Tuy nhiên, thực tế nhiều bà nội đã chuyên tâm chăm chút cháu ngoại hơn hẳn cháu nội đến mức quên mất một điều, sự thiếu công bằng của người bà đã làm tổn thương con trẻ và khiến các cô con dâu càng trở nên xa cách mẹ chồng hơn.

Bất công!

Các mẹ ơi, mình buồn quá, có ai giống mình không?” - Một bà mẹ mở đầu như thế trong một topic trên mạng có tiêu đề “mẹ chồng chỉ yêu cháu ngoại”.

Theo chị Thương, thì mẹ chồng chị thương cháu ngoại hơn cháu nội ra mặt mặc dù mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng, em chồng rất tốt. Chị cho biết, vợ chồng chị sống xa quê, lâu lâu mới đưa con về thăm bà nội. Tuy nhiên, chị thấy bà chỉ suốt ngày chăm bẵm, xuýt xoa cháu ngoại mà không màng gì đến cháu nội.

Nhiều bà chỉ yêu và bênh cháu ngoại

Hôm vừa rồi, được tin cháu nội ốm, bà lên thăm nhưng bế theo cả thằng cháu ngoại. Buồn một nỗi là lên thăm cháu nội mà cũng không ẵm bồng hay chơi với cháu nội mà suốt ba ngày liền chỉ quấn lấy cháu ngoại cho đến hôm về quê. Nhìn cảnh ấy mà mình thấy tủi thân cho con mình quá. Mình sợ lần sau về quê lại phải chứng kiến cảnh ấy nữa, buồn ơi là buồn!!!” - Chị Thương than thở.

Chia sẻ cảm xúc với chị Thương, chị Hồng Anh cho biết, chị cũng thường có cảm giác giống như chị Thương: tủi thân, thương con và trách giận mẹ chồng bởi bà đã không công bằng trong đối xử. “Vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng, các cháu cũng quấn quít bà lắm. Song khi có cháu ngoại về chơi là bà hay mắng cháu nội hơn, bế ẵm cháu ngoại nhiều hơn... và không còn kêu là bà mệt, đau lưng mỏi gối như mọi ngày nữa...”.

Chị Thu Hà còn bức xúc hơn. Chị Hà và em chồng cùng sinh con trong một tháng. Mặc dù ở với vợ chồng chị nhưng hàng ngày, mẹ chồng chị không màng gì đến cháu nội. Hàng ngày, bà đến nhà con gái, tự tay nấu bột, tắm giặt cho cháu ngoại. Còn cháu nội thì bà phó mặc cho người giúp việc. Giận mẹ chồng, chị Hà mang con về nhà mẹ đẻ ở. Mẹ chồng chị thấy vậy lại lấy làm vui, đón luôn cháu ngoại về để “tiện chăm sóc”.

Bức xúc không kém, chị Thuý Hường kể: Em ở với mẹ chồng và có một cô giúp việc. Chị chồng thì có tận hai cô, một trông trẻ, một làm việc nhà. Thế mà mà không yên tâm, ngày nào cũng đạp xe sang nhà con gái vì “tin gì cái bọn giúp việc ấy. Ai mà biết nó cho cháu mình ăn cái gì?”. Ấy thế nhưng, cháu nội thì bà bỏ mặc cho cô giúp việc. Đi làm cả ngày, tối về em hỏi bà: Hôm nay cháu ở nhà thế nào ạ? Thì bà ngớ ra: ờ…, con hỏi cô Xoan xem. Mẹ bận quá nên không để ý…! Mấy lần nghe thế, em chỉ chực khóc luôn trước mặt mọi người.

Xa lánh

Tâm lý các nàng dâu khi về nhà chồng thường e dè, chờ đợi sự mở lòng của gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Việc mẹ chồng quan tâm, chăm sóc cháu ngoại nhiều hơn cháu nội chưa phải là điều đáng nói nhất. Nghiêm trọng hơn, chính là việc các bà do yêu cháu ngoại mà đã đối xử không công bằng. “Cứ khi nào con nhà mình và con của em chồng tranh cãi nhau là bà nội lại nhè con nhà mình mà mắng. Hồi đầu mình cứ tưởng bà vô tình, nhưng sau mới biết là do bà xót cháu ngoại hơn nên đã cư xử như vậy” - chị Hồng Anh tâm sự.

