Ngày Vui (Hà Đông) về làm dâu nhà Thắng, hàng xóm nhà anh đã rỉ tai cô là phải cẩn thận với ông bố chồng. Bố chồng cô rất hay “dựng chuyện”, lại hà tiện có tiếng ở xóm. Vui thầm nghĩ mình sống ngoan ngoãn, phải đạo làm con thì bố chồng nào nỡ gây chuyện với mình. Hơn nữa ông một mình gà trống nuôi con nhiều năm rồi, đàn ông chợ búa cơm nước nên có khi người ta lại nói hà tiện. Thế nhưng Vui đã nhầm.
Ngay tối hôm cưới, khi Vui đang rửa bát dưới bếp thì bố chồng cô ngọt nhạt với Thắng: “Hôm nay cả hai vợ chồng con mệt rồi, xong con đưa vợ lên phòng nghỉ ngơi đi, để bố kiểm phong bì cho, của chúng mày bố lấy làm gì”. Thắng quá hiểu tính bố anh, nhưng một phần vì mệt, một phần vì muốn yên cửa yên nhà nên đồng ý để bố kiểm phong bì giùm. Vui vẫn còn bức xúc khi nghĩ đến việc đó: “Hôm sau trong bữa sáng bố chồng mình đưa trả tiền mừng cho hai vợ chồng và bảo đêm qua ông đã đếm phong bì của vợ chồng mình luôn rồi. Lúc đó mình bực lắm nhưng là dâu mới không muốn căng thẳng với bố chồng ngay từ ngày đầu. Chẳng phải mình hẹp hòi gì đâu nhưng mình muốn tự bóc, còn biết bạn bè mừng bao nhiêu để sau này mừng lại người ta chứ. Chồng mình dường như quen với việc này hay sao ý, anh ấy chẳng nói gì nhưng mình biết anh ấy xấu hổ với mình lắm”.
Không những tự ý bóc phong bì của con trai và con dâu, bố chồng Vui còn có thái độ đả kích: “Bạn chúng mày cũng keo kiệt quá, thế nào mà cả hai vợ chồng được có chục triệu bạc”. Lúc ấy thì cả hai vợ chồng Vui chỉ biết trố mắt nhìn nhau mà ngậm cục tức. “Riêng với số khách mời của mình, mình tính sơ cũng gấp đôi, gấp ba số tiền đó rồi chứ chưa kể đến khách của chồng mình. Mà chi phí đám cưới, toàn là tiền riêng của hai vợ chồng bỏ ra, chứ ông có cho được đồng nào đâu” – Vui ấm ức kể lại.
Bố chồng cô vốn là người hà tiện có tiếng ở xóm (Ảnh minh họa).
Có lẽ bắt nạt Vui là dâu mới nên bố chồng cô thường xuyên đổ thừa cho cô mọi tội lỗi. Lương của vợ chồng cô lúc nào ông cũng hỏi dò được bao nhiêu và bắt phải đưa cho ông một nửa để lo chi tiêu. Thế nhưng mỗi bữa đi chợ thì ông chỉ tằn tiện mua tý thức ăn, hôm nào cũng vậy, chưa hết bữa thì đã sạch trơn đĩa thức ăn và rau. Vợ chồng cô vừa ăn vừa hay nói chuyện nên nhiều hôm phải ăn cơm nhạt. Chồng Vui hỏi bố sao mua ít đồ ăn vậy thì ông lại vu vạ: “Vợ mày dặn tao mua ít thế”. Khổ nỗi Vui có bao giờ dặn ông thế đâu, cô mà thanh minh thì ông lại bảo láo chỉ biết cãi người lớn, bố mẹ cô không dạy dỗ tử tế.
Khi có bầu, thỉnh thoảng Vui mua hoa quả hay đồ ăn vặt về nhà, lần nào cô cũng để một phần ra đĩa mời bố chồng. “Ấy vậy có lần mình nghe thấy ông bảo với chồng mình là: ‘Vợ mày tham như mõ, mua đồ ăn về ăn vụng ăn trộm ở trên phòng, không bao giờ biết mời tao một tiếng’. Lúc ấy ức quá mình chạy lại bảo ‘Bố vừa ăn rồi lại nói con không mời’ thì ông lại lấp liếm ‘Đấy là tao nói mấy lần trước’. Cũng may chồng mình biết tính bố nên anh không tin, nhưng cứ ở như thế có ngày mình phát điên mất” – Vui cười khổ kể về sự “điêu ngoa” của ông bố chồng.
