Giá như chị đang sống ở nơi nào khác ngoài Hà Nội, ví dụ như Mỹ, hẳn tôi sẽ khuyên chị “gõ cửa” các công ty lữ hành để tham gia vào một dịch vụ đặc biệt: Những tour du lịch “only woman” tuyệt nhiên không có đàn ông.

“Tôi cần một kỳ nghỉ thực sự”

Ann Gallery - một phụ nữ đã kết hôn và có 2 con trai – sống tại Quebec (Canada) đã cùng 4 cô bạn thân từ thuở còn là sinh viên của Trường đại học Bishop thực hiện một chuyến đi 4 ngày 5 đêm đến Mehico để thưởng thức hương vị tự do. Chuyến đi kiểu đó của Ann có thể làm kinh ngạc các bà, các cô ở nước ta, nhưng hoàn toàn không lạ lẫm gì với phụ nữ Mỹ và một số nước châu Âu. 

 
Thuật ngữ “girlfriends’ getaways” (gọi là chị em... dạt vòm) đã ra đời từ những chuyến đi như vậy - chuyến đi của các chị em (only woman) trong độ tuổi từ 30 – 60. Họ có thể đã kết hôn và có con, có thể còn độc thân, hoặc cũng có thể là những người bạn gái thân thiết muốn hội họp sau nhiều năm xa cách, hay thế hệ bà - mẹ - con gái trong cùng một gia đình... Từ Mỹ, trào lưu ““girlfriends’ getaways” đang có xu hướng lan rộng ra toàn thế giới. Thậm chí, không ít phụ nữ sẵn sàng đi du lịch một mình. Hãng lữ hàng “Gutsy women travel” (Mỹ) cho biết, khoảng 60% nữ du khách của họ đặt chuyến đi theo kiểu solo để chắc chắn rằng mình sẽ không bị quấy rầy bởi bất cứ ai. Beth Mairs – Giám đốc của wildwomanexp.com cho biết: “Trong tất cả các nhóm phụ nữ đi du lịch cùng nhau, thường có ít nhất một người không để lại số điện thoại nơi cô ấy có thể đến. Họ muốn thưởng thức cảm giác tự do tuyệt đối”.
 
Với một kỳ nghỉ chỉ có chị em với nhau, họ sẽ ăn, ngủ khi nào họ muốn và tán gẫu trong tiệm massage, hay uốn tóc nào đó, mà không hề phải lo lắng, phụ thuộc vào các đấng mày râu. Theo nghiên cứu của Marybeth Bond, tác giả cuốn sách “50 Best Girlfriends Getaways in North America” thì, từ 7 năm nay, số khách đăng ký tại các công ty lữ hành cho nữ giới đã tăng đến 230%.
Susan Eckert – Chủ tịch Công ty lữ hành Adventure women (Mỹ) nhận xét: "Vài chục năm trước, có đến tận nhà mời mỏi miệng, chưa chắc các bà các cô đã dám thực hiện một chuyến đi như vậy, bởi cơm nước nhà cửa ai lo, chưa kể tiếng xấu “đem chồng, con... bỏ chợ” vi vu một mình. Nhưng nay, mọi sự đã khác. Quá nhiều áp lực đặt lên vai, nữ giới thực sự cần đến một không gian riêng, một kỳ nghỉ riêng để tự đổi mới bản thân. Chính các ông cũng đến lúc nhận ra sự thật này. Các ông có quyền tụ tập bạn bè chiến hữu, triền miên chén rượu cốc trà ngày này qua tháng khác, thậm chí sẵn sàng “dạt vòm” cùng anh em đến một địa điểm kỳ thú. Vậy tại sao các bà lại không thể làm những điều tương tự, tất nhiên với tần suất thấp hơn nhiều? Và các bà nhận thấy, rời bỏ chồng con vài ba ngày cũng không hề biến họ thành những người vợ, người mẹ “hết thuốc chữa”.

Việt Nam, tại sao không?

Lên mạng tìm kiếm “only woman tour”, hay “girlfriends’ getaways”, bạn sẽ tra ra hàng ngàn địa chỉ lữ hành chuyên tổ chức những chuyến đi cho chị em, Điều đó đủ thấy, ngành lữ hành tại Âu Mỹ đã ngả mũ hoan hỉ chào đón dịch vụ này thế nào. Nhưng tại Việt Nam, tình hình vẫn vô cùng im ắng. Chị Thanh Trà - Trưởng phòng Tiếp thị của Saigontourist khẳng định: “Thực sự thì Saigontourist chưa hề tính đến việc phát triển riêng một dòng sản phẩm tour dành cho chị em, và theo tôi biết thì hiện cũng chưa có công ty du lịch nào quảng cáo cho dịch vụ này”.  

Thực tế, đa số chị em ở nước ta khi đã lập gia đình ít có dịp đi xả hơi cùng bạn bè dài ngày. Như cô bạn đồng nghiệp của tôi chẳng hạn, 5 năm kể từ khi kết hôn chưa từng tham gia chuyến du lịch nào mà không có phu quân bên cạnh. Chuyện mấy cô bạn cũ hẹn nhau đi ăn trưa còn có thể khả thi, chứ “dạt vòm” những 2, 3 ngày, lại là ngày nghỉ cuối tuần, hay lễ lạt thì quả là chuyện gây sốc với đức lang quân của chị.

Tuy nhiên, “girlfriends’ getaways” không hoàn toàn vắng bóng tại Việt Nam. Thu Hòa, Trưởng phòng Marketing Công ty TGTM tại 101 Láng Hạ kể: “Nhóm tôi có năm người, thân nhau từ khi còn là sinh viên Đại học Luật, hiện nay đều đã kết hôn, nhưng thỉnh thoảng mấy chị em vẫn rủ nhau đi du lịch, gần thì Khoang Xanh, Thiên Sơn Suối Ngà, Asean Resort, xa nữa thì Sa Pa... Chồng tôi ban đầu không vui, nhưng giờ anh ấy cũng hiểu, chúng tôi thực sự cần những dịp như thế để giải tỏa stress. Đi về rồi, thực sự thấy nhẹ nhõm hơn, yêu đời hơn và có đủ hứng khởi để chăm lo cho chồng con tốt hơn”.
 
Có lẽ, đằng sau những chuyến đi ấy, thứ mà chị em thực sự cần lại chính là sự cảm thông và bao dung từ phía đức lang quân. Và lẽ nào các quý ông lại nỡ lòng từ chối? 
 

Chị em nói gì?

“Nếu nói phụ nữ cùng nhau đi du lịch là “bỏ chồng, bỏ con” thì tôi thấy nghiêm trọng quá. Phụ nữ cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi, tham quan, shopping, thay đổi không khí… không nhất thiết lúc nào cũng phải có chồng con bên cạnh. Saigontourist chưa thiết kế tour riêng cho dịch vụ này nhưng đúng là không ít tour, đối tượng tham gia toàn nữ giới”. (Đào Thanh Trà - Trưởng phòng Tiếp Thị, Công ty lữ hành Saigontourist).
“Chị em trong nhóm của tôi cố gắng duy trì mỗi năm tổ chức du lịch với nhau một, hai lần. Chúng tôi cùng nhau đi spa, trượt cỏ, thậm chí là vào quán bar nhâm nhi một chút, tán gẫu với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, mà có những chuyện mình không thể nào nói được với chồng. Những chuyến đi đó bao giờ cũng khiến tôi thấy nhẹ lòng” (Thu Hòa - Trưởng phòng Marketing Công ty TGTM).

Anh em nói gì?

“Tôi sẽ khuyến khích vợ mình đi nghỉ ngơi vài ngày cùng bạn bè. Tuy nhiên, tôi nghĩ một năm có thể đi 1-2 lần là đủ. Nếu việc đi chơi như vậy là thường xuyên thì có thể tạo thành thói quen không tốt” (Hoàng Thế Anh, An Bình bank).

“Thú thực, cho dù tôi có đồng ý để vợ đi du lịch như vậy thì cũng là vì chiều theo ý cô ấy, chứ thực tình tôi không khuyến khích lựa chọn này. Tại sao cô ấy không chia sẻ những căng thẳng của mình và đi du lịch cùng với tôi?” (Nguyễn Thành Nam – Công ty Chứng khoán ACB).
Theo Sức Khỏe & Gia Đình