Chen nhau thuê trang sức “diện” ngày cưới

Bạn Hoàng Thu Hồng (phố Lạc Trung, Hà Nội) sau một hồi đắn đo đã quyết định lấy đôi nhẫn cưới 2 chỉ. Chiếc kiềng vàng, lắc tay vàng mà các cô dâu vẫn được đeo trong ngày cưới như của hồi môn của bố mẹ hai bên, Hồng và chồng sắp cưới quyết định sẽ không mua nữa mà đi thuê.

Lý do đơn giản mà Hồng đưa ra: Với giá vàng đang ở mức gần 36,7 triệu một lượng thì mua thêm chiếc kiềng hay chiếc lắc tay thời điểm này với gia đình 2 bên là cả một khối tài sản không nhỏ, trong khi còn cả đống khoản phải chi.
 

“Còn đôi nhẫn cưới, bắt buộc phải mua, vì nếu không, chả nhẽ chả có gì trao nhau hôm cưới?” - Hồng nói.

Thời điểm này, dịch vụ cho thuê trang sức đám cưới bắt đầu được dịp làm ăn phát đạt. Các cửa hàng trang sức tấp nập các đôi bạn trẻ đến để thuê trang sức ngày cưới. Từ trung tuần tháng 10, khi giá vàng liên tục tăng thì đã có tới hàng trăm khách hàng tới thuê trang sức để đeo ngày cưới. Mỗi bộ trang sức bao gồm vòng cổ hoặc kiềng, lắc tay, bông tai có giá thuê từ 500.000 đến 2 triệu đồng cho 2 đêm 3 ngày, tuỳ chất liệu và kiểu dáng.

Chị Hoàng Lan (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sắp lấy chồng ở quận Ba Đình. Mang tiếng là Chương Mỹ đã về Hà Nội, cũng là “dân thành phố” như nhau cả, nhưng bố mẹ chị vô cùng lo lắng vì sắp đến ngày cưới của con gái mà chưa xoay đâu nổi cái kiềng khoảng 5,7 chỉ cho con gái đeo. Thương bố mẹ, lo nhà chồng xì xào, chị Lan quyết định tìm đến một cửa hàng trang sức để xin thuê đồ trang sức cho đám cưới.

Và chỉ với 2 triệu đồng, chị Lan đã giúp bố mẹ mình “nở mày nở mặt” vì được cầm chiếc kiềng to bản, có bông hoa mai điệu đà để đeo vào cổ con gái trong ngày vu quy.

Một chủ cửa hàng trên phố Hà Trung cho biết: “Chưa năm nào mà lượng khách đến thuê đồ trang sức lại nhiều như năm nay. Nhiều thời điểm, cửa hàng bị cháy hàng, phải nhập thêm một lượng nữ trang lớn về để tạo sự phong phú, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách”.

Khóc trong đám cưới vì vàng

Nhà của Hiền Linh (quận Cầu Giấy) đang lâm vào một tình huống vô cùng đau khổ ngay trong ngày cưới của Linh. Số là, ngày cưới của Linh, các bà, các cụ ở quê lên rất đông để chia vui với cô cháu gái rượu, mẹ Linh thấy dịch vụ thuê trang sức tiện quá, mà giá không đắt nên thuê một lúc cả chục chiếc kiềng vàng cho các cụ đeo cho thích, lại được tự hào với nhà giai.

Nhưng các cụ già ở quê, cả đời chả được sờ vào cục vàng dày như thế nên đâm ra nghĩ rằng đấy là đồ... mỹ kí. Thế là sau đám cưới, khi mẹ Linh còn đang ngồi sụt sịt vì con gái đã về nhà chồng thì các cụ già đua nhau tháo vòng, vứt lăn lóc, chỏng chơ ở bàn uống nước. Lúc sau, khi mẹ Linh sực nhớ ra chuyện kiềng vàng thì ôi thôi, cả chục cái kiềng chỉ tìm được 3 cái. Vậy là “nỗi buồn” chia tay con gái đi lấy chồng nhanh chóng biến mất. Vì mẹ Linh lúc này còn bận khóc to hơn vì mất 7 chiếc kiềng vàng, tính tổng ra là gần 7 cây vàng.
 

Có trường hợp, cô dâu thuê phải kiềng đã cho thuê nhiều lần, thế là ngay trên sân khấu, mẹ cô dâu lung túng thế nào lại cầm chiếc kiềng xoay xoay cái khóa, làm kiềng gẫy tại chỗ. Cô dâu và mẹ đẻ chỉ còn biết đỏ dừ mặt vì ngượng. Nhưng chả còn cách nào khác ngoài việc buộc dây chỉ vào kiềng để còn chụp ảnh tiếp.

Một chủ cửa hàng vàng bạc tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Khi đến thuê, ngoài việc xuất trình giấy tờ tuỳ thân thì khách phải đặt cọc tiền gốc của sản phẩm kèm theo. Nếu không giữ gìn trang sức cẩn thận, thì tùy vào sự hỏng hóc mà khách hàng phải bồi thường”.

Và các bạn trẻ, khi đi thuê vàng nên lưu tâm đến các điều khoản trong hợp đồng để tránh tình trạng tranh chấp cũng như đền bù, bồi thường nếu sản phẩm không may bị hư hỏng. Nếu lỗi do cửa hàng thì khách sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi hoàn, còn sơ suất từ phía khách hàng thì sẽ hợp đồng đã ghi rõ khung giá bồi thường cho vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Những điều này các đôi uyên ương nên nhớ rõ để tránh tình trạng buồn bã, bực mình sau ngày cưới nếu chẳng may trang sức đi thuê có vấn đề.