Thay đổi ngay sau khi cưới

Tôi và Nam đã có những tháng ngày tình yêu thật hạnh phúc. Mối tình của chúng tôi được bạn bè ngưỡng mộ bởi sự chung thủy, sắt son suốt quãng thời sinh viên.Trong khi cả hai chúng tôi đều có nhiều người theo đuổi, trong khi những mối tình khác “sớm nở chóng tàn” thì tôi và Nam vẫn bên nhau gần 4 năm trời.

Ra trường, hạnh phúc được nhân đôi khi cả hai chúng tôi đều tìm được việc tại thành phố. Dù chưa phải là công việc như mơ ước nhưng nó cũng đủ để chúng tôi trang trải cho cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ.

Thế nhưng, mọi rắc rối bắt đầu khi bố mẹ Nam chuyển từ quê lên sống cùng.

Tôi vốn không phải là một người quá khéo léo để lấy lòng bố mẹ chồng, trong khi ông bà lại là một người quá nghiêm khắc và cổ hủ. Với ông bà, dù có chuyển ra ngoài Hà Nội thì những nền nếp gia phong vẫn phải giữ và tuân thủ thật nghiêm ngặt.

Công việc công ty bận rộn khiến trưa tôi không thể về nhà ăn cơm, tối không thể về trước 6h. Cộng với đường xá đi lại luôn ách tắc, có những lần tôi về nhà khi cả nhà đã gần dùng xong bữa.

Với bố mẹ chồng tôi đó là một điều không thể chấp nhận được, ông bà yêu cầu tôi phải làm một công việc nhàn hạ hơn, và ngay lập tức phải có một “thằng cu” cho chắc ăn.

Nhưng sự nghiệp của tôi vừa mới bắt đầu thì làm sao có thể dừng ngay lại được. Cùng với đó, Nam cũng đứng về phía bố mẹ chỉ trích tôi là một người không làm tròn bổn phận làm dâu trong gia đình.
 

Công việc kinh doanh của anh cũng không thuận lợi như trước khiến anh ngày càng chán nản và bi quan. Nghĩ rằng chồng đang lúc khó khăn, mình cũng cần giúp anh về tài chính, tôi ra sức phấn đấu nỗ lực để kiếm tiền, nào ngờ trong mắt anh đó lại là “Cô thấy tôi thất thế nên vênh váo đấy hả? Nhà này không cần những đồng tiền đi sớm về hôm của cô”.

Để trêu ngươi tôi, anh cũng về muộn không kém, nhưng không phải để đi làm ăn mà để đi “cặp bồ”.

Đau đớn, đắng cay vì phải sống trong một ngôi nhà không có ai hiểu và yêu thương mình, tôi quyết định ly hôn.

Chúng tôi chia tay nhau ngay sau gần 2 năm chung sống.

Từ gã thẩm phán "tốt bụng"…

Chia tay chồng, với niềm tin sụp đổ về hình ảnh một người yêu mẫu mực khi yêu bỗng trở thành một người chồng gia trưởng và lăng nhăng sau khi cưới, tôi lại thêm một bài học đắng cay nữa về những gã đàn ông vẫn thường tỏ ra lịch lãm, sang trọng và đặc biệt luôn tự hào mình là người “yêu vợ thương con”.

Người mà tôi gặp đầu tiên chính là gã thẩm phán – người thụ lý vụ việc ly hôn của chúng tôi.

Ngay khi gọi tôi ra tòa, nhìn tôi – so với những người vợ khác gặp cảnh “đứt gánh giữa đường”, tôi khá trẻ trung. 29 tuổi và chưa có con khiến tôi vẫn chưa mang dáng dấp của một người phụ nữ phải tất bật vì con cái như những người vợ khác.

Không chỉ hẹn tôi ở tòa, ông thẩm phán còn thường xuyên nhắn tin rủ tôi đi uống nước để “tư vấn có lợi cho em”. Những buổi đi uống nước đó, thay vì tư vấn thủ tục ly hôn, ông ta hỏi han tôi nhiều về cuộc sống riêng tư, công việc và luôn ngỏ ý giúp đỡ “không chỉ trong vụ án này mà cả cuộc sống”.

Tôi thấy ghê tởm những kiểu đàn ông như vậy, vì thế tôi kiên quyết nộp đơn tại tòa án quận khác.
 
 
Đến những khách hàng “đáng kính”!

Biết tin tôi ly hôn, bạn bè người thân khá ngỡ ngàng. Và tôi thì lại càng ngỡ ngàng hơn bởi thái độ mà họ dành cho mình.

Những người đàn ông trước đây vốn rất tự hào vì có một mái ấm hạnh phúc với “vợ đẹp, con ngoan” thì nay trước mặt tôi bỗng biến thành những gã đàn ông tội nghiệp với cuộc sống gia đình đang chuẩn bị rơi vào thảm họa, sắp sửa ly tán “vợ chồng lục đục” suốt ngày.

Và tất nhiên, ngoài những tâm sự như trên với tôi, họ không thể không thể hiện sự đồng cảm “dựa vào nhau mà sống trong lúc chán nản này” với tôi.

Tôi không khỏi cười thầm. À, thì ra trước kia, những gã đàn ông luôn chỉn chu, mẫu mực với bạn bè, đồng nghiệp, luôn tự hào về mái ấm trước kia chẳng qua là vì không có cơ hội mà thôi, còn nếu có, chẳng có lý do gì mà họ không “buông câu” như vậy cả.

Trong công việc, tôi thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng. Đủ mọi loại người. Trẻ trung, chưa vợ, có gia đình, ly thân, ly hôn, công chức, kinh doanh, cán bộ nhà nước…

Sau những câu chuyện về công việc, tất nhiên không thể không đề cập đến đời sống riêng tư. Nếu trước đây, họ - những người khách hàng đáng kính của tôi thường nói chuyện khá đàng hoàng thì nay, khi biết tôi ly hôn, không hiếm người chuyển sang thái độ à ơi, cợt nhả. Khi tôi lên tiếng yêu cầu nghiêm túc, có người tỏ ra xấu hổ. Ngược lại, không hiếm những người đàn ông dáng dấp phong độ, công chức nhà nước thản nhiên “Em có còn gì để mất đâu mà tiếc!”

Lúc đầu, tôi cảm thấy cay đắng khi gặp những lời nói xúc phạm như vậy, nhưng lâu dần thành quen, tôi trở nên “miễn dịch” và tự nhắc nhở bản thân mình “Đừng bao giờ phải rơi nước mắt vì những kẻ không xứng đáng”.

Hơn một năm sau ngày ly hôn, tôi trở nên mạnh mẽ và cứng cáp hơn rất nhiều, nhưng niềm tin vào đàn ông trên đời này thì dường như chỉ còn rất mong manh.
 
Theo Eva