Thành (32 tuổi), nhà ở Hồng Mai, Hà Nội đang đi điên hết cả đầu vì dạo này vợ anh lại bị mắc cái bệnh hay ăn vạ, mèo nheo như trẻ con.
Anh Minh (29 tuổi), nhà ở Hàng Thịt, Hà Nội tâm sự “ngày trước tôi yêu cô ấy vì cái tính nhõng nhẽo của cô ấy bao nhiêu thì bây giờ tôi lại thấy ngán ngẩm bấy nhiêu”.
Những trường hợp như anh Thành và anh Minh bây giờ không phải là hiếm trong xã hội nữa, đặc biệt là khi các bà vợ luôn cho mình những đặc quyền khi mang thai. “Những lúc ấy họ hay có tâm lý mình là trung tâm của gia đình nên cần phải nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những ông chồng. Vì vậy, để hạn chế sự mè nheo, kêu ca của các bà vợ, không nên vội vàng chán nản hay trách móc họ mà hãy quan tâm hơn, chia sẻ hơn cùng họ. Đừng để họ có cảm giác tủi thân, vì khi mang thai tâm lý của những người phụ nữ thường nhạy cảm hơn nhất nhiều so với bình thường”, chuyên gia tư vấn Trịnh Hòa Anh, trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm tổng đài 1088 khuyên các ông chồng.
Theo lời của chuyên gia Trịnh Hòa Anh, bà cũng đã từng tư vấn cho khá nhiều ông chồng khi vợ đang mang thai mà cứ hơi đụng một tý chuyện nhỏ nhặt nào cũng giận hờn, trách móc. Khó xử hơn nữa là có người còn mang đứa con trong bụng ra để “ép” chồng. Như trường hợp của anh Kiên (32 tuổi) nhà ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội đã bị vợ làm cho một phen khiếp hồn vì “không chịu quan tâm đến vợ và con”.
Như trường hợp của anh Kiên tâm sự vợ anh mới mang thai đến tuần thứ 5, vẫn có thể đi lại làm việc bình thường. Anh cũng bận nên cũng không thể lúc nào cũng kề kề bên cạnh chăm sóc được. Vậy mà chị vợ anh lại đưa ra một cái “nội quy” bắt anh thực hiện, mà theo chị nói “tất cả là vì con”. Nào là phải đi bộ với vợ từ 7h đến 8h, đọc truyện và cùng vợ nghe nhạc vào mỗi tối từ 8h đến 9h, sau đó là cùng vợ tập yoga để sau này con thông minh, lãng mạn và xinh đẹp…., đủ thứ. Kiên thở dài kể chỉ vì một lần như thế mà vợ anh lên facebook viết một lá thư dài như “tuyệt mệnh” trong đó có đoạn: “… Anh có làm em khổ đến đâu em cũng chịu được, nhưng sao anh lại không chịu chăm lo cho chính đứa con máu thịt của mình. Anh không còn nghĩ đến em và con nữa rồi phải không anh? Vậy thì em sẽ đi, sẽ mãi mãi không làm phiền lụy gì đến anh nữa…” rồi bỏ về nhà mẹ đẻ.
Anh Kiên đọc được bài viết ấy tá hỏa đi tìm vợ ở mọi nơi quen biết. Hỏi mãi mới biết vợ đã về nhà mẹ đẻ ở bên Long Biên. Khi đến nhà mẹ vợ, vợ anh còn không chịu ra gặp hay nói chuyện mà chỉ ngồi trong phòng khóc một mình. Anh phải năn nỉ mãi vợ mới chịu về, lại còn nói thêm: “Anh mà đối xử với con như vậy là lần sau em và con sẽ chết cho anh thỏa lòng”. Anh Kiên chỉ còn biết “chịu thua” cô vợ của mình: “Chưa đẻ mà đã vậy rồi không biết sau này đẻ còn lấy con ra hành mình thế nào nữa”.
Với những trường hợp “thái quá” như vậy quả thật khiến không ít những ông chồng phải “khiếp sợ”. “Dù là lúc nào, đang mang thai hay đã sinh rồi thì điều quan trọng nhất trong cuộc sống của vợ chồng vẫn là yêu thương và chia sẻ cho nhau. Mấy chuyện lấy con ra để đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc của chồng chỉ là biểu hiện của sự ích kỷ. Đó không phải là cách hay để duy trì “lửa” trong gia đình ”, chị Lan (28 tuổi), nhà ở Nguyễn Thái Học, Hà Nội chia sẻ với các bà vợ.