Song nhìn quanh vẫn còn rất nhiều cô gái trẻ đeo đuổi giấc mộng đổi đời nơi đất khách mà không lường tương lai phía trước sẽ viên mãn hay bi kịch!

Để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng cần phải hiểu tâm tính, nếp sống của nhau (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Tiến

Nhiều người từng không hiểu vì sao hàng chục cô gái Việt có thể xếp hàng trước một người đàn ông nước ngoài cách biệt tuổi tác, bất đồng về ngôn ngữ với khát khao mình được chọn làm vợ. Lý giải lớn nhất để cảm thông cho họ là bởi điều kiện sống khó khăn, bởi nhận thức còn non trẻ, ảo tưởng. Cứ thế bi kịch lại xuất hiện.

Trao đổi về hiện tượng lấy chồng nước ngoài qua mai mối sau câu chuyện cô dâu Việt bị chồng mới cưới giết chết tại Hàn Quốc, tiến sĩ Lưu Hồng Minh - trưởng khoa xã hội học Học viện Báo chí tuyên truyền - phân tích: “Vợ chồng qua môi giới có những chuyện không thể lường trước được. Thứ nhất về giá trị chuẩn mực rất khác nhau giữa hai đất nước tạo nên các quy định ứng xử trong gia đình có thể xa lạ với chồng hoặc vợ. Bên cạnh sự bất đồng ngôn ngữ khiến vợ chồng khó hiểu nhau nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Thứ hai, chúng ta không lường được bản thân những người đàn ông nước ngoài đi tìm vợ ở một đất nước khác như thế nào”...

Cô dâu Việt kết hôn với người chồng nước ngoài phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Rào cản văn hóa và bất đồng ngôn ngữ là trở ngại rất lớn cho sự đồng cảm và thấu hiểu giữa vợ và chồng. Hơn nữa sự mai mối chóng vánh dựa trên vài thỏa thuận về tiền bạc đã làm biến dạng tính chất thật sự của hôn nhân.

Trong khi xã hội không ngừng cảnh báo lấy chồng ngoại qua mai mối để đổi đời chỉ là ảo tưởng, thì làn sóng các cô gái trẻ ở nhiều vùng quê vẫn ùn ùn đổ lên thành phố cho những người đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan... tìm vợ xem mặt. Có thể các cô ấy nghĩ bi kịch chỉ là sự không may của một vài người, còn phần lớn vẫn hạnh phúc, sung sướng.

Nhìn sang nước bạn Campuchia, vào tháng 3-2010 chính quyền đã tạm thời ban hành lệnh cấm công dân kết hôn với đàn ông Hàn Quốc sau khi hàng chục phụ nữ nước này bị gả bán trong những cuộc hôn nhân qua môi giới, TS Lưu Hồng Minh cho rằng: “Mọi vấn đề đều có thể tìm giải pháp khắc phục. Những cô dâu Việt nếu lấy chồng nước ngoài đều nên trải qua quá trình học tập lâu dài về ngoại ngữ, về hệ thống giá trị chuẩn mực cũng như luật pháp của nước người. Chính quyền cũng cần những điều kiện ràng buộc, như kiểu không thể cho phép kết hôn trong vòng chỉ có một tuần và giám sát cụ thể trình độ ngoại ngữ cũng như hiểu biết văn hóa. Nói chung phải có những quá trình dài hơn, giúp họ biết về nhau hơn, lường trước những khó khăn có thể xảy ra. Một vấn đề nữa là việc thành lập mạng lưới tập hợp các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài ở mỗi nước sẽ giúp ích rất nhiều cho các cô dâu mới. Trước mắt đó là cách thức giúp cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài khỏi bị hẫng chân khi bước từ ảo tưởng xuống thực tế”.
 

Khác biệt làm nên hạnh phúc

Anh gặp chị trong một bưu điện ở TP.HCM khi đang loay hoay dùng hành động diễn tả với bưu tá. Chị thông dịch giúp anh và họ trở thành bạn trong những chuyến du lịch Việt Nam. Những tưởng chàng kỹ sư người Canada về nước sau hơn hai tháng du lịch, nhưng anh quyết định ở lại Việt Nam vì tình yêu với cô gái nhỏ nhắn Việt Nam rất thân thiện.

Tết Nguyên đán năm 2003 anh từ TP.HCM bay ra Huế, chỉ để khẳng định với chị rằng: anh yêu chị. Chị rất xúc động vì trước đó do chưa hiểu hết về anh nên định trốn chạy. Song, thật tâm chị đã yêu anh chàng mắt xanh tóc nâu này từ lâu. Hai anh chị kết hôn khi chưa có nhà riêng, hằng ngày anh đi làm chị ở nhà nội trợ. Khi chị sinh em bé, anh từ một người đàn ông không biết gì về chợ búa đã xách giỏ đi chợ. Những món ăn Việt ngày trước chị nấu cho anh ăn thì nay anh lại nấu cho vợ.

Anh nói vui bằng giọng lơ lớ: “Mình trở thành người đàn ông Việt rồi”. Nhờ chị giờ anh nói tiếng Việt khá thông. Chị nói: “Đôi khi những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ lại là gia vị làm nên hạnh phúc”.

XUÂN T.P. (ghi theo lời kể của chị T.Mai, Q.Tân Bình, TP.HCM)

 
Theo Tuổi trẻ