Khi phụ nữ stress, họ thường có nhu cầu được nói thật nhiều và cần người nghe. Ngược lại, khi người đàn ông stress, họ muốn được im lặng, tìm một chốn riêng, làm những gì mình thích mà không muốn bị ai quấy rầy, kể cả vợ con. Thế nhưng lại không có nhiều bà vợ cảm thông cho điều đó…
Bắt “bệnh”
Người viết bài này có anh bạn làm sếp của một công ty xây dựng, anh có sở thích ngồi uống cafe một mình, nhất là những lúc cần suy nghĩ. Chỉ cần một ly cafe đen và điếu là anh có thể “thiền” vài tiếng đồng hồ là chuyện thường. Những lúc đó vô phước cho ai tới hỏi han, nhẹ nhàng là nhận được sự im lặng giả “điếc”, còn nặng đô nhất là có thể bị chửi rát mặt.
“Sở thích” này của anh ban đầu diễn ra ở nhà, nhưng lần nào cái sự “thiền” của anh cũng gây nên những hệ quả nặng nề vì chị vợ chịu không thấu kiểu “thiền” của anh nên mỗi khi anh “thiền” xong là tới lượt chị. Mà chị “thiền” còn dữ dội hơn, lần nào cũng tính bằng tuần, kèm theo cơm nước, nhà cửa bị bỏ bê.
Thế nên, chỉ cần anh “thiền” mỗi tháng 4 lần thì chị với anh chắc không có cơ hội nhìn mặt nhau chứ nói gì tới chuyện “tâm sự”. Vậy là anh đành chọn quán để “thiền” mỗi khi rảnh. “Thiền” chán, rít thuốc chán, nghĩ ngợi chán (nghĩ cái gì thì chỉ có anh biết vì có ai dám hỏi, mà có hỏi anh cũng chẳng bao giờ nói) rồi anh về nhà, tươi mới và thảnh thơi như chưa hề “ở ẩn”. Đôi lần về muộn cũng bị vợ cằn nhằn, nhưng thường lúc đó anh cắt cơn “thiền” rồi nên mọi sự cũng đều được giải quyết ổn thỏa.
Anh K.L. thì có kiểu “một mình” rất độc đáo. Thỉnh thoảng anh chui vào phòng một mình, đàn hát rên rỉ chán chê lại quay sang đánh cờ tướng với... máy vi tính, mặc kệ vợ con vui vẻ ngoài phòng khách chứ nhất định không cho ai vào... chơi cùng.
Đó là những kiểu “ở ẩn” đặc biệt, ít “đụng hàng”. Còn những kiểu “ở ẩn” phổ biến, kiểu như đang ngồi làm việc bỗng thấy một chàng chống cằm nhìn ra cửa sổ mải miết ngắm... hoa, mắt mơ màng ai gọi cũng không thưa là chuyện “thường ngày ở huyện”. Chỉ biết rằng giống nhau ở chỗ đó là lúc các quý ông đang bị stress hoặc rất căng thẳng.
“Kê toa”, “bốc thuốc”
Nhu cầu ở một mình, không muốn ai quấy rầy của các ông chồng trong một số thời điểm nào đó là một nhu cầu có thật. Theo các nhà tâm lý , tính cách của đàn ông và phụ nữ rất khác nhau. Đàn ông ít khi bộc bạch tình cảm và suy nghĩ của mình với mọi người nếu không phải là chuyện thật quan trọng.
Mỗi khi tức giận hoặc căng thẳng, bức bối một chuyện gì đó, đàn ông có xu hướng rút vào "khoảng trời riêng", nghiền ngẫm một mình. Chỉ đến khi tìm được giải pháp khả thi, họ mới khoan khoái bước ra. Nếu chưa nghĩ ra, họ sẽ kiếm cái gì đó như báo, sách, ti vi, thể thao... để nhanh chóng quên đi “mớ bòng bong” mà họ đang mắc phải. Hoặc đôi khi chỉ đơn giản là họ muốn được tĩnh tâm để “làm mới” đầu óc.
Thạc sĩ Võ Văn Nam (khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: "Người đàn ông nào cũng cần có lúc được ở một mình. Đó là những lúc mà theo ngôn ngữ của đạo Phật gọi là "quán chiếu", tức được nhìn nội tâm để đối chiếu với cuộc sống. Qua đó, họ được hướng thượng, hướng thiện và sẽ yêu đời, yêu người và quan tâm đến người thân trong gia đình hơn".
Khi tìm một góc riêng, ngoài việc để đối diện với chính mình, tìm ra mối tương quan với người thân, người đàn ông còn thoả mãn nhu cầu xả hơi. Vì vậy, khi cảm nhận triệu chứng “ở ẩn” của người đàn ông, cần tôn trọng nhu cầu chính đáng này của họ.
Sau đó, hãy thử tìm hiểu tâm tư thầm kín của chàng, dù chàng nói hay không nói cũng đừng nên trầm trọng hóa vấn đề hay suy diễn, tốt nhất hãy để chàng tự thoát ra khỏi “vỏ bọc” của mình. Ngược lại, các đấng mày râu cũng cần lưu ý đến liều lượng "sống một mình" và điều chỉnh cho hợp lý, đừng để vì một phút “ở ẩn” mà thành ra “thiền tịnh, chay trường” suốt một đời vì… vợ chán.