Chiếc bọc bí ẩn

Người phụ nữ đứng tuổi gọi điện tới trung tâm tư vấn giữa đêm với giọng hốt hoảng. Bà hỏi rằng con trai bà có bị điên hay bị ma làm không. Vì câu chuyện đối với bà quá lạ lùng, nên giọng nói của bà mất bình tĩnh tới mức câu được, câu mất. Chuyên viên tư vấn trực hôm đó phải vất vả lắm mới chắp nối lại được câu chuyện như sau:

Người con trai ấy cũng đã gần 40, là một giáo viên dạy tại một trường trung học chuyên nghiệp. Anh là người đàn ông tử tế, có tư cách đạo đức tốt, nhưng không chịu lấy vợ, mặc cho bao lần người mẹ van xin “cho mẹ có cháu bế”. Anh cũng được tất cả anh em đồng nghiệp công nhận là người “trong sáng”, không hề có chuyện “trai gái”.

Vậy mà trong khi dọn dẹp nhà cửa, thu xếp lại tủ quần áo cho con trai, người mẹ phát hiện trong tủ của con có một “bọc rất to”, trong đó có mấy chục bộ đồ lót của phụ nữ, mà toàn những cái đã dùng rồi. Bà mẹ lại nghĩ con trai mình ăn chơi trác táng, mỗi lần “ăn nằm” với một cô nào đó là xin lại “cái đó” để làm kỷ niệm.

Thật oan cho anh con trai. Anh ấy chẳng phải là kẻ trác táng, mà chỉ là người mắc chứng lệch lạc tình dục, được các nhà khoa học gọi là bệnh “sùng bái vật” (fetechism). Những người mắc chứng này chẳng cần quan hệ tình dục với ai, chỉ được sờ nắm, ôm ấp hay mặc những “thứ đó” của đối phương vào người mình là bản thân đã... sung sướng như được “làm thật”. Vật được “sùng bái” kia thường là vật ăn trộm hay thu lượm được.

Chuyện về chàng kỹ sư nông nghiệp

Là trai thành phố, cao ráo sáng sủa, học giỏi, nhà giàu, vậy mà Phong kiên quyết thi vào trường Đại học Nông nghiệp, mặc cho cha mẹ ngăn cản, bạn bè tỏ ý ngạc nhiên. Ra trường, gia đình có thể lo cho Phong làm ở thành phố, nhưng Phong lại kiên quyết xin xuống làm tại một... trại giống xa nhà.

Say mê nghiên cứu, nghiêm túc trong lối sống, biết bao cô gái mất ăn mất ngủ vì “phải lòng mặt”, nhưng anh chẳng có tình ý với ai “trên mức đồng nghiệp”. Rồi một ngày “đại hạn” đến với Phong, khi các cô gái phát hiện ra anh “có tình cảm” với một “chị bò”.

Cơ quan ầm ĩ, giám đốc gọi lên tra hỏi, anh chỉ khóc và thú nhận rằng từ ngày trưởng thành đến nay, anh chỉ có khát khao “yêu súc vật”. Nỗi khổ của anh không thể tâm sự, không thể chia sẻ cùng ai. Anh biết điều anh khát khao là... không thể nào chấp nhận được, nhưng nó lại là “thôi thúc từ bên trong”, anh không thế nào cưỡng lại được, nên mới khổ sở thế này.

Có người yêu ở “trong đó” rồi

Gần ba mươi tuổi, da trắng, tóc mây bồng bềnh, dáng vẻ thư sinh, có chỗ làm tốt, vậy mà Tuấn không có bạn gái. Có một vài cô vì quá thích Tuấn, chủ động tấn công, nhưng Tuấn đều chối. Có người còn đổ tội cho Tuấn là “gay”.

Hóa ra Tuấn là một người mắc chứng nghiện tình dục, song cách thoả mãn của Tuấn cũng rất “đơn giản”. Đến một ngày Tuấn tìm được người yêu trên mạng, chỉ có điều “cô ấy” ở nước khác. Tối nào, đêm nào họ cũng chat với nhau. Khi thân tình, họ đã nói đến quan hệ tình dục và thống nhất lựa chọn hình thức “tình dục từ xa”. Dùng webcam cho nhau “xem”, đôi bên cảm thấy như rất gần nhau, rồi của ai người ấy “tự làm”, đến khi thoả mãn thì...  thôi.

Những ai quan tâm đến chuyện người yêu của Tuấn, đều được Tuấn bảo: “Yên tâm, có người yêu rồi”. Chỉ duy nhất có một cậu bạn thân mới biết người yêu của Tuấn ở “trong máy tính”.

Trong cuốn “Thắc mắc biết hỏi ai” của cố BS Trần Bồng Sơn, một trong những chuyên gia tư vấn hàng đầu về lĩnh vực tình dục học có viết rằng: Không có lĩnh vực nào lại có nhiều chuyện lệch lạc đến mức “giật mình” như trong lĩnh vực tình dục học. 

Nhưng tình dục là văn hoá, nên dù sao nó cũng được “quy chuẩn”, nghĩa là được chỉ ra như thế nào là bình thường, thế nào là lệch lạc. Những người có “tình yêu với thú vật”, chỉ thích tình dục ảo, say đắm với “đồ vật” hơn với con người... đều được xếp chung với nhóm “nói không với tình dục”. Đó là xét từ góc độ người ngoài cuộc. Còn với họ, họ có đời sống tình dục của riêng mình, cho dù nó hơi… xa lạ với đa số chúng ta.

 Nguyên Vũ
Giađình xã hội