Cưới cho... bõ tức!
 
Cặp đôi Lan – Tùng vốn một thời nổi tiếng khắp hệ cao đẳng, ngành tin học của trường Bách Khoa Hà Nội bởi chàng thì cao to, đẹp trai, con nhà giàu ở Quảng Ninh; còn nàng là cô gái miền sơn cước xứ Lạng xinh xắn, mơn mởn. Yêu nhau từ ngày chân ướt chân ráo bước vào trường cho đến khi tốt nghiệp, vì không muốn xa nhau mà cả hai lại đăng ký tiếp hệ liên thông đại học. Căn phòng trọ nhỏ nhắn ở Yên Hòa, Cầu Giấy của cô gái miền sơn cước sinh năm 1986 thi thoảng lại trở thành tổ ấm “bất đắc dĩ” khi chàng người yêu ngủ lại. Nhưng ngay sau ngày về ra mắt bố mẹ, mối tình của hai người lập tức gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của gia đình Tùng với lý do: Hai đứa không hợp tuổi. Sự phản đối ngày càng kịch liệt hơn khi mẹ Tùng nghe “thầy” phán nếu cố lấy nhau con trai họ (tuổi Hợi) sẽ bị cô Lan tuổi Dần “vồ” chết. Tùng lại là con trai đích tôn duy nhất nên nghe thầy phán vậy, ai cũng xanh hết cả mắt mũi và ra sức ngăn cản.

Chùn bước trước lời thầy và sự can ngăn của cha mẹ, họ hàng nên Tùng cũng chưa vội nói chuyện cưới xin với người yêu dù tính đến thời điểm ấy hai người yêu nhau đã được 5 năm. Gia đình Lan cũng đã thúc giục cưới hỏi. Khất lần cưới xin với lời hứa hẹn sẽ thuyết phục gia đình, Tùng tiếp tục “ở trọ”chỗ người yêu thêm 2 năm nữa cho đến khi Lan đã bước sang tuổi 25 thì một ngày, chàng “bỗng dưng biến mất”!?

Hoảng hồn, Lan nháo nhào tìm khắp nơi nhưng cũng không được. Về tận Quảng Ninh thì cô được người nhà Tùng trả lời ráo hoảnh: Tùng đi nước ngoài học rồi, đừng tìm nó nữa. Không tin, cô mất hàng tháng trời lân la dò hỏi khắp mới phát hiện ra cậu người yêu gắn bó như chồng vợ với cô bấy lâu đang “trốn” trong nhà bà cô ruột ở Thái Bình và chuẩn bị cưới vợ. Đau khổ và hận thù vì bị người yêu lừa, Lan suy sụp tưởng như chết đi sống lại. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, ai cũng bất ngờ khi cô quyết định tổ chức đám cưới với một anh chàng người Hàn vừa mới quen mà chẳng cần biết mình thành vợ hay chỉ là “phòng nhì” trong lúc xa quê của anh ta.
 

Không ít cô gái trẻ khác cũng rơi vào cảnh bỗng chốc thành “đồ thừa” sau nhiều năm gắn bó sâu sắc và khi bị người yêu “đá”, chỉ vì tính sĩ diện, tự ái mà các cô vội vã “tìm đại” chú rể.

Hà Mai vốn tốt nghiệp khoa ngoại ngữ trường Đại học Thái Nguyên nhưng vì theo người yêu đang học Bách Khoa Hà Nội, mà cô một mình xuống Hà Nội làm gia sư. Yêu nhau 4 năm, hai gia đình đi lại gắn bó thân thiết chỉ chờ đến ngày anh người yêu tốt nghiệp sẽ làm lễ cưới. Bỗng một hôm cô vô tình nhìn thấy anh người yêu đi chơi rất tình tứ với một cô gái lạ. Tra hỏi thì anh người yêu ráo hoảnh: anh không yêu em nữa, chúng ta chấm dứt ở đây thôi.

Ôm mối hận tình về quê, chỉ 3 tháng sau cô vội vã lên xe hoa với một anh bộ đội chuyên nghiệp đóng quân gần nhà và hỉ hả gửi thiệp hồng cho anh người yêu cũ.

