Chị Bích, Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã phải khổ sở suốt gần hai năm bởi màn tra tấn "độc" của chồng - một giáo viên cấp 2.
Cách đây 5 năm, chị Bích trót "say nắng" một nam đồng nghiệp. Nhưng ngay sau đó, chị hối hận và đã nhất quyết không gặp lại người kia nữa, chân thành thú thật với chồng về sai lầm của mình rồi xin anh tha thứ. Khi ấy, chồng chị đã cho qua và hai người lại sống êm ấm bên nhau. Một năm sau thì chị sinh đứa con thứ 2.
Hai năm trước, chồng chị có bồ, về nhà luôn tìm cớ hạch họe vợ và lôi sai lầm cũ của chị ra chì chiết. Không những thế, người đàn ông này còn đưa đứa con thứ hai đi xét nghiệm ADN và một tuần sau mang về đưa cho vợ tờ kết quả xét nghiệm ghi rõ anh ta và đứa trẻ không có quan hệ huyết thống. Chưa dừng lại, anh ta còn phôtô tờ kết quả trên thành hànng trăm bản, đem đến nhà bố mẹ vợ rồi mang phát cho họ hàng, làng xóm.
Chị Bích bị bủa vây bởi những cái nhìn xoi mói, những lời chỉ trích cay độc của không chỉ những người trong gia đình chồng mà cả người ngoài. Bố mẹ, anh em chị cũng phải chịu đựng điều này. Quá đau khổ, lại vẫn tin sự thật không phải như vậy, chị đã tìm đến một trung tâm phân tích ADN rất uy tín để làm xét nghiệm lại và biết đứa trẻ đúng là con chồng. Hóa ra, chồng chị vì muốn ruồng rẫy vợ con, muốn xỉ nhục chị mà đã tìm cách nào đó để có tờ kết quả giả mạo kia.
Bị chồng hành hạ vợ bằng những lời nhục mạ, đe dọa vô lối, chị Trà ở Mỹ Đình, Hà Nội cũng rơi vào trạng thái trầm cảm. Không ai nghĩ người đàn ông gần 40 tuổi, là cán bộ nhà nước như chồng chị lại có thể buông những câu như "cô là đồ đàn bà hư hỏng", "con cave kia, mày đừng có già mồm", thậm chí "tao mà nhìn thấy mày đi với thằng đó nữa, tao sẽ giết"...
Người ngoài nghe thấy những câu này có thể tưởng tượng chị Bích là người phụ nữ lẳng lơ nên mới khiến chồng ghen tuông và nói những câu nặng nề như vậy. Nhưng, sự thật, chị là người chỉ biết đi làm rồi về nhà, chăm lo cho chồng con, chẳng bao giờ tham gia các hoạt động tập thể của cơ quan hay đi chơi với bạn gái chứ đừng nói chuyện hẹn hò với người đàn ông nào.
Vậy nhưng chồng chị vẫn luôn ghen bóng gió rồi chửi bới vợ. Anh ta chưa bao giờ đánh vợ nhưng những lời nói thì như bao mũi kim khía vào tim. Chưa hết, anh ta còn kể xấu chị với hai đứa con, thậm chí bắt chúng phải chửi lại mẹ. Không biết bao nhiêu lần chị đã bị chồng dọa giết, dọa bắt con đi. Chị cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, lo sợ. Có lần, chị đã gọi điện nhờ công an phường tới giúp đỡ nhưng được họ trả lời: "Có đánh nhau, gây thương tích gì đâu mà chúng tôi phải đến".
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na (phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, có rất nhiều chị em không chịu được các kiểu hành hạ tinh thần của chồng, rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm lý, phải nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ. Bà Bưởi cho biết, đa số các trường hợp này cả hai vợ chồng đều là người trí thức, đã có thời gian chung sống vài năm trở lên. Từ việc dùng những lời lẽ chì chiết, xỉ nhục, đe dọa.., đến rêu rao, nói xấu vợ với mọi người xung quanh đều được các ông chồng "trình độ cao" sử dụng với vợ.
Một hình thức khác, tuy không nặng nề bằng nhưng lại làm chị em đau đớn không kém là kiểu tỏ thái độ lạnh lùng, không quan tâm, thậm chí "bỏ đói" vợ trong quan hệ tình dục... được khá nhiều đàn ông trí thức áp dụng với vợ.
Chị Xuân, Đống Đa, Hà Nội đã nếm trải cảm giác này lâu nay.
Chồng có bằng thạc sĩ, đang làm trưởng phòng một công ty về viễn thông ở Hà Nội. Vợ là nhân viên văn phòng. Ai nhìn vào cũng nghĩ gia đình chị quá hạnh phúc vì vợ chồng đều thành đạt ở tuổi 35, có hai đứa con một trai một gái ngoan ngoãn.
Thế nhưng, thực chất, gia đình chị rất nặng nề. Anh Thế, chồng chị ngày nào đi làm về cũng ngồi miệt mài trước máy tính hay đọc báo, chẳng bao giờ hỏi han vợ, chị có hỏi gì thì anh nói ậm ừ cho qua. Chuyện chăn gối của hai người cũng rất lạnh nhạt.
Kể cả khi chị Xuân tỏ ra giận dỗi, quay ra làm mặt lạnh, chẳng nói gì với chồng thì anh cũng mặc kệ. Có khi cả tháng trời, vợ chồng chị chẳng nói chuyện hay đụng chạm gì tới nhau.
Không thể chịu được cảnh vợ chồng cùng nhà mà như người dưng, chị Xuân đã bao lần đề nghị hai người nói chuyện xem có gì không hài lòng thì cùng sửa chữa, chứ không thể tiếp tục im lặng ở bên nhau như vậy. Thế nhưng, chồng chị vẫn giữ thái độ tỉnh bơ, lạnh lùng bảo chẳng có chuyện gì cần phải nói.
Chị Xuân luôn có cảm giác mình bị bỏ rơi. Chị mơ hồ thấy mình đang bị chồng trừng phạt vì chị làm điều gì đó không đúng ý anh nhưng anh chẳng nói ra. Tinh thần chị suy sụp dần. Nửa năm trở lại đây, chị luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt, hay khóc và lo lắng, đau đầu.
Theo tiến sĩ Bưởi, những trường hợp bị chồng bạo hành về tinh thần, tuy không gây thương tích về thể chất cho người phụ nữ nhưng nó lại làm tổn thương rất lớn cho tinh thần, tâm lý của họ. Đặc biệt, những chị em có trình độ học thức cao, thường rất tự trọng về bản thân. Họ hiểu được vị trí, vai trò của mình trong gia đình, xã hội. Họ luôn mong muốn được mọi người, nhất là "nửa kia" tôn trọng nên sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ, giằng xé khi bị bạn đời coi thường, xỉ nhục.
Ngoài ra, các kiểu bạo hành về thể chất tuy ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn có thể nhờ sự can thiệp ngay của mọi người xung quanh và chính quyền địa phương. Còn khi bị hành hạ về tinh thần, đa số chị em rất khó nhờ sự trợ giúp bởi nó thường diễn ra lặng lẽ, âm thầm, không để lại dấu vết có thể nhìn thấy.