Thu (Thái Thịnh, Hà Nội) không có may mắn như Vui khi chồng đi làm xa, ngày ngày cô phải điên đầu đối phó với bố chồng. Chẳng là bố chồng Thu là tay hòm chìa khóa trong nhà. Hàng tháng mọi người đều phải nộp hết lương cho ông vì “trong nhà tiền nong phải quy về một mối”. Ngày Thu về làm dâu, ông tuyên bố cô cũng phải theo “lề lối” nhà chồng. Thu thấy quá vô lý nên kiên quyết không chịu. Sau bao ngày mặt nặng mày nhẹ tranh đấu, lại thêm sự năn nỉ của chồng Thu nên ông cũng đồng ý cho cô tự giữ lương nhưng mỗi tháng phải nộp cho ông bốn triệu.
“Mình chỉ ăn bữa tối ở nhà, nộp cho ông như vậy rồi nhưng hàng tháng mình vẫn phải đóng tiền điện nước, tiền mạng. Thỉnh thoảng ông lại gọi điện nhờ đi làm về mua hộ cái này, cái kia nhưng không bao giờ thèm hỏi xem hết bao nhiêu để trả cho mình. Chẳng lẽ lại đi đòi bố chồng mấy chục, hay một hai trăm nghìn. Thế nhưng mỗi tuần đôi ba lần như vậy thì mình cũng nhẵn ví” – Thu kể về sự chi li tính toán của ông bố chồng mình.
Nhiều lúc nghĩ đến ông bố chồng tai quái Thu chỉ muốn bỏ về nhà đẻ, nhưng khi nghĩ đến chồng và con trai Thu cũng đành cắn răng “sống chung với lũ” (Ảnh minh họa).
Hơn một năm trước, chồng Thu phải chuyển công tác đi xa, bố chồng cô liền giao toàn bộ việc chi tiêu trong nhà cho Thu, tuy nhiên ông vẫn là tay hòm chìa khóa của những thành viên khác. “Bố chồng mình còn hơn cả 10 bà mẹ chồng gộp lại. Ông ỷ việc chồng mình không nộp lương nên mọi chi tiêu trong nhà đều đến tay mình. Lương của mình nuôi con nhỏ, lại thêm ông bà nội, 2 đứa em cô nữa. Rồi đi ăn cưới, đám ma, đám giỗ ông cũng đòi tiền mình. Ở nhà hết gas, gọi gas về ông cũng không ứng trước trả cho người ta mà nợ đấy để mình về mình trả. Thế nhưng đi đâu ông cũng kể lể là ông già rồi vẫn phải nuôi ‘bá cô’ con dâu và cháu nội vì mình không nộp lương cho ông mà toàn gửi hết về cho bố mẹ đẻ. Khổ nỗi, từ ngày lấy chồng có cho được bố mẹ mình cái gì đâu, ngược lại ông bà còn cho thêm thì có, rõ là phải tội” – Thu ngao ngán kể khổ.
Với người phụ nữ này, chuyện tiền nong với bố chồng luôn là nỗi ám ảnh lớn: “Nhớ có lần mình hỏi ông có tiền lẻ không đổi giúp mình 500 nghìn để lấy tiền đi đám giỗ. Thế mà ông chửi mình cả ngày hôm ấy là ‘từ ngày mày về nhà tao mày có cho tao cái móng tay gì đâu mà mày hỏi tao có tiền không’, ‘Chúng mày là lũ bất hiếu vô ơn, tao vất vả nuôi chồng mày ăn học cuối cùng nó lại là thằng nghe vợ’,… Mình thấy chuyện không có gì mà ông lu loa lên thì cũng bảo lại: ‘Con có xin bố đâu, bố chẳng có đổi giúp con thì thôi chứ bố đừng nói khó nghe như thế’. Thế là ông tức tốc gọi điện cho chồng mình chửi cả tiếng đồng hồ, nói chồng không biết dạy vợ, để vợ không biết điều mở miệng xin tiền ông, ông không cho thì cãi láo với ông …. Chồng mình nghe vậy tuy không tin hết lời ông nói nhưng cũng bực mình, thế là gọi về to tiếng với mình, hai vợ chồng lại giận nhau, đến là khổ”.
Nhiều lúc nghĩ đến bố chồng Thu chỉ muốn bỏ về nhà đẻ, nhưng khi nghĩ đến chồng và con trai Thu cũng đành cắn răng “sống chung với lũ”.