Đàn ông cũng “cay tình”

Những tưởng chỉ có phụ nữ mới là những người hay bị phản bội, bị phụ tình, lừa tình nhưng thực tế không ít đấng mày râu cũng rơi vào cảnh ôm hận tình khi người yêu bỏ lên xe hoa với kẻ giàu có hơn.
 
Yêu nhau 2 năm, cùng nhau gắn bó vượt qua những giai đoạn khó khăn, túng thiếu trong đời nhưng đó cũng là quãng thời gian hạnh phúc nhất của anh Nhật Danh khi tìm được người bạn gái tâm đầu ý hợp. Anh liên tục đưa người yêu về quê để cô có dịp đi lại gần gũi với mẹ và các chị trong nhà. Nhưng 30 tuổi, anh vẫn chưa có nổi trong tay một tấc đất, chiếc xe máy cũng phải mượn tiền của mẹ để mua. Sự nghèo khó ấy không phải do anh bất tài không kiếm ra tiền mà bởi cái tính “trên trời”, ăn tiêu hoang tàn. Kiếm được một hợp đồng béo bở nào đó là anh ôm cục tiền ăn chơi, nhậu nhẹt bù khú với bạn bè cho hết rồi lại lọc cọc đi kiếm. Thế là cô người yêu xinh xắn mới 22 tuổi không chịu được đã bỏ đi lấy người đàn ông khác. Ngày cô lên xe hoa cũng là ngày anh Nhật Danh chìm trong men say. Hận tình, cuối cùng anh phó mặc cuộc đời mình vào tay người đàn bà giàu có hơn anh tới 8 tuổi, đang nuôi một đứa con không cha.

Có những anh chàng bị phụ tình nhưng may mắn hơn trong cuộc hôn nhân vội vã vẫn chọn được người môn đăng hộ đối về tuổi tác, trình độ. Nhưng nỗi đau trong quá khứ, tình yêu chưa hề bị dập tắt với người yêu cũ rất khó nguôi ngoai.

Ngày còn là sinh viên ở Hà Nội, anh Văn Bình yêu tha thiết cô gái cùng trường. Anh tốt nghiệp đi làm trước cô một năm, tính đợi đến khi người yêu tốt nghiệp sẽ tổ chức cưới rồi cùng nhau về quê anh lập nghiệp. Nhưng tốt nghiệp rồi, cô gái không chịu nổi khung cảnh buồn chán của huyện miền sơn cước quê anh nên nhất định không về quê mà bám trụ lại Hà Nội và cưới ngay một anh chàng có nhà cửa, hộ khẩu Thủ đô. Đau đớn vì bị phụ tình, Bình bèn “nhắm mắt đưa chân” cưới một cô giáo trường huyện theo mai mối của cha mẹ. Dù đã cưới vợ nhưng trong nhà anh vẫn giữ một chiếc hòm sắt đựng quần áo từ thời sinh viên, chiếc hòm ấy lúc nào cũng được khóa chặt, chỉ mình anh có chìa khóa. Một ngày, nhân lúc anh chồng lên tỉnh họp, cô vợ tò mò gọi thợ khóa đánh chìa để mở. Thì ra trong đó đều là những bức ảnh của cô người yêu cũ thuở sinh viên, những bức ảnh hai người âu yếm chụp chung với nhau và cả những bức thư tình, những kỷ vật tình yêu của hai người thuở trước.
 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những đám cưới chỉ vì một phút bốc đồng, chỉ vì thỏa mãn tính tự ái sâu sắc trong lòng sẽ khó mà đi đến hạnh phúc thực sự. Cưới vợ (chồng) chỉ để cho bõ tức, để “chứng tỏ” với người cũ không những khó mang lại hạnh phúc cho bản thân mà còn là sự hy sinh tình yêu, hạnh phúc của chính bản thân mình. Thay vì quên đi kẻ phụ tình và tìm hiểu những mối quan hệ mới, để có cơ hội trải nghiệm hôn nhân với người mình yêu thì những cô gái (chàng trai) xốc nổi lại tự hủy hoại chính hạnh phúc của đời mình bằng những cuộc hôn nhân vội vã không tình yêu.