Bất đồng trong nuôi dạy con cháu
Chẳng hạn chị Minh muốn con ngủ giường nhưng mẹ chồng lại nói trẻ con ngủ nôi tốt hơn. Bà nội chiều cháu, nó hơi khóc bà lại giành bế theo cách của bà. Nó ngủ rồi bà vẫn cứ bế đi lại, nhún nhún, riết rồi bây giờ thằng nhỏ cứ mỗi lần đi ngủ là khóc ré lên, phải bế trên tay, hát ầu ơ ví dầu đến khi ngủ say mới thôi. Nhiều đêm, đang ngủ mới nghe tiếng thằng nhỏ khóc vài cái, chị Minh chưa kịp vỗ mông hay ôm con vào lòng để con ngủ tiếp thì từ phòng bên cạnh bà đã lao sang bế phắt đứa bé dậy ẵm đi loanh quanh, báo hại đêm nào cu cậu cũng giở chứng khiến cả nhà mất ngủ.
Không chỉ dừng lại ở giấc ngủ, ngay cả miếng ăn, chị Minh cũng bất đồng quan điểm với mẹ chồng. Món gì bà cũng cho vào miệng nhai rã ra nhoèn nhoẹt rồi mớm cho thằng nhỏ khiến chị rợn cả người. Mỗi khi thấy vậy, chị Minh nhắc khéo: “Mẹ cứ bỏ hết vào xoong ninh cho nhừ hoặc bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn ra rồi cho cháu ăn vậy tiện hơn” thì lập tức bà lườm nguýt ngay: “Ngày xưa mẹ một tay nuôi mấy đứa con khôn lớn dĩ nhiên biết cách chăm sóc trẻ nhỏ khỏi cần con chỉ bảo...”.
Đến cách xử sự trong gia đình
Không khốn đốn như chị Minh, nhưng chị Trang ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lại gặp phải mẹ chồng hay chấp vặt, để bụng. Xảy ra vấn đề gì trong gia đình, mẹ chồng chị chẳng bao giờ góp ý thẳng, toàn kể cho người thứ ba nghe rồi sau đó câu chuyện đến tai chị, khiến chị nghiệm ra tốt nhất là chẳng nên nói gì vì thế nào cũng bị xét nét, bắt lỗi và thiên hạ nhìn vào nghĩ chị không làm tròn bổn phận dâu con đến nỗi bà không dám nói thẳng.
Nhưng khổ nỗi, từ khi thực hiện chính sách “câm nín” chị cũng không yên thân, mẹ chồng bắt bẻ rằng mặt mày con dâu lúc nào cũng đăm đăm, chụ ụ như bánh bao chiều. Mẹ nói chuyện mà không tỏ thái độ thiện chí tiếp thu, cứ ừ hử cho qua rồi lảng đi nơi khác. Chị Trang bùi ngùi tâm sự rốt cuộc chẳng biết phải làm sao cho vừa lòng bà vì nói cũng không được mà không nói cũng chẳng xong.
Và người khổ nhất
Theo các chuyên gia tâm lý, thông thường khi không cùng quan điểm thì một trong hai người sẽ đi tìm sự đồng thuận từ người thứ ba. Người thứ ba ở đây tức là con trai hoặc chồng của họ. Để đảm đương vai trò cầu nối, người đứng giữa thật ra là người khổ tâm hơn cả vì một bên là mẹ, một bên là vợ. Lên tiếng bênh mẹ, thì vợ cho rằng chồng không yêu thương mình, còn đứng về phe vợ thì mẹ cho rằng con trai bất hiếu. Thật không dễ để giải quyết mối bất hòa này. Vì thế, khi không thật sự cần thiết, các bà mẹ, bà vợ nên biết tự điều chỉnh hành vi để không làm khổ con trai mình, chồng mình.