Phận dâu trưởng lại có mẹ chồng thực dụng
Phương loay hoay với cả đống đồ chất lên xe, chiếc yên xe máy chỉ còn một chỗ bé xíu cho cô chen vào giữa. Chẳng là cuối tuần giỗ đầu bố chồng cô, từ lần về quê trước mẹ đã dặn dò cô mua đủ thứ. Từ đồ ăn, thức uống cho đến cái áo, cái quần hay vật dụng trong nhà, bà cứ “chuộng” đồ thành phố.
Chồng Phương vốn tính hiếu thảo, bố lại mất sớm nên anh luôn chăm lo, quan tâm đến mẹ từng ly, từng tý. Mẹ chồng cô đi đâu cũng tự hào về đứa con trai trưởng giỏi giang, ngoan ngoãn. Bà cũng là người yêu chồng, thương con hết mực nên khi bước chân vào gia đình chồng, Phương được đối xử như con cái trong nhà.
Nếu mọi chuyện chỉ đơn giản có thế thì vợ chồng Phương không rơi vào cảnh lục đục như bây giờ. Hễ mỗi lần về quê, mẹ anh lại gọi điện nhờ cô mua hết thứ này, thứ nọ. Mấy người cùng khu trọ tưởng cô buôn bán gì về quê chồng, khi thì thùng lớn, thùng bé, khi lại túi trước, túi sau.
Lần về giỗ đầu bố chồng, cô càng phải “tha lôi” nhiều hơn. Nhưng vừa kịp bước xuống xe, bà đã thao thao bất tuyệt sắp bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu người… mà “mẹ chưa kịp mua bán gì”. Thế là Phương lại tất tả đưa mẹ đi chợ. Điều đáng nói là Phương vừa thấy chồng rút ví đưa tiền biếu mẹ để lo giỗ chạp, giờ đi chợ đến lúc thanh toán bà cứ lẳng lặng quay đi. Lần đầu, Phương tưởng mẹ đang lơ đễnh ngó ngàng hàng khác, nhưng 3 lần, rồi đến cả buổi chợ, cô cứ đều đều lo trả hết.
Giỗ chạp, cái gì cũng đến tay mà vẫn phải vui vẻ
Vài lần về quê khác, hết than vãn ti vi hỏng, tủ lạnh không có mà một mình nên thức ăn ôi thiu hết, mẹ chồng lại quay ra gợi ý: “Nhà chú Năm, bác Hải (hàng xóm) mới làm lại bếp sạch sẽ, khang trang lắm. Kể nhà mình cũng làm được thế thì cái sân rộng ra bao nhiêu, mà nó cũng sập sệ lắm rồi”.
Nghe nói thế, lẽ nào chồng Phương dửng dưng? Anh lại lo gom góp tiền gửi về cho mẹ tu sửa căn bếp, sắm thêm cái tủ lạnh, thay chiếc tivi cũ… Thu nhập hơn chục triệu đồng của hai vợ chồng, lại sống cảnh xa nhà, thuê trọ cứ thế mà “đi ngoang ngoảng”.
Vòi vĩnh không được, mặt sưng mày sỉa
Đã thế, có cô em chồng học hết cấp 3, nay đòi làm nghề này, mai muốn chuyển nghề khác. “Nhà có hai anh em, nó cũng cần vốn liếng để mở cửa hàng, ổn định công việc mà mẹ thì chẳng lo hết được”. Mẹ nói thế, lẽ nào vợ chồng cô không giúp? Nhưng vừa cho tiền học may được vài tháng, cô em chồng lại muốn mở cửa hàng uốn tóc thì tiền nào xoay cho kịp.
Sau nhiều lần như thế, Phương cũng nhẹ nhàng góp ý với chồng. Biết hoàn cảnh hai đứa chẳng dư giả gì trong khi Phương đang mang thai nên anh cũng rút bớt các khoản biếu xén, mua sắm cho mẹ hơn trước để dành dụm chào đón đứa con đầu lòng.
Lâu lâu không thấy vợ chồng Phương về thăm quê, bà liên tục gọi điện, rồi nhắc khéo. Dịp Tết vừa rồi, Phương bụng mang dạ chửa nhưng vẫn không quên mua ít bánh kẹo, đồ Tết về nhà. Chưa kịp hiểu mẹ ở nhà ốm đau hay có chuyện gì mà thái độ cứ nặng nề, không vui vẻ như trước kia thì mẹ chồng cô đã kể lể đủ chuyện trên giời dưới bể.
Nào nhà nọ có con đi làm Miền Nam, mỗi năm gửi về cho bố mẹ vài chục triệu, nào nhà kia con cái đón cả mẹ lên Hà Nội sống cùng, rồi thì đứa về xây cửa xây nhà…. Đến lúc này Phương mới vỡ lẽ, hóa ra bà đang trách cứ vợ chồng cô.
Chẳng dám hé răng nói lại với mẹ nửa lời, Phương lặng lẽ đi vào giường nằm. Tết nhất đến mà không khí gia đình nặng nề như đưa đám. Năm năm sau khi ra trường, hai vợ chồng vẫn chấp nhận chui ra chui vào căn phòng thuê hơn 10m2. Chật chội, bí bách thế nhưng thu nhập hàng tháng chỉ có ngần ấy, hai vợ chồng cũng phải chắt bóp chi tiêu, tính toán căn cơ để còn phòng khi ốm đau cơ nhỡ.
Nhưng cứ vừa để ra được vài đồng là y như rằng mẹ chồng có việc hỏi đến. Riêng bên ngoại, lần nào vợ chồng Phương biếu xén gì ông bà cũng nhất quyết không nhận vì biết hai đứa còn khó khăn, sống nơi đất khách quê người chật vật lắm. Vậy mà mẹ chồng cô đâu có hiểu, cứ ngỡ ở thành phố “hái” được ra tiền.