Nói về cuộc hôn nhân của mình, Hùng (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho là chỉ có một khuyết điểm: nhà vợ kinh tế khá giả hơn.
“Mắng” bố vợ vì tội cho quà
Hùng đầy tự trọng nên cưới xong, anh dứt khoát không ở ngôi nhà to đùng của bố mẹ vợ, mà kéo Hoa ra thuê nửa căn hộ tập thể kiểu cũ bé tẹo cho dù ra đó, hầu như Hoa cũng chỉ ở một mình. Hùng là bộ đội đóng ở tỉnh khác, tuần về một lần. Vợ chồng thu nhập thấp nên ông bà nhạc rất xót, muốn giúp, nhưng hễ cho gì là chàng rể lại khó chịu.
“Hoa, có mỗi hai mẹ con, em mua bếp ga đôi làm gì, nhà đang khó khăn?”. “Bà ngoại mua cho đấy anh ạ, tại cái bếp du lịch của mình cứ trục trặc suốt”. Thế là sấm sét nổ ra. Hùng thấy vô cùng mất mặt khi cả cái bếp cũng phải nhờ đến mẹ vợ. Anh oán “bà già lắm chuyện” cứ ngó vào bếp nhà anh, như là muốn bóc mẽ anh không lo được cho vợ con. Anh oán Hoa không biết giữ sĩ diện cho chồng. “Giờ cô bảo tôi phải làm thế nào? Chỉ là cái bếp, trả thì ông bà bảo tôi nhỏ nhen, không trả thì nhục cái mặt tôi lắm cô biết không?”, Hùng gào lên.
Thế rồi Hùng cũng có cơ hội xả ấm ức khi món quà mà ông bà nhạc cho có giá trị đến mức… trả được. Hôm đó ở đơn vị về, Hùng thấy cái xe Attila mới dựng trong nhà, chưa kịp hỏi thì Hoa đã sợ sệt báo cáo ngay: “Xe kia hỏng sửa mãi không được, bố cho tiền em mua xe này đi cho nó an toàn”. Thế là hôm sau, khi sang ăn giỗ ở nhà ngoại, Hùng tuyên bố luôn là sẽ trả xe máy cho bố vợ, ai nói gì cũng không nghe: “Con xin lỗi bố mẹ vì không có tiền lo cho Hoa. Nhưng số nó lấy nhầm chồng nghèo thì phải chấp nhận thiếu thốn. Nếu thấy khổ quá không chịu được thì con sẵn sàng giải phóng cho nó”.
Minh họa: Inmagine. |
Ngay buổi chiều, Hùng mang xe máy đi bán, bị lỗ mất mấy triệu, phải bù vào để trả ngay cho bố vợ. Rồi không biết nghĩ thế nào, lần về nhà sau, anh bảo vợ rút hết tiền tiết kiệm, vay thêm bạn bè, mua cái xe máy y chang, dù Hoa xót ruột xin được đạp xe đi làm. “Anh ấy muốn chứng tỏ là mình tự mua được xe cho vợ, nhưng chỉ khổ em đã hết sạch tiền lại thêm nợ nần”, Hoa than thở.
Méo mặt vì muốn… đẹp mặt
Thuận (Đống Đa, Hà Nội) quen làm ngôi sao từ hồi đi học, khi anh còn là công tử con nhà quan, lại đẹp trai và biết ăn chơi. Giờ bố mẹ đã khó khăn, bản thân không giỏi kiếm tiền nhưng anh vẫn muốn mọi người phải “ngước nhìn”, nhất là khi gặp bạn bè cũ. Với Thuận, tất cả những thứ phô ra ngoài là phải "long lanh": quần áo giày dép đều phải hàng hiệu, nước hoa thơm lừng, ví da cá sấu xịn cho dù trong đó nhét toàn danh thiếp. Xe máy anh đi phải là SH, không đủ tiền thì mua xe “si-đa”. Để giữ lớp "vỏ" lấp lánh này, Thuận chẳng còn tiền đưa cho vợ. Mọi khoản trong nhà, Phương phải tự lo bằng đồng lương eo hẹp của mình.
“Nhiều khi em hỏi chồng, sao anh phải khổ thế, đốt tiền cho một buổi hát karaoke với rượu ngoại, rồi hôm sau hết cả tiền phải nhịn ăn sáng. Đồ chơi cho con thì hơi đắt một tí là không mua nổi. Nhưng anh ấy cảm thấy nếu không làm mọi người nể phục thì không chịu nổi”, Phương tâm sự.
Phương kể, có lần lớp cấp ba của Thuận rủ nhau họp. Dù lo ngay ngáy về khoản tiền đóng, Thuận vẫn nhiệt tình ủng hộ phương án vào resort của mấy cậu bạn thành đạt. Để không thua kém mấy cậu này, anh thuê hẳn một chiếc ô tô khá sang. “Chuyện tốn kém trong lần ấy không nói làm gì, cái chính là chồng em cứ khoe là cái xe ấy của anh ấy, mà anh ấy cũng chán rồi nên mai mốt đổi cái khác. Nói chuyện gì, anh ấy cũng ra vẻ ăn chơi giàu có hơn người. Trong lớp có một anh biết thực trạng kinh tế của vợ chồng em. Em có cảm giác những người khác vì thế cũng biết và đang cười mình nên xấu hổ quá”, vợ Thuận nói.
Mắc oan vì tính sĩ
“Đã là đàn ông thì hầu như ai cũng có tính sĩ, khác nhau mức độ mà thôi”, anh Nguyễn Thành Long, 32 tuổi, sống ở Thanh Trì, Hà Nội, nói. Long thừa nhận bản thân anh cũng là người sĩ diện, nhiều khi khoe khoang, “bốc phét” vì muốn được hãnh diện với mọi người một chút. Nhà chẳng khá giả gì nhưng hễ có ai vay tiền là Long lại rút xoẹt cái ví ra rất hoành tráng, đếm tiền đưa ngay: “Có đáng gì mấy đồng, chú cứ cầm lấy, khi nào có giả cũng được”, khiến vợ anh tím mặt. Nhưng hễ chị cằn nhằn thì anh cãi: “Người vay tiền toàn anh em bên ngoại còn gì. Họ hàng em được vay tiền, em được tiếng có người chồng hào sảng rộng rãi, sao còn trách anh?”.
Tính sĩ của Long chắc sẽ không thể giảm chút nào nếu không có “sự cố online” năm ngoái, khi vợ anh đọc được mấy trang chat của chồng với người bạn đang học và làm việc ở nước ngoài. Người bạn này kể về những mối tình “thông thoáng” với gái Tây bên đó. Và Long, để tỏ ra không kém cạnh trong lĩnh vực đầy nam tính này, cũng “kể” lại những mối tình ngoài luồng của mình với cô A bốc lửa, cô B đa tình… Anh thậm chí còn lấy giọng “dân chơi”, khen cô nọ có bộ ngực to, cô kia làm tình giỏi…
Lần ấy, dù Long có nói thế nào cũng không thể thuyết phục được vợ rằng tất cả những cô gái đó đều do anh bịa ra. Anh phải vận động hết hai bên gia đình, bạn bè mình, bạn bè vợ, viện cả hai đứa con mới nài được vợ huỷ đơn ly dị. Nhưng cho đến giờ, chị vẫn chưa tin anh và thường xuyên đề cao cảnh giác. Vì sự cố này mà tuy không thể bỏ hẳn được tính sĩ hão nhưng Long đã kiềm chế hơn rất nhiều, không dám "nổ" văng mạng như trước.
"Đúng là mất mặt không sợ bằng mất vợ. Đến lúc bị vợ bỏ mới thấy sĩ diện không là gì hết", Long kết luận.