Bà có một cậu con trai duy nhất, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Con trai bà đáng tự hào lắm, được thừa hưởng vẻ phong độ của bố, lại học hành đàng hoàng, công việc ngon nghẻ.
Buồn một nỗi chồng bà đã mất vài năm trước khi chưa được nhìn thấy con trai yên bề gia thất, con cháu đầy nhà. Chính vì thế bà yêu con, quý con như vàng, như kim cương. Bà tự nhủ, con dâu bà sẽ phải kén chọn thật kĩ mới được!
Con trai nhiều lần đưa bạn gái về nhưng bà đều loại hết từ vòng gửi xe. Người thì xấu, người thì nhà xa, người thì nhà bố mẹ li dị… ai cũng có khuyết điểm tày trời như vậy, bà ưng sao nổi? Con gái nhà người ta mất công nuôi nấng mấy chục năm, cho ăn học, yêu thương nâng niu thế mà bà coi chẳng ra gì, khinh như bèo như rác hết! Con trai bà là ngọc ngà châu báu, vì thế con dâu cũng phải xứng đáng!
Và cái tội to nhất của các cô gái ấy là đều… nghèo. Nhà nghèo, chẳng có của nả hồi môn, toàn tự thân làm ra với lương tháng vài triệu bạc thì bao giờ mới giàu, lấy đâu của biếu xén, hiếu kính bà đây? Bà cả đời đã sống nghèo khó rồi, giờ chỉ mong nhờ cậy con trai để được đổi đời.
Vì khát tiền nên bà cho “tạch” hết các ứng cử viên. Cô gái nào con trai bà còn quyến luyến không muốn chia tay thì bà tìm mọi cách phá đám. Định thuyết phục bà à? Mơ đi! Có thuyết phục thế hay thuyết phục nữa cũng đừng hòng lay chuyển nổi bà!
May mà con trai thương bà, nên dù có buồn mấy cũng cố gắng không trái ý bà. Bà lấy làm mừng lắm. Không hổ danh con trai ngoan bà yêu thương nhất mực.
Dạo gần đây, bà thấy hình như có một cô bé đang bám con trai bà ghê lắm! Bà im ỉm điều tra, định bụng cô ta mà khiến bà không ưng là bà ra mặt đuổi ngay. Nhưng bà đã có một thu hoạch lớn ngoài dự đoán.
Cô ta chính là tiểu thư một gia đình giàu có tiếng. Mà khi con gái lấy chồng kiểu gì nhà đẻ chả cho hết cái nọ đến cái kia. Đúng là bà và con trai ăn ở phúc đức nên duyên số mới sắp đặt cho một mối ngon như thế. Bỏ lỡ thì có mà hối tiếc cả đời!
Bà về ướm hỏi con trai thì con lắc đầu: “Cô ta theo đuổi con nhưng con không thích. Vừa già vừa xấu, tính tình thì không thể mê nổi!”. Bà nghe thế liền chặn đứng những lời chê bai của con trai: “Nhưng mẹ ưng! Mẹ duyệt cho con lấy nó!”.
Cả đêm ấy bà tỉ tê tâm sự, thuyết phục con trai đủ kiểu, từ nhẹ đến nặng, còn tuyên bố từ mặt con trai nếu không chịu lấy cô ta. Cực chẳng đã, con trai bà phải nghe lời. Tuy con trai không vui nhưng chỉ cần nó chịu lấy là được, và mình bà vui là đủ rồi!
Không nằm ngoài dự đoán của bà, cô gái kia không lâu sau đó bắt đầu đến nhà tìm mọi cách lấy lòng bà. Cô ta quà cáp biếu xén tới tấp, đủ mọi thứ từ quần áo, giày dép, thuốc bổ... đánh trúng vào tâm lý khát tiền của bà. Bà cười tít mắt không thấy trời đất đâu nữa.
Chỉ cần nghe thấy thế, tưởng tượng đến viễn cảnh được sống trong ngôi nhà to lớn, khang trang là bà quên hết cả (Ảnh minh họa).
Thi thoảng nhìn 2 đứa đứng cạnh nhau, bà cũng phải công nhận, cô ta thua xa con trai bà. Nhưng không sao, thiếu cái này thì có cái khác bù lại.
Ngày cưới của đôi trẻ, chỉ bà và cô dâu là vui như bắt được vàng. Còn con trai bà thì mặt buồn như đưa đám. Nhưng bà chẳng quan tâm. Nhà này có phước mới lấy được con dâu như thế, còn mong chờ gì hơn nữa?
Nhưng vừa bước được chân vào nhà bà, thái độ con dâu liền quay ngoắt 180 độ. Khác hẳn với vẻ xởi lởi, nhu thuận và kính mến bà như trước khi cưới, con dâu chỉ ngồi khểnh và niệm thần chú: “Bố mẹ con bảo sắp tới cho vợ chồng con cái biệt thự đấy!”. Chỉ cần nghe thấy thế, tưởng tượng đến viễn cảnh được sống trong ngôi nhà to lớn, khang trang là bà quên hết cả.
Con trai bà đi làm cả ngày, chỉ còn bà với con dâu rảnh rỗi ở nhà. Thế nhưng nhà cửa từ to tới bé bà một tay làm hết, cơm bưng nước rót tận nơi cho con dâu. Đã vậy, bà còn bị con dâu càu nhàu, chê bai này nọ. Nhưng bà vẫn cười tươi roi rói, tận tình phục vụ đủ mọi yêu sách của con dâu. Hai người đã đổi vai cho nhau, con dâu bà dường như biến thành mẹ chồng vậy!
Con trai nhiều khi thấy ngứa mắt quá, lên tiếng nhắc vợ. Ấy thế nhưng bà lại đứng ra bênh con dâu. So với tương lai giàu có, xán lạn thì mấy cái chuyện vặt vãnh này có đáng là gì?
Con dâu mang bầu, yêu sách và độ khó tính tăng lên gấp bội. Bà vẫn hết lòng đáp ứng với thái độ dễ chịu nhất. Nhưng con dâu lại chê nhà cửa chật chội, không tiện nghi, đỏng đảnh đòi về nhà mẹ đẻ dưỡng thai và sinh cháu. Quá đáng hơn, con dâu bắt chồng về túc trực bên kia, cho mẹ chồng ở một mình.
Bà không vui, nhưng con dâu lại niệm chú: “Bố mẹ con đang sửa sang nhà rồi, sinh con xong là dọn sang được!”. Bà nghe thế thì như bị thôi miên, con dâu nói gì, bảo gì cũng gật hết. Con trai bất mãn, bà lại là người khuyên bảo và ép buộc con nghe theo lời vợ. Bà tự nhủ: “Lùi một bước để tiến 10 bước!”.
Vậy là đáng lẽ tuổi già có con cháu cận kề chăm sóc, bà phải ngày ngày thui thủi một mình, hàng tháng nhận ít tiền trợ cấp của con trai gửi cho. Con dâu sinh, bà muốn gặp cháu nội duy nhất thì phải đến xin phép nhà thông gia. Mà trong căn nhà to vật vã ấy, bà luôn là người khách không mời, lần nào cũng chỉ ngồi được vài phút sẽ bị kiếm cớ đuổi khéo.
Ai thấy cảnh đó cũng ái ngại cho bà, chỉ riêng bà vẫn vui ra mặt, chả thấy sao cả. Trong tâm trí bà chỉ đang ngập tràn giấc mơ về nhà đẹp, tiền nhiều, cuộc sống sung sướng mà con dâu có thể cho mình mà thôi…