Bà quay sang Trung mỉa mai: “Đàn ông đàn ang kiểu gì mà yếu đuối, nhu nhược để vợ nó qua mặt. Cứ chiều chuộng cho lắm vào rồi nó được đằng chân lân đằng đầu”.

Đã quá nhiều lần kiên nhẫn chịu đựng khi chứng kiến sự nghiệt ngã, cứng nhắc, ác cảm với con dâu của mẹ, không thể im lặng được nữa, Trung bức bối “phản ứng”: “Mẹ vừa phải thôi, để cho vợ con thở chứ. Cứ soi mói, cùm kẹp như thế thì làm sao cô ấy sống được. Khó tính khó nết vậy bảo sao quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngày càng căng thẳng”.

Những lời Trung thốt ra tựa “lửa đổ thêm dầu” khiến mẹ anh nổi đóa lên: “Tôi nuôi anh hơn ba chục năm trời để bây giờ anh trả ơn tôi thế à? Từ ngày cưới vợ, anh chỉ chăm lo, bênh vực nó, trong mắt anh chắc gì đã còn có tôi”. Rồi bà lu loa than thở cho số kiếp bạc bẽo của mình, sinh được mỗi thằng con trai thì nó lại nghe vợ, bất hiếu với mẹ...
 

Từ ngày yên bề gia thất, cuộc sống của Trung chẳng những không vui vẻ, hạnh phúc gì mà luôn giằng xé, khó xử khi phải đứng giữa mẹ và vợ. Nhiều hôm, sau giờ làm việc, anh không muốn trở về nhà vì đã quá mệt mỏi với những cái lườm nguýt, những câu mỉa mai, chì chiết của mẹ, tiếng thở dài ấm ức, những giọt nước mắt hụt hẫng, thất vọng của vợ. Bữa tối là dịp đoàn tụ của cả gia đình, song Trung chẳng những không cảm nhận được không khí đầm ấm, vui vẻ mà chỉ thấy ngột ngạt, bức bối.

Anh băn khoăn không lí giải nổi, vì sao mẹ ráo riết thúc giục anh lấy vợ cho bà yên lòng, sớm có cháu bế bồng, vậy mà khi anh cưới Hằng về rồi thì bà chẳng những không vui vẻ, mãn nguyện mà tình cảm giữa anh và mẹ cũng xấu đi nghiêm trọng. Nào phải đang trong giai đoạn mới cưới hương lửa mặn nồng nên anh bênh vực, đứng về phía Hằng. Mà xét một cách công bằng thì mẹ anh đối xử với Hằng rất quá đáng. Bà chê Hằng lười nhác, không đảm đang, quán xuyến việc tề gia nội trợ mà chẳng chịu cảm thông cho đặc thù công việc hoạt động phong trào luôn bận rộn của con dâu.

Trung rất ủng hộ khi Hằng diện những bộ váy sang trọng, lịch sự, trang điểm tươi tắn, cuối tuần đến tiệm sửa sang đầu tóc, móng tay, móng chân... bởi cô thường xuyên phải tiếp xúc với mọi người. Hơn nữa, Trung cũng được tự hào, hãnh diện về vợ nhưng mẹ anh lại cảm thấy “ngứa mắt”. Bà sang hàng xóm nói xấu Hằng là đua đòi, tiêu xài hoang phí, quy kết cô “chồng con rồi còn đỏng đảnh”...

Đã có lúc Trung nghĩ tới giải pháp dọn ra ngoài thuê nhà sống nhưng trách nhiệm làm con đối với người mẹ đã gần 70 tuổi, lại nay ốm mai đau khiến anh còn băn khoăn, do dự. Trung luôn cảm thấy bế tắc trong cách hành xử. Anh chưa ý thức được rằng, chính bản thân anh cũng có lỗi khi chưa hoàn thành vai trò cầu nối giữa mẹ và vợ, thậm chí còn vô tình đẩy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thêm căng thẳng.

Sơ suất của Trung cũng là lỗi khá phổ biến của các đấng nam nhi khi mới bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân. Đó là sự thiếu tế nhị, không am hiểu tâm lí người già. Mẹ chỉ có mình Trung nên bao nhiêu năm qua mẹ dành cho anh những tình cảm sâu nặng nhất. Khi phải “chia sẻ” con trai cho một người phụ nữ khác, đa số các bà mẹ đều cảm thấy hụt hẫng, mất mát nên sinh ra ác cảm với con dâu (đặc biệt là khi người con trai đó lại vô tâm có những lời nói, cử chỉ âu yếm, chiều chuộng vợ thái quá trước mặt mẹ). Lẽ ra, Trung phải nhắc Hằng sau giờ làm việc nên tranh thủ cùng nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho mẹ con thêm gần gũi.

Các cụ dạy: “Nhập gia tùy tục”, chính Hằng phải chủ động hòa nhập vào cuộc sống nhà chồng bằng cách điều chỉnh lại thói quen, nếp sinh hoạt sao cho phù hợp, đừng khiến mẹ chồng khó chịu. Đành rằng mẹ Trung có phần khắt khe với con dâu, song người mẹ nào mà chẳng thương con. Nếu Trung nhắc nhở vợ cư xử khéo léo để bà cảm nhận được rằng từ khi có cô, bà thực sự có thêm một đứa con ngoan hiền, hiếu thảo thì chắc chắn cuộc sống gia đình sẽ hòa hợp, ấm cúng.
 
Theo PNVN