“Em không muốn nói với anh nữa. Thật là mệt mỏi. Xì - tốp ở đây”là câu kết thúc của nhiều cuộc tranh cãi giữa vợ chồng khi không tìm được tiếng nói chung.
Dần dần, cả hai vì ngại tranh luận, vì bất đồng quan điểm, họ không còn muốn nói chuyện cùng nhau.
Kết quả: vợ chồng sống chung như hai chiếc bóng. Thậm chí nhiều người thấy chẳng có chuyện gì để nói với nhau nữa. Họ làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân.
Mâu thuẫn vợ chồng khi không giải quyết được sẽ là mối hiểm họa cho cuộc hôn nhân. Rất nhiều cuộc ly hôn xảy ra chỉ vì vợ chồng không thể chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống.
Đi tìm nguyên nhân chính
Chúng tôi mang vấn đề này chia sẻ với chuyên viên tư vấn tâm lý Đoàn Bắc Việt Trân, Tổng đài Tư vấn (08) 1088, TP. HCM. Chị cho biết: “Sự khác biệt về tuổi tác, ngành nghề, thời gian... chỉ là các nguyên nhân khách quan tạo nên sự xa cách giữa các cặp vợ chồng. Từ các yếu khách quan đó, người trong cuộc đã biến chúng thành mâu thuẫn chủ quan do cách suy nghĩ, suy diễn, hành động của mỗi người”.
Đó là trường hợp của chị Ngọc Phượng và anh Tuấn Hùng ngụ tại Q. Bình Thạch, TP. HCM. Anh hơn chị gần 15 tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác khiến cả hai có những sở thích, suy nghĩ và lập luận khác nhau.
Trong khi chị Phương vẫn trẻ trung, sôi nổi, anh Hùng đã bước vào tuổi chỉ thích cuộc sống an nhàn, bình yên. Một vài lần chị Phương đề nghị chồng cùng tham dự các cuộc vui của bạn bè chị nhưng anh lắc đầu. Không được đáp ứng sở thích, chị mặc định cho rằng anh sẽ chẳng bao giờ chiều theo ý mình. Từ đó, chị không còn muốn chia sẻ với chồng mình điều gì nữa.
Chị Việt Trân cho biết thêm: “Con người có hai bán cầu não, một bên thiên về xử lý các vấn đề lý tính, một bên thiên về cảm xúc. Thông thường, phụ nữ rất mạnh trong việc thể hiện cảm xúc. Trong khi đó, đàn ông thiên về lập luận logic”.
“Phái mày râu muốn tìm cách giải quyết dứt khoát vấn đề. Ngược lại, tâm lý của phụ nữ nói ra để cải thiện mối quan hệ, có người lắng nghe và chia sẻ chứ không cần giải pháp. Chính sự khác biệt về đích của cùng một hành động “nói” cũng gây nên mâu thuẫn”.
Vợ chồng rất cần sự chia sẻ thường xuyên (Ảnh minh họa) |
Anh Huy luôn nghĩ rằng bà xã chăm sóc gia đình đã đủ mệt rồi nên không muốn chia sẻ với chị điều gì vì sợ chị thêm lo lắng. Trong khi đó, chị Thu Thảo lại muốn vợ chồng phải luôn tâm tình, chia sẻ cùng nhau.
“Trong chuyện của chị Thảo và anh Huy, vợ chồng họ đã nảy sinh vấn đề từ những rào cản khách quan. Thay vì cố gắng khắc phục, mỗi người lại mặc định suy nghĩ rằng người kia không hiểu mình. Từ đó dần dần, tạo thành mối rạn nứt”, chị Việt Trân chia sẻ.
Nếu thời yêu nhau, hai người luôn cố gắng tìm hiểu, làm hài lòng nhau, khi kết hôn, họ không còn muốn làm điều đó nữa.
Vợ chồng thường có suy nghĩ: “Lấy nhau rồi cần gì phải khách sáo”. Họ dành phần lớn tâm trí để giải quyết các vấn đề tài chính, con cái, các mối quan hệ… Thời gian và cơ hội gần gũi, chia sẻ với nhau bị thu hẹp. Điều đó khiến mối quan hệ giữa vợ chồng ngày càng phai nhạt.
Hồng Minh, cộng tác viên thiết kế của một công ty quảng cáo, chia sẻ: “Nhiều lúc tôi không chịu đựng nổi sự tẻ nhạt, nguyên tắc của chồng. Anh ấy trái ngược hẳn những người bạn trong giới sáng tạo của tôi. Khi yêu, tôi không nhận ra điều ấy nhưng đến lúc dọn về sống với nhau thì thực sự là bi kịch”.
Sau khi kết hôn, mỗi người trở về đúng bản chất của mình. Ngành nghề trái nhau khiến họ không thể chia sẻ điều gì trong công việc. Chị Minh thất vọng, hụt hẫng và một khoảng cách vô hình đã được dựng lên giữa chị và chồng. Vì không tìm được sự đồng cảm, chị và chồng giữ nguyên những vấn đề của mình. Càng ngày, cái góc riêng của mỗi người càng lớn. Đỉnh điểm là họ không thể nói chuyện với nhau được nữa.
Một trường hợp nữa là vợ chồng sống rất hạnh phúc, chia sẻ được mọi thứ. Tuy nhiên, vì quá hiểu nhau nên dẫn đến tâm lý người này chưa kịp nói, người kia đã cho rằng mình hiểu ý đối phương.
Ban đầu có thể chỉ là tự quyết định mua một món gì đó. Về sau, quyền quyết định thuộc về một trong hai người hoặc mỗi người có phạm vi riêng. Chẳng hạn vợ lo nuôi dạy con, gia đình, chồng đảm trách việc mua xe, nhà, sắm sửa vật dụng lớn, sự nghiệp của con cái…
Về mặt tâm lý, mỗi người sẽ tự co vào thế giới riêng. Mục tiêu cùng vun đắp hạnh phúc gia đình không còn nữa (Ảnh minh họa) |
Những hệ lụy và giải pháp
Khi vợ chồng tìm được tiếng nói chung, bầu không khí gia đình trở nên tẻ nhạt. Về mặt tâm lý, mỗi người sẽ tự co vào thế giới riêng. Mục tiêu cùng vun đắp hạnh phúc gia đình không còn nữa.
Nhu cầu chia sẻ của mỗi người là tất yếu. Khi không được đáp ứng nhu cầu này, họ rất dễ đi tìm đối tượng khác. Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người thân… Dần dần, vai trò của người vợ/chồng biến mất. Hậu quả là nếu không có anh/em, tôi vẫn sống.
Một trong những nguyên nhân của các vụ ngoại tình là do vợ hoặc chồng cần tìm người chia sẻ. Người thứ ba để thay thế vai trò của chồng/vợ nên dẫn đến tình trạng “lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”. Và nguy cơ một cuộc hôn nhân tan vỡ hoàn toàn có thể xảy ra.
Để có sự đồng điệu của hai tâm hồn, bạn và chồng nên chấp nhận nhau. Mỗi người cần bỏ bớt cái tôi của mình, phải biết lắng nghe, quan tâm và tìm hiểu đối phương. Việc lắng nghe phải xuất phát từ tình cảm chứ không phải hình thức.
Ngoài ra, bạn và chàng cũng có thể tìm tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cái.
Nên chia sẻ mọi thứ với người bạn đời để gắn bó với nhau hơn (Ảnh minh họa) |
Lưu ý:
Những cách dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ với vợ/chồng:
- Tạo cơ hội để cùng làm một việc như: chăm sóc cây cảnh vào cuối tuần, cùng tập thể dục vào mỗi sáng…
- Đừng ngại nói với chồng bất cứ điều gì. Đó có thể là một chuyện cười bạn vừa đọc được hoặc thông tin vừa gặp lại cô bạn thân.
- Con bạn vòi vĩnh một món đồi chơi, hãy nói để anh nghe thấy: “Con hỏi ý kiến bố xem”. Cách này giúp chồng bạn nhận thấy tầm quan trọng trong gia đình.
Vì sao họ vẫn hạnh phúc sau 10 năm chung sống?
- Thời gian đầu, tôi và ông xã như nước với lửa. Sở thích cả hai dường như trái ngược nhau. Chúng tôi cải thiện điều này bằng cách mỗi người liệt kê danh sách những điều thích và không thích của bản thân. Sau đó ráp lại, thỏa thuận sẽ cùng nhau làm những việc cả hai đều có thể chấp thuận. Từ đó gia đình yên ấm hẳn - Phạm Thị Tuyết, Hà Nội.
- Trước đây, ông xã làm bảo vệ trực đêm, tôi là nhân viên văn phòng. Tôi về đến nhà là lúc anh chuẩn bị đi làm. Tôi sống trong sự buồn tẻ một thời gian dài vì tôi chẳng biết tâm sự cùng ai. Cuối cùng, tôi thuyết phục anh chuyển công tác, để có thời gian bên nhau. Điều hạnh phúc là anh cũng nhận ra vấn đề trong cuộc sống của chúng tôi và đồng ý ngay - Hoàng Minh Trang, TP. HCM.