Nguyễn Lê Tú, quê ở Tuyên Quang, nhờ người bà con xin việc nên Tú về Hà Nội làm nhân viên văn phòng. Cô quen với anh Nguyễn Khắc Hòa (quận Đống Đa). Hai người yêu nhau thắm thiết, sau hai năm thì tổ chức đám cưới linh đình trong sự chúc phúc của họ hàng hai bên và bạn bè.
Do mỗi lần về quê Tú làm thủ tục rất xa xôi, lại bận bịu công việc nên vợ chồng Tú đã trì hoãn việc đăng ký kết hôn.
Đang sống trong tình yêu dạt dào của chồng, Tú cũng không băn khoăn gì
về việc hôn nhân của mình chưa được pháp luật thừa nhận. Nhưng cưới nhau
2 năm mà vợ chồng vẫn chưa có con. Đi khám, bác sĩ kết luận Tú bị dị
tật tử cung nên rất khó có con. Từ đó, Tú sống trong cảnh hắt hủi của bố
mẹ chồng.
Chồng Tú cũng nghe lời bố mẹ nên ngày càng lạnh nhạt với vợ. Mẹ chồng Tú còn nói thẳng với Tú: “Nên dọn ra khỏi nhà, trả tự do cho con tôi để nó tìm được người phụ nữ cho ra hồn phụ nữ”. Bà cho biết, con trai bà chưa từng đăng ký kết hôn nên Tú cũng chỉ như người “ở trọ”, nay chủ nhà không cho ở nữa thì phải dọn ra khỏi nhà.
Khi Tú không chịu, gia đình chồng tìm đủ mọi cách dằn hắt, thậm chí đóng cửa nhà đi nghỉ mát mà không báo trước. Đến khi Tú đi làm về, không có chìa khóa, đành thuê nhà nghỉ sống tạm. Chồng Tú cũng lấy cớ đi công tác, tá túc ở nhà họ hàng. Một mình bơ vơ, không người thân thích, lại không thể làm phiền bạn bè, Tú không biết xoay xở kiểu gì.
“Em kết hôn có cưới xin đàng hoàng, được gia đình chồng tổ chức lễ lạt linh đình rước về, bây giờ không thể âm thầm ra đi, không thể bị đuổi, bị vứt ra đường như thứ đồ cũ như vậy” – Tú cho biết. Cô chỉ muốn được ly hôn một cách đàng hoàng. Nếu không, “cả đời em mang tiếng theo trai, sống không tốt nên bị đuổi” – Tú ngậm ngùi.
Nhưng khi đi tư vấn pháp luật, các luật sư đều bó tay khi đòi quyền lợi cho cô. Họ khuyên cô nên kiện ra tòa để được đăng ký kết hôn sau đó lại ly hôn thì mới mong được đền bù cho tuổi thanh xuân và những đóng góp của cô cho gia đình chồng. Nhưng Tú thân cô thế cô, cũng chẳng có tiền để thuê luật sư, theo kiện Tòa án.
Không chỉ là tờ giấy
Theo thẩm phán Đinh Công Thế (Tòa án quận Hoàng Mai), không ít cặp vợ chồng chung sống với nhau không đăng ký kết hôn. Các đôi trẻ do chủ quan, đôi khi chỉ vì khó khăn về giấy tờ như thiếu giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu sai lạc, phải làm lại giấy khai sinh… nên ngại ngần, bỏ qua việc đăng ký kết hôn. Họ cho rằng, có tình yêu là có tất cả còn việc kết hôn chỉ là một tờ giấy. Còn có những trường hợp rổ rá cạp lại cũng ngại đăng ký vì xác định nếu chung sống không hòa hợp thì chia tay nhau cho… tiện, đỡ phải ly hôn phiền hà, giấy tờ lằng nhằng. Nhưng dù có không phân chia tài sản thì việc xác định một cuộc hôn nhân tạm bợ, thiếu tính trách nhiệm như vậy cũng khiến tình cảm trở nên mong manh, dễ đổ vỡ dù chỉ gặp mâu thuẫn nhỏ.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô) chia sẻ, nếu chung sống với nhau lâu dài mà không có giấy đăng ký kết hôn, đến khi hôn nhân trục trặc thì sẽ gây nhiều thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em. Việc phân chia tài sản có được sau kết hôn cũng rất khó phân định. Trách nhiệm nuôi con cũng sẽ khó quy kết cho những ông bố “không chính thức”.
“Ngoài ra, hôn nhân không đăng ký kết hôn cũng khiến bản thân những người trong cuộc cảm thấy sự cam kết lơi lỏng, thiếu nghiêm túc. Họ sẵn sàng bỏ nhau nếu như cảm thấy không hài lòng về nhau. “Giống như tâm lý của những người đi thuê nhà, nếu nhà không ưng thì bỏ để tìm nhà khác. Nhẹ như không” – bà Túy cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Bắc Giang): “Về mặt tài sản, những cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không có được các quyền và nghĩa vụ tài sản với nhau, vì tài sản họ cùng tạo dựng suốt thời gian chung sống sẽ không được coi là tài sản chung. Khi tham gia các giao dịch kinh tế, xã hội, dân sự, nếu một bên ốm đau, bệnh tật mà vắng mặt thì bên kia cũng không có quyền thay mặt với tư cách là người đại diện hợp pháp”.
Vừa đăng ký kết hôn đã... chán cưới