Số là từ ngày sinh con, anh Tuấn đón mẹ đẻ lên chăm cháu. Cảnh mẹ chồng – nàng dâu sẽ êm ấm nếu Hoa (vợ anh) không quá kiệm lời. Ấm ức con dâu nhưng ngại góp ý trực tiếp, mẹ anh toàn nói qua con trai, mong anh bảo ban được vợ. Có lần, anh nghe mẹ than phiền: “Cái Hoa đi ra ngoài làm tóc cũng chẳng nói với mẹ một câu. Để nhà cửa toang hoang”. Anh Tuấn lựa lời nói với vợ nhưng vợ anh bào chữa: “Em có nói, mẹ không nghe thấy thôi”.

Thấy mẹ chồng chăm cháu có gì không vừa lòng, Hoa chẳng chịu chia sẻ, tự mình làm lại. Có lần, mẹ chồng súc rửa bộ bình sữa không theo ý mình, Hoa tự đi rửa lại. Mẹ chồng cô trông thấy, nghĩ rằng con dâu chê mình “bẩn thỉu”, “quê mùa” nên đòi về. Cụ chẳng muốn ở thêm vì lúc nào cũng thấy con dâu lạnh lùng nên thấy ngột ngạt, nặng nề.

Cùng cảnh, anh Hiển (30 tuổi, Hà Nội) cũng ngượng với bạn bè, hàng xóm vì “vợ mày khinh người quá, chẳng chào hỏi ai bao giờ”. Anh Hiển có nhắc nhở thì vợ anh phân tích: “Em không quen người ta. Sao mà chào?”. Dù anh lập luận: “Trước lạ sau quen, em đã về làm dâu được gần năm. Em biết người ta là hàng xóm, lại hơn tuổi mình thì chào hỏi cho phải phép”. Nhưng vợ anh vẫn không thấy có gì thay đổi.

Đến mẹ đẻ anh, vốn rất dễ tính cũng phải có lời: “Vợ anh ra ngoài làm to, làm lớn gì không biết nhưng muốn đi chơi bạn bè thì phải có lời với bố mẹ. Ai lại thích đi là đi thế”. Anh Hiển rất tích cực góp ý nhưng dường như vợ anh coi đó là chuyện bình thường nên không thấy có tiến bộ gì.

Một lần, anh Hiển mời bạn bè đến nhà ăn cơm. Vợ anh chuẩn bị chu đáo nhưng chỉ chào hỏi qua quýt, rồi làm mặt khó đăm đăm, bạn bè của chồng có đùa một câu cũng không biết đáp lại. Đám bạn anh Hiển những lần sau ngại quá, không dám tụ tập tại nhà anh nữa.

Chưa hết, dịp cơ quan có tiệc, muốn vợ đi cùng nên anh Hiển căn dặn vợ nên chủ động chào hỏi. Tuy nhiên, vợ anh chỉ gật đầu với mọi người thay cho lời chào rồi lặng im ngồi bên chồng cho đến khi tan tiệc. Ngày hôm sau đi làm, anh Hiển phát ngượng vì cô bạn đồng nghiệp nói thẳng: “Vợ cậu lúc nào cũng khinh khỉnh thế à?”. Những lần cơ quan có tiệc, anh cũng chẳng muốn để vợ cùng đi.

Đừng kiệm lời quá

Xưa nay, phụ nữ vẫn được gắn cho cái mác “lắm lời” vì phụ nữ vốn thích nói, ham chia sẻ và là sợi dây gắn kết tình cảm cho mọi người. Hơn nữa, so với đàn ông, phụ nữ vốn bị đánh giá nhiều hơn về lời ăn, tiếng nói. Người nói năng thiếu suy nghĩ, phát ngôn bừa bãi thì bị cho là vô duyên. Ngược lại, người kiệm lời quá mức thì bị cho là khinh người, lạnh lùng… Người đàn ông có vợ như thế thường bị đặt vào thế khó xử, ngại với xung quanh.

Nhiều người vợ bao biện: “Đó là bản tính, không sửa được” hoặc đã quen với việc kiệm lời nên thấy đó là chuyện bình thường, không cần sửa. Có khi, họ không biết vì mình mà chồng bị mang tiếng.

Đúng là mỗi người mỗi tính nhưng “kiệm lời quá hóa khinh người” thì không nên. Chẳng phải các cụ đã dạy “học ăn, học nói”. Vì thế, nếu được góp ý, bản thân người trong cuộc phải tự xem lại mình. Sau đó, tùy hoàn cảnh mà khắc phục dần. Hoàn thiện mình cũng là một cách để giữ gìn hạnh phúc.
 
Theo Me&be