Hôm qua con nhà mình vừa bị bà nội mắng oan. Hai thằng bằng tuổi nhau, nhưng khi đánh nhau thì bà cứ nhè thằng con nhà mình ra mà quát. Chồng mình thấy vậy liền góp ý, đại thể là bà làm thế là không công bằng… Thế là bà bù lu bù loa ra khóc lóc, sau đó còn nói bóng gió là mình xui chồng. Ức quá mà không dám cãi!. Bà cứ làm thế, sau này đừng có mà đòi cháu nội nó chăm sóc” - chị Mỹ Hạnh mệt mỏi viết.

Không chỉ người lớn mới nhận ra sự thiếu công bằng đó. Trẻ con, lại chính là những người trong cuộc, và chúng cũng rất nhạy cảm. “Con nhà em hôm nọ bị bà nội mách là cãi láo. Nguyên do là nó và thằng em con nhà cô tranh nhau đồ chơi. Thằng cu kia là em, nhưng lớn hơn con nhà mình. Quen được bà chiều nên lúc nào cũng tranh phần hơn. Cũng là chuyện trẻ con thôi, nhưng bà lại làm to chuyện quá.

Mới nghe thấy tiếng thằng kia khóc, bà chạy đến mắng thằng anh túi bụi, rằng làm anh sao không nhường em. Nó thấy mình oan, vì vừa bé hơn, lại còn bị tranh đồ chơi. Thế là nó vừa khóc vừa hét lên rằng: Bà quá đáng! Bà không yêu cháu thì cháu cũng không yêu bà nữa. Bà thấy thế tức quá, quát tiếp: Không sang thì thôi, bà không cần. Đồ láo lếu! Tối về nhà, nó buồn bã, hậm hực hỏi mình: Mẹ ơi, sao bà lại không yêu con! Nghe mà xót hết cả lòng.” - một chị có nickname là yeucubinhat010170 kể.

Nhiều khi em vừa ngại, vừa sợ sang nhà mẹ chồng chơi, bởi đó là những lúc em phải chứng kiến cảnh bà thờ ơ với cháu nội và chăm bẵm cháu ngoại. Mặc dù không để lộ cho con biết, nhưng em xót con và giận mẹ chồng lắm. Nói thật, em đã cố nhưng không thể yêu bà chỉ vì điều đó".- nickname bongyeucuame tâm sự.

“Chuyện trẻ con mất lòng người lớn”, tưởng như nhỏ nhưng lại hết sức quan trọng. Nếu tình trạng tiếp diễn lâu ngày, tình cảm mẹ con, bà cháu dần dần sẽ bị ảnh hưởng và các bà sẽ chính là những người thiệt thòi nhất, khi cả con dâu và cháu nội đều xa lánh mình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý thì những hiện tượng trên xảy ra không phải do các bà nội không yêu cháu. Nguyên nhân chủ yếu được phân tích, đó là các bà mẹ thường thương con gái, chăm sóc con gái từ lúc mang thai, sinh nở nên dễ có tình cảm với cháu ngoại hơn. Mặt khác, cũng có thể do mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu không mặn mà nên các cháu nội cũng bị thiệt thòi.

Chính vì vậy, các nàng dâu, trước hết nên hiểu và thông cảm cho tâm lý của bà nội, phần khác cũng nên chủ động cải thiện tình cảm với mẹ chồng, tạo điều kiện và khuyến khích cho các con gần gũi, bày tỏ tình cảm với bà nội. Dù thế nào, các cháu vẫn là máu mủ, là huyết thống của bà, nên trong lòng bà không thể không thương các cháu.
 
Theo VnMedia