Có người gọi họ là những người mẹ dũng cảm, có người nói họ điên, có người lại cho họ là những người ích kỷ, có người lại miệt thị họ là "gái hư"... Rất nhiều ý kiến trái ngược trước một hiện tượng ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại: làm mẹ đơn thân. Đằng sau những gia đình “không có nóc” này là cả một tá những câu chuyện vui buồn lẫn lộn.

Làm mẹ đơn thân – những bi kịch tình yêu


Cứ sáu giờ hàng sáng là Hiền Thuý lại lục tục gọi cô con gái 11 tuổi dậy. Giục bé vệ sinh cá nhân rồi chuẩn bị sách cặp đến trường. Hai mẹ con hầu như ngày nào cũng ra khỏi nhà đúng bảy giờ. Hiền Thuý đưa con gái đến trường rồi tất tả đến tiệm may của mình. Bé Anh Phương đã quen với cái nếp này bao nhiêu năm nay rồi, vì từ khi cất tiếng khóc chào đời, bé hiếm khi được gặp bố mình. Cách đây 11 năm, khi mới tròn 21 tuổi, Hiền Thuý đã dũng cảm giữ lại cái thai khi hai vợ chồng cô quyết định ly thân chỉ sau 2 tháng chung sống. Không thể kể hết những tủi cực mà cô phải chịu đựng khi quyết định làm một bà mẹ đơn thân với hai bàn tay trắng. 


Người ta thường ví “Làm mẹ đơn thân chẳng khác nào vào rừng một mình”. Quả thật, Hiền Thúy đã “đi rừng” suốt hơn 11 năm nay và ai cũng phải khâm phục sức chịu đựng cũng như bản lĩnh của cô. Vay được chút vốn từ bố mẹ đẻ, Hiền Thuý mở một tiệm may nhỏ tại nhà và phát huy những gì mà cô đã học từ trước khi lấy chồng. Thật không dễ dàng đối với Hiền Thuý khi cô bắt đầu công việc ấy lúc đang mang bầu bé Anh Phương. 


Đi dần dần từ con số 0, đến giờ hiền Thúy đã gầy dựng được một hiệu may khá lớn trên khu phố cổ của Hà Nội. Và  trong suốt 11 năm qua, Hiền Thuý không hề hẹn hò với bất cứ một người đàn ông nào chỉ vì một lý do duy nhất: cô muốn dành hết tình thương cho con gái mình. 


Cùng cảnh ngộ làm mẹ một mình, nhưng cuộc đời cô gái Liên Hương 18 tuổi, còn éo le hơn. Nổi bật nhất trong đám sinh viên năm thứ nhất của khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cô nhanh chóng trở thành mục tiêu săn đuổi của cánh sinh viên nam trường Đại học Kiến trúc gần đó. Từ khi vào đại học theo đúng “chỉ tiêu” của bố mẹ, cô được gia đình cho tự do nhiều hơn, thế là Liên Hương cũng chẳng tiếc gì thời gian của mình để dành cho các cuộc đi chơi thâu đêm suốt sáng với bạn trai. Kết quả học tập sa sút và cái bầu hai tháng là bản “báo cáo thành tích” của Liên Hương sau giai đoạn đại cương. 


Đi khám thai, cô được bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của cô dễ có nguy cơ không có thai vĩnh viễn nếu phá bỏ, thế là cô đành quyết định giữ lại cái thai. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Liên Hương phải nói lời chia tay với trường đại học. Trở thành bà mẹ đơn thân một cách bị động, những giai đoạn đầu tiên, Liên Hương cũng vô cùng hoang mang và lo lắng. Đôi lúc cô còn thấy oán trách cả đứa con mình đang mang trong bụng. Thế nhưng ngay khi lần đầu tiên được bồng đứa trẻ - con mình trên tay, “Dường như có một điều gì lớn lao bỗng nảy sinh trong tình cảm của cô, cái cảm giác thương yêu thương xót đứa nhỏ yếu ớt đang dựa vào lòng mình mà ngủ khiến tôi chợt hiểu ra mình là tất cả với nó. Chính lúc ấy, tôi vừa muốn khóc vì trách nhiệm to lớn ấy, vừa muốn mỉm cười vì hạnh phúc”. Đó chính là lời cô tâm sự trong nhật ký của mình.


 May mắn được sự bảo bọc và động viên từ gia đình, Liên Hương đã vượt qua những ngày tháng khó khăn và quyết tâm đi học lại. Cậu bé Nhất Hoàng được cái dễ nuôi, hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn khiến cho Liên Hương cũng bớt nhọc. 


Khi Liên Hương tốt nghiệp đại học cũng là lúc bé Nhất Hoàng vào lớp 1. Riêng Liên Hương cũng tìm được một chỗ dựa tinh thần yên ổn. Nhưng cô vẫn phân vân về việc “góp gạo thổi cơm chung” với người bạn trai của mình. Liên Hương không muốn làm xáo trộn cuộc sống của hai mẹ con dường như đã yên bình. Bị mọi người tra vấn, cô thường bảo: "Tạm thời cô muốn một mối quan hệ tình cảm không có hứa hẹn, để bé Nhất Hoàng khỏi bị sống trong cảnh “bố ghẻ con vợ”. Còn tương lai… thôi thì từ từ tính tiếp…"


Và lựa chọn dũng cảm?


Không chỉ những người phụ nữ “không tên, không tuổi” mà hiện nay, ngay cả giữa những người phụ nữ khá nổi tiếng, “người của công chúng” cũng dấn mình vào sự lựa chọn: Sinh những đứa con không có bố. Có rất nhiều lý do khiến những người phụ nữa còn rất trẻ, xinh đẹp và thậm chí giàu có, tiếng tăm lựa chọn một con đường chông gai như thế.


Một nhà báo khá có tiếng trong làng báo của thành phố đã kể chuyện mình sinh con một mình với một niềm kiêu hãnh riêng: “ Đó là tình yêu. Anh ấy yêu mình và mình yêu anh ấy. Nhưng anh ấy đã có gia đình, đã có những đứa con. Chúng nó chẳng có lỗi gì và mình thì không muốn mang tiếng cướp chồng con của người khác. Nhưng tình yêu của mình thì mình cũng không thể dứt bỏ. Nên mình đã tự quyết định gánh lấy một mình mọi hậu quả, để bảo vệ cho thành quả của tình yêu ấy”. Cô sanh không những chỉ một mà đến hai đứa con cho người đàn ông mà cô yêu thương và hy sinh chính bản thân mình.


Ngược lại với người phụ nữ trên, Hà Anh lại lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân bởi sự: "ghét đàn ông". Sau khi chia tay với mối tình đã kéo dài tám năm, ở tuổi 33, Hà Anh cảm thấy mất hết lòng tin ở đàn ông. Cô tuyên bố “xanh rờn” với đám bạn rằng, từ nay về sau sẽ không hẹn hò với ai hết, cô sẽ chỉ tập trung vào việc “tìm bố cho con” của mình. Con đường mà Hà Anh đã chọn làm không ít bạn bè người thân phải choáng váng: cô chủ động quyết tâm làm mẹ đơn thân. “Chỉ có đứa con mình dứt ruột đẻ ra mới có thể giúp tôi đứng vững mỗi lần tinh thần suy sụp. ” - với lý lẽ đó, Hà Anh “lên đường”. 


Vốn khá xinh đẹp, lại quan hệ rộng, Hà Anh thường có sẵn nhiều vệ tinh xung quanh. Vì thế, việc khoanh vùng đối tượng đối với cô không phải là khó. Tuy nhiên, lựa chọn giữa việc công khai “xin” hay “ăn cắp” con từ những vệ tinh này để khỏi bị gây “hậu họa” cũng đủ khiến Hà Anh đau đầu.

Bi kịch hay sự tự tin?


Vẫn sống lạc quan một mình, Hiền Thuý tìm niềm vui từ sự trưởng thành của cô con gái và công việc thuận lợi ở tiệm may. Cô thường tự an ủi mình rằng cô còn hạnh phúc hơn khối người bạn xung quanh đang lục đục chuyện chồng con.
Sau những lỗi lầm thời sinh viên, Liên Hương tỉnh táo và chủ động với cuộc đời của mình hơn. Cô sống có trách nhiệm với con và với bản thân mình không khác gì những bà mẹ trưởng thành ngoài xã hội. Cái sự “liều” của Liên Hương đã mang lại cho cô những kinh nghiệm không thể mua được bằng tiền.


Bên cạnh họ, những người mẹ chủ động lựa chọn con đường chông gai “làm mẹ một mình” sau khi vượt qua những khó khăn đầu tiên họ vẫn còn khá nhiều những khó khăn không lường trước. Với những người phụ nữ ấy, câu hỏi muôn đời sẽ không phải từ bố mẹ, hay bạn bè mà chính là những câu hỏi của những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày và muốn được kiêu hãnh với mái gia đình, với bố và mẹ của họ.


Chính điều đó là một trong những nguyên nhân khiến cô bạn Hà Anh chơi vơi và chưa biết định hướng thế nào cho tương lai của mình, dù cô từng có tuyên bố gây sốc về việc sinh con mà không cần có chồng. Liệu cô có đủ can đảm chấp nhận đồi đầu suốt cuộc đời một cách can đảm như cô nhà báo? Câu trả lời phụ thuộc vào sự tự tin của Hà Anh.


Đứng ở góc độ xã hội, không nên coi hiện tượng “làm mẹ đơn thân” ngày càng phổ biến hiện nay là một trào lưu xấu. Xét ở từng trường hợp cụ thể, chúng ta thấy họ “buồn” nhiều hơn “vui”. Và cùng với những quyết định của họ còn là số phận của những đứa trẻ sinh ra trong cái nhìn đôi khi thương hại, đối khi khinh miệt, đôi khi coi thường của người đời. và chính vì thế, nếu có một cái nhìn thông cảm và cởi mở hơn với những bà mẹ đơn thân dũng cảm (dù có hoàn cảnh nào đi chăng nữa) thì đó cũng sẽ là một sự nâng đỡ về tinh thần cho những đứa trẻ của những mái gia đình đặc biệt này.

Theo Wtt