Trước đây ông bà vẫn cho rằng, chẳng có cái hạnh phúc nào bằng vợ chồng con cái, cha mẹ , anh chị em sống quây quần, quấn túm lấy nhau, khi tối lửa tắt đèn, lúc trái gió trở trời âu cũng có người thân nhà mình, chẳng hơn hay sao. Nghĩ vậy nên ông bà mới buộc các con sống tập trung như vậy. Để rồi ngày hôm nay mới thấy cái gì cũng có hai mặt của nó.
Ông bà đưa lí do: “Xây riêng mỗi đứa một căn như thế để vợ chồng các con có không gian riêng tư, còn lại vẫn phải chung sân, chung cổng. Dù gì toàn anh em, bố mẹ cả. Mà khi các con có đi đâu vắng, nhà nọ nhà kia còn trông giúp cho nhau được, bố mẹ cũng dễ bề quán xuyến nhà cửa hộ các con. Chứ nhà nào nhà nấy xây cái tường cao kín mít để ngăn ra, mất hết tình cảm”.
Nhưng rồi càng sống, bao cái bất tiện mới càng lộ ra, nhất là khi hai người con của ông bà lập gia đình, có con có cái.
Cái sân chung trước nhà rất rộng, chiều mát, đứa con lớn nhà người anh đòi cùng bạn chơi đánh cầu lông, nhưng đứa con nhà người em lại đòi tập đi xe đạp. Ôi thôi thế là vùng vằng, là cãi vã. Người em dâu thứ chạy ra, “nhắc khéo” cháu: “Sao cháu lớn mà chẳng biết nhường em gì thế?”. Chị dâu cả trong nhà thấy vậy, chạy ra kéo xềnh xệch con về nghe chừng khó chịu. Bởi lẽ chẳng phải một lần mà nhiều lần như vậy nên cũng thấy bực mình vì xót con.
Rồi bao nhiêu cái bất tiện cứ ngồn ngộn ra, lớn có, nhỏ có. Nào là nhà em đêm rồi mà vẫn bật ti vi to làm nhà bác không ngủ được trong khi mai phải đi làm sớm. Nào là mỗi khi cặp vợ chồng nào “xô đũa xô bát” là lại ái ngại khi ra vào chạm mặt bố mẹ, anh em. Mỗi khi nhà nào có khách, bạn bè tụ họp muốn ăn uống, nhậu nhẹt một bữa cho vui cũng đâm ngại. Không mời bố mẹ, anh chị hoặc em thì không được, mà mời nhiều khi cả khách và chủ đều không tự nhiên. Mọi hoạt động giao lưu riêng tư dường như gặp khó khăn rất nhiều.
Ngày lễ, ngày Tết, hai chị em dâu cứ phải lựa nhau từng tí một. Số là quà Tết mua biếu bố mẹ phải làm sao để bên kia không coi thường mình nghèo, bên đây không nghĩ mình hợm của hợm tiền. Giá mà nhà nào nhà nấy, thôi thì ai có gì mang sang biếu bố mẹ, người kia cũng chẳng biết mà dò đoán. Đằng này mở mắt ra là nhìn thấy nhau, mang gì sang biếu sao tránh được mắt người kia. Nhà người em giàu hơn, vì vậy cuối năm thường tết bố mẹ nhiều. Cũng chẳng phải khoe khoang hay chơi trội gì, chẳng qua nghĩ bố mẹ già rồi, tận hiếu được với bố mẹ ngày nào thì cố gắng thôi. Nhà người anh cả thì khó khăn hơn, nhưng chẳng lẽ nhà đứa em nó biếu bố mẹ được như thế, mình qua loa đại khái cũng không được. Thành thử ngầm giữa hai gia đình cứ phải căn cơ, lựa nhau. Thật là mệt!
Ông bà Đán đau đầu khi thấy các con cứ ra vào bằng mặt chứ chẳng bằng lòng. Cũng vì nhiều chuyện nhỏ nhặt tích cóp lại thành ra khó chịu với nhau. Hai người con trai thì đối xử với nhau vẫn vậy, nhưng nhiều khi cũng chẳng tránh khỏi sự tức tối dành cho nhau bởi ai cũng có lúc thấy vợ, thấy con chịu thiệt nên bực mình. Chính ông bà nhiều lúc cũng không thể chịu được khi các con hằm hè nhau. Chẳng phải con cái ông bà không tử tế nhưng đúng là nhiều khi chung chạ quá, không có khoảng riêng thành ra không tránh khỏi xô xát. Có lẽ đến lúc này đây, ông bà mới hiểu, tình cảm anh em máu thịt đâu phải chỉ vì một bức tường mà ngăn cách, nên tạo cho các con một không gian riêng tư độc lập. Ông bà quyết định sẽ xây những bức tường ngăn.