyến luyến, người thân quen tức khắc tạo cho ta cảm giác bình an và dịu dàng”. Sự quen thuộc có thể mang đến coi thường, nhàm chán, ù lì hay bất cứ cái gì bạn có thể xem là “không xán lạn” lắm, nhưng có lẽ bạn đã quên mất rằng nó cho bạn những đứa con kháu khỉnh!

Thế còn tiếng sét ái tình?

Sẽ có người nhăn mặt phản đối: thế còn tiếng sét ái tình, chả lẽ không có tác dụng? Không ai bác bỏ điều đó, nhưng các nhà tâm lý dựa vào sự kiện và kinh nghiệm lại cho rằng, yêu nhau có thể vì cái nhìn đầu tiên, còn lấy nhau thì phải có sự gần gũi. Nhiều khi, chính sự gần gũi làm cho không yêu cũng thành “có” yêu.

Một cô gái tuyên bố: “Tôi mà đi lấy anh Tuấn đó làm chồng ư? Ôi, chừng nào trái đất này hết sạch đàn ông thì mới xảy ra chuyện khủng khiếp ấy!” Trái đất vẫn còn đàn ông và 5 năm sau, người trao nhẫn cưới cho cô gái lại là “Tuấn khủng khiếp” đấy? Tại sao?

Tại vì Tuấn thì ở gần mà anh A, anh B nào đó thì ở xa, vậy thôi!

Lấy nhau là vì... stress

Năm 1973, có 4 người Thụy Điển bị bắt làm con tin trong một vụ tấn công nhà băng. Nhưng trong 6 ngày bị giam hãm, những nạn nhân này bắt đầu… yêu say đắm những kẻ bắt cóc họ. Vụ việc này tạo ra từ mới “Hội chứng Stockholm” rất quen thuộc trong giới nghiên cứu tâm lý học.

Khi cô gái con nhà tỉ phú Patty Hearst (Mỹ) 19 tuổi bị đám thanh niên hư hỏng bắt cóc năm 1974, chẳng bao lâu người ta thấy cô gái trở thành Tania trứ danh, đội mũ đen và xách tiểu liên đi… tống tiền chính gia đình mình. Người trải qua cảnh ngộ bị uy hiếp đến tính mạng lại yêu kẻ uy hiếp mình, theo Tiến sĩ Hazan đó là thói thường tình muốn tìm sự an ủi trong nguy khốn.

Người ta nhận thấy trong biến cố thê thảm 11/9/2001 ở New York, có không ít người tình cờ đi bộ qua cầu Brooklyn Bridge ngay lúc hai toà tháp đổ sụp, đã ôm cứng lấy bất cứ ai đứng gần theo một phản xạ rất người, rất nhanh.

Lý do khác, có thể là lý do mạnh nhất, chính là ý niệm về tình dục. Các nghiên cứu cho thấy, những cái đám cưới mà cha mẹ hai bên hứa hôn với nhau lại bền lâu, thế mới lạ đời. Không thể biết được là những cặp này có yêu nhau đắm đuối hay không, theo Giáo sư Hazan, nhưng chắc chắn họ rất “quyến luyến” nhau. Theo ước tính có khoảng 60% các cuộc hôn nhân trên thế giới được thu xếp trước do gia đình hay tập quán về tôn giáo.

Còn 40% còn lại? Bạn đừng ngạc nhiên, khi “hắn” hay nói với mình câu này: “Cô đồng nghiệp ơi, xe tôi trống, có cần chở về nhà không?”. Bạn bĩu môi, nguýt dài: “Tôi cũng có xe, không cần phiền đến nhà anh!’

Nhưng không chừng, 10 năm sau, bạn ngoan ngoãn ngồi sau lưng để “hắn” chở, vì bạn đang mang bầu đứa con thứ hai cho “hắn”!


Theo Eva/GĐ